Từ khi smartphone và airpods trở nên phổ biến, tự dưng ai cũng muốn nghe audiobook với podcast. Có lẽ vì ai cũng muốn tận dụng tối đa thiết bị của mình vào việc có ích, cụ thể ở đây là việc học.
Nhưng tiêu thụ audiobook không dễ như sách giấy. Dù sao chúng ta cũng tiếp xúc văn bản in suốt 12 năm đi học rồi. Bạn giàu kinh nghiệm xử lý chữ viết nhưng lại ít kinh nghiệm tiếp thu kiến thức dạng audio, vì nó mới.
Khi dùng audiobook hay podcast để học, có một sai lầm là ai cũng nghĩ đọc sách giấy với nghe audiobook nó như nhau. Không đúng.
Trước hết ta phải hiểu con người có nhiều chế độ hấp thụ kiến thức khác nhau. Có người nhìn hình minh họa mới thấy dễ nhớ dễ hiểu, còn đọc chữ chi chít thì khó ghi nhớ. Có người lại đọc một lèo 200 trang sách không có một hình minh họa nào vẫn được, nhưng khi nghe cùng nội dung đó thì trôi tuột đi không hiểu mấy. Rồi mỗi loại nội dung lại nên được hấp thụ một cách khác nhau. Có ai đọc sách mà học bơi được không?
Vậy để dùng audiobook hiệu quả, ta phải biết loại nội dung nào hợp với format audio để nghe, và loại nào không hợp để tránh.
Kiến thức dưới dạng audio phù hợp với ba loại nội dung.
Thứ nhất là nội dung đơn giản. VD sách self help nhảm, podcast chém gió vớ vẩn (như của tôi) hoặc phỏng vấn người này người nọ chia sẻ câu chuyện này nọ. Chúng có nội dung đơn giản, gần gũi với văn nói và thông tin loãng nên nghe phát hiểu ngay.
Thứ hai là nội dung ngắn. VD audiobook dạng mỗi chương 2-3p hoặc podcast dưới 5p (lại vẫn ví dụ là podcast của tôi chẳng hạn). Cần ngắn, vì đã chọn audiobook mấy khi chúng ta ngồi không mà nghe đâu. Chí ít cũng nghe trên đường lái xe hoặc đi tập thể dục. Những hoạt động đấy tuy automatic rồi những vẫn làm giảm khả năng tập trung-tiếp thu, cho nên ngắn thôi để còn kịp hiểu và tiêu hóa. (Tuy nhiên các bạn không cần lo lắm về tiêu chí này, vì trừ audiobook ra, còn podcast nếu dài cả tiếng thì thông tin loãng toẹt thôi, vì lấy đâu ra lắm cái hay mà nói thế. Vậy nó lại về trường hợp trên). Cá biệt sẽ có những bài phỏng vấn audio với hàm lượng thông tin cao (VD bài nói chuyện của ông Vượng với Viettel), nhưng không gặp nhiều đâu.
Thứ ba là audio về những đề tài bạn hiểu rõ. VD như tôi biết cực rõ về mảng giảng dạy ngôn ngữ, vậy nghe sách về phương pháp dạy tôi chỉ cần nghe qua qua là hiểu rồi, vì nó tự động kết nối với những thứ tôi đã biết. Lúc đấy chỉ cần mức tập trung thấp là ổn.
Đó là loại phù hợp. Thế không phù hợp thì thế nào?
VD tiểu thuyết chẳng hạn. Ai cũng nghĩ tiểu thuyết phù hợp với format audio, nhưng tôi nghĩ không đúng. Hồi nghe A Gentleman in Moscow, tôi chỉ nghe được gần một tiếng là phải bỏ. Amor Towles tả lắm quá, mà miêu tả lại có vẻ cầu kỳ, nên khi nghe đôi khi tôi không kịp hình dung ra cảnh rồi tôi thấy phí. Cứ tua đi tua lại cũng bực mình. Nhưng tiểu thuyết như Tam Quốc thì lại hợp nghe audio: câu gãy gọn, không miêu tả rườm rà, chỉ tập trung vào hành động, diễn biến. Có lẽ vì Tam Quốc được người Trung Hoa kể ngoài chợ hàng trăm năm nên nó đã được nhào nặn cho hợp với hình thức audio chăng? Còn lại tiểu thuyết thông thường tôi nghe không kịp hiểu, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Ai có ý định nghe tiểu thuyết Dostoevsky thì thôi bỏ đi.
Loại audiobook thứ hai nên tránh nghe là nonfiction. Những cuốn nào thực sự độc đáo và giàu thông tin thì chịu không thể tiếp thu qua tai được. Đơn giản vì format đấy không dành cho nó. Tôi từng nghe audiobook Antifragile với Thinking Fast & Slow: không hiểu gì cả. Những cuốn như thế đọc sách giấy còn phải đọc rất chậm để hiểu; nghe chắc chắn không kịp thẩm thấu.
Tuy nhiên trong nonfiction có một loại hợp audiobook lắm, đó là Biography/ Autobiography. Vì sao? Vì phần lớn thời gian tác giả chỉ lải nhải về những chuyện vụn vặt trong đời sống của họ, bạn ghi nhớ cũng chẳng học hỏi thêm được điều gì. (Còn đọc sách với mục tiêu tầm chương trích cú, dẫn ra sách này ông này nói gì ở đâu thì không phải sở trường của tôi, tôi xin không bàn đến). Điển hình như cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson chẳng hạn, viết thừa nhiều quá. VD có những đoạn dài kể chuyện Jobs yêu đương thế nào mặc cái gì đi gặp người yêu…thì ai quan tâm? Các sử gia biography Tây bị một lỗi là có nhiều tài liệu quá nên viết chi tiết quá đà. Tiểu sử về Rockefeller (Ron Chernow) với Rothschild (Niall Ferguson) chẳng hạn, người ta kể tường tận từ đời cụ nội cụ ngoại kể đi, đọc mãi vẫn chưa thấy nhân vật chính. Tiểu sử về Robert Moses (The Power Broker của Robert Caro) lại mở đầu bằng cảnh ông này đi bơi mà chẳng có dụng ý gì cụ thể. Cực kỳ lan man. Nhưng lan man, thông tin loãng mới hợp audiobook.
Ngoài ra, bạn có thể dùng audiobook khi muốn ôn lại kiến thức. Với những tài liệu quan trọng mà tôi đọc đã lâu, nay muốn nhớ lại, tôi sẽ tìm bản audio để nghe trong lúc làm việc khác. Nghe để nhớ lại sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với việc ngồi đọc lại cả quyển sách. Nó tương tự với việc ngồi xem lại highlights.
Tóm lại audiobook/ podcast tương tác với não chúng ta khác với sách giấy, nên cách dùng cũng phải thay đổi để đỡ phí thời gian, tránh việc cứ bật audiobook nhưng nghe chẳng khác gì white noise, chỉ tổ buồn ngủ.