Marginalia: Tầm quan trọng của cái lề giấy

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo. Nghèo đói dạy con người tiết kiệm.

Khi nghèo bạn phải dè sẻn mọi thứ và tận dụng mọi thứ: ăn bát phở húp hết sạch nước, hút điếu thuốc cháy đến tận đầu lọc, hoặc viết trang giấy kín đến tận lề.

Từ nhỏ tôi đã luôn nghĩ rằng lề giấy là một phát minh vớ vẩn. Người đầu tiên nghĩ ra cái lề giấy là ai? Ắt hẳn phải là một anh nhà giàu. Phải giàu người ta mới dám bỏ phí cả đoạn giấy trống như vậy.

Vì nghĩ rằng nó lãng phí nên tôi không bao giờ để chừa lề giấy. Trang viết của tôi hiếm khi có một khoảng trắng nào thừa thãi, chữ viết luôn tràn đến sát mép: trên cũng như dưới, trái cũng như phải. Nó kín đến nỗi nếu tôi viết mực đen thì tờ giấy ấy sẽ như bị đổ mực đen lên vậy.

Kể từ hồi viết blog, tôi dần bỏ viết tay mà gõ thẳng lên máy tính, vì viết tay rồi chuyển lên máy rất mất thời gian: tôi không biết gõ 10 ngón, mà thuê người đánh máy thì chắc không ai đọc nổi chữ viết tay ngoằn ngoèo của tôi. Câu chuyện cái lề giấy như vậy chìm vào quên lãng.

Hemingway và bản thảo đầy ghi chú bên lề giấy

Cho đến một hôm tôi đang hí hoáy gõ bài “Hướng dẫn đọc Kinh Thánh cho người Việt Nam” thì đột nhiên máy tính đơ ra. Chẳng còn cách nào khác, tôi liều khởi động lại và (vâng bạn đoán đúng rồi đấy) file Word đang gõ khi nãy bị mất hoàn toàn. Một thảm họa như thế hẳn đã không xảy ra nếu tôi chọn công cụ viết là một cuốn sổ và một cái bút chì: trừ khi có người cầm quyển sổ của tôi đem đốt, ngoài ra không tình huống nào có thể dẫn đến việc 3000 chữ bốc hơi trong vài giây.

Sự cố này khiến tôi quay lại với những bản nháp thủ công. Nhưng chuyển sang viết tay chỉ vài hôm thôi là tôi thấy nhớ sự tiện lợi của máy tính: trên Word, bạn có thể chỉnh sửa bất cứ câu hay đoạn nào tuỳ thích, luôn luôn có chỗ để chèn thêm 10 hay 10.000 chữ, vì độ dài của một file Word là vô tận. Trên giấy thì không. Trang giấy của tôi luôn kín mít cả bốn phía nên khi gạch bỏ một câu và thêm câu mới, tôi không biết phải viết câu mới ấy vào chỗ nào nữa: không có lấy một khoảng trống cho sự sửa chữa, thêm thắt hoặc trí tưởng tượng hậu nháp (post draft).

Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra đây không phải lỗi của tờ giấy. Tất cả chỉ vì tôi quá tham lam không để chừa lề.

Tiếng Anh có chữ “marginalia”, nghĩa là những ghi chú bên lề của một trang sách.
Vì chuyên mua sách cũ, tôi là nhân chứng sống cho sự độc đáo của marginalia trên những cuốn sách đã qua tay nhiều chủ. Mỗi độc giả sử dụng lề sách theo những cách khác nhau: người thì viết ý tưởng nảy ra khi đọc, người thì phê phán tác giả hoặc sửa lại từ này từ kia theo ý mình.

Marginalia của Isaac Newton

Tôi luôn nghĩ một nhà văn có lẽ sẽ viết hay hơn bội phần nếu 10 năm sau khi cuốn sách của ông ấy được in, nhà văn đi mua lại tất cả sách từ độc giả và ngồi đọc marginalia để rút kinh nghiệm. Nhưng việc ấy thật khó làm, vì vậy nhà văn cần thực hiện công đoạn marginalia trên chính bản nháp của mình đã. Nó khuyến khích tác giả đọc lại những gì vừa viết từ vị trí một người ngoài cuộc, và như thế, tỉnh táo hơn và đưa ra những chỉnh sửa sáng suốt hơn.

Một văn bản gõ trên Word cũng có khoảng trống lề bao quanh, nhưng nó là khoảng trống vô dụng, vì khi bạn viết thêm thứ gì, thứ bạn thêm vào sẽ hiển thị nối tiếp trên phần thân. Cái lề của Word trắng tinh và vô hồn.

Lề giấy thì khác. Nó được bỏ trống để người ta viết thêm vào. Mỗi khi mở bản nháp, một cái lề trống sẽ nhìn thẳng vào mắt nhà văn đầy khiêu khích và nói: “Anh vẫn chưa xong việc với tôi đâu, anh bạn. Hãy đọc lại bản nháp này 100 lần nữa với tư cách 100 độc giả khác nhau, và anh sẽ lấp đầy tôi với những ý tưởng diệu kỳ mà anh không thể nghĩ ra ngay lần đầu đặt bút.”

Lề giấy, như vậy, có chức năng báo hiệu: một cái lề trắng tinh báo cho nhà văn biết anh ta cần đọc bản nháp của mình thêm 100 lần. Và nếu cái lề ấy vẫn trắng: thêm 100 lần 100.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link