Hôm vừa rồi đi taxi lên sân bay tôi gặp một anh tài xế bằng tuổi. Cũng như mọi người đàn ông tầm tuổi này, chúng tôi hỏi thăm nhau xem mày lấy vợ chưa, mua nhà mua xe chưa. Câu chuyện tất nhiên dẫn đến cả những người khác, những người chúng tôi quen mà giỏi quá đã sắm cả biệt thự cả siêu xe; hai thằng cùng suýt xoa nghĩ xem bao giờ mình được như thế. Và đến đây anh bạn lái taxi đưa ra một kết luận rất bất ngờ. Anh bảo lo gì hả bạn, cứ làm việc rồi ai cũng sẽ đầy đủ như thế thôi. Ai cũng giàu hết.
Tôi thích tinh thần lạc quan này; và tôi biết rất nhiều người nghĩ thế. Nhưng trong thâm tâm tôi cho rằng cách nghĩ ấy sai.
Trong Zero To One, tác giả (nhà sáng lập PayPal) vẽ một sơ đồ 2 trục phân chia 4 cách nghĩ về tương lai, bao gồm DEFINITE/ INDEFINITE OPTIMISM và DEFINITE/ INDEFINITE PESSIMISM (Lạc quan có kế hoạch/ không kế hoạch và Bi quan cụ thể/ mơ hồ).
INDEFINITE PESSIMIST gồm những người nghĩ rằng xã hội đang suy đồi so với thời trước. Họ thấy tương lai thật ảm đạm, nhưng họ không biết làm thế nào tránh được. Điển hình cho suy nghĩ này là khối Châu Âu kể từ đầu 1970s. Ngày nay cả Eurozone đang chìm dần vào khủng hoảng và không ai đứng ra chèo lái. INDEFINITE PESSIMIST cho rằng tận thế sắp đến nhưng không biết chính xác nó sẽ ra sao, vì vậy họ cho phép mình ăn uống say sưa vì đằng nào cũng chết. Peter Thiel cho rằng đây là lý do đằng sau “vacation mania” ở Châu Âu.
DEFINITE PESSIMIST tin rằng tương lai có thể dự đoán được, nhưng vì nó rất tồi tệ, ta phải chuẩn bị trước. Trung Quốc là quốc gia điển hình cho suy nghĩ này. Mọi chính phủ đều sợ rằng Trung Quốc sẽ chiếm cả thế giới, nhưng riêng Trung Quốc lại sợ họ sẽ thất bại trong cuộc thôn tính này. Trong lúc lo sợ, họ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng một cách điên cuồng.
DEFINITE OPTIMIST cho rằng tương lai sẽ tốt hơn nếu ta lên kế hoạch và xây dựng tương lai theo hướng đó. Từ thế kỷ 17 cho đến những năm 60, tinh thần này bao trùm lên toàn phương tây. Các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ và doanh nhân làm thế giới trở nên tươi đẹp và đáng sống hơn bao giờ hết.
INDEFINITE OPTIMIST gồm những người nghĩ rằng tương lai sẽ tốt hơn, nhưng họ không biết cụ thể như thế nào, nên họ không lên kế hoạch gì cho chúng cả. Đây là tình trạng của nước Mỹ (và nhiều nước khác) ngày nay. Chúng ta tin rằng tiến bộ y học và khoa học sẽ làm cuộc sống tốt lên, nhưng cụ thể ra sao chúng ta không biết và cũng không có kế hoạch gì để đảm bảo chuyện đó xảy ra.
Peter Thiel cho rằng dù optimist hay pessimist, ngày nay chúng ta đều đang chung một kiểu suy nghĩ INDEFINITE (mơ hồ, không kế hoạch). Ví dụ điển hình về tư duy INDEFINITE là thuốc trường sinh. Từ xa xưa mọi nền văn minh đều tìm cách kéo dài tuổi thọ con người và cho đó là một việc rất nghiêm túc. Người Trung Quốc luyện linh đan và nghĩ ra đủ phép tu tiên. Tôn Ngộ Không, một con khỉ, cũng biết sợ chết và rời khỏi Hoa Quả Sơn để đi tìm thuốc trường sinh bất lão. Người Tây Ban Nha thế kỷ 16 đi tìm Fountain of Youth khắp các rừng rậm ở Florida. Dù đi tìm sự bất tử trong rừng hay trong phòng thí nghiệm, các bộ óc siêu việt nhất của thời Phục Hưng đều cho rằng con người có thể đánh bại cái chết. Ngày nay chúng ta đơn giản chấp nhận rằng ai cũng phải chết.
Quay trở lại anh bạn lái taxi, bây giờ ta thấy rõ rằng anh là một người INDEFINITE OPTIMIST. Tôi thấy đây không phải chính sách đúng đắn, vì nó hơi ngây thơ. Ta không thể ngồi im chờ vào vận may được. INDEFINITE PESSIMIST thì vô trách nhiệm. (Thái độ này từng rất phổ biến trong các anh tây ba lô sang VN hồi 2000s – 2010s.) DEFINITE PESSIMIST quá bi quan, mất đi cả sinh thú. Chỉ có DEFINITE OPTIMIST là lựa chọn hợp lý và dễ dẫn đến tương lai tốt đẹp nhất. Tuy vậy, điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Lên kế hoạch thế nào để tương lai chắc chắn tốt hơn? Tôi không biết. Làm thế nào mua được dinh thự trong khu Ba Son của bác Vượng? Tôi không biết. Làm thế nào mua được G63 trong 3 năm nữa mà không phải 63 năm nữa? Tôi cũng không biết.
Có lẽ vì tìm câu trả lời cụ thể quá khó, nên phần đông chúng ta cam chịu làm những kẻ INDEFINITE suốt đời chăng? Và bạn, bạn chọn thái độ nào?