Người ta vẫn bảo “giấy trắng mực đen”, ý là cái gì đã viết ra rồi thì không chối cãi được, và cũng với ẩn ý rằng nó là bằng chứng vĩnh cửu.
Nhưng có thật chữ viết sẽ tồn tại mãi mãi không? Tất nhiên tôi không nói đến chuyện tờ giấy hay cuốn sách bị lôi ra đốt; như thế thì chữ nào thoát được. Tôi đang nói đến trường hợp thông thường, khi ta ghi chép để tương lai xem lại, nhưng vài năm sau mở ra thì chữ đã biến mất rồi.
Nghe thật khó tin đúng không? Nếu bạn có thói quen giữ hóa đơn siêu thị, hãy thử tìm một tờ bill cách đây 6 tháng mà xem. Chữ trên đó chắc chắn đã mờ tịt hoặc có trường hợp chỉ còn mẩu giấy trắng tinh. Và đôi khi chẳng cần đến 6 tháng.
Chuyện “bill bốc hơi” này tôi biết được do một người bạn làm ở quỹ từ thiện kể cho. Ở quỹ đó, mọi hóa đơn mua bán đều được chụp ảnh và photo lại cho chắc ăn. Người ta lưu trữ bản photo chứ không lưu bill gốc vì theo kinh nghiệm, chữ trên bill thường biến mất trong vòng một năm!
Hóa đơn có thể bị vậy do mực in rởm; thế còn mực bút thì sao?
Trong chuyến đi dọc VN năm 24 tuổi, tôi ghi chép rất nhiều bằng bút mực (một cây bút Đức hiệu Pelikan M200). Lúc vào đến Sài Gòn, bình mực tôi mang theo bị thất lạc nên tôi phải mua tạm mực Pelikan tím ở một hàng tạp hóa. Lọ mực này được dùng để ghi việc suốt thời gian ở SG và Cần Thơ; đến khi vào Siem Reap tôi mới đổi sang mực khác.
Bẵng đi hai năm, một hôm tôi tìm sổ cũ đọc vì cần tài liệu viết bài. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ mình bị cận, hoặc bị mù có nhẽ, vì tôi không thấy chữ nào trong cuốn sổ Sài Gòn – Cần Thơ nữa! Chữ viết bằng mực Pelikan tím đã bốc hơi hoàn toàn. Ký ức 14 ngày miền nam bây giờ hóa thành 160 trang giấy trắng.
Hóa ra mực viết không hề vĩnh cửu. Mực Pelikan tím được bán nhiều cho học sinh tiểu học, thế nên người ta cố tình làm cho nó không bền màu để nhỡ dây ra quần áo thì dễ giặt sạch. Các loại mực phổ thông khác cũng chẳng khá hơn, hầu như không chịu được nước hoặc ánh sáng lâu ngày. Đổ nước vào sổ cũng mất chữ mà để quên quyển sổ mở trên bàn vài tháng cũng toi. Vậy nếu tôi muốn ghi chép của mình tồn tại vài trăm năm nữa, tôi phải viết bằng cái gì đây?
Thật bất ngờ là công cụ viết vĩnh cửu nhất hóa ra lại là bút chì. Than chì có thể chịu được nhiệt độ, chịu được nước, không bao giờ bay màu và ngay cả khi bị tác động bề mặt như chà xát bởi tay hay các mặt giấy cọ vào nhau, chữ chỉ bị lem đi chứ không biến mất. Trong một phim tài liệu Discovery, tôi đã thấy các nhà khoa học lặn xuống biển và ghi chép bằng bút chì. Khi lên bờ họ phơi khô tờ giấy đó, thế là xong. Bút chì chỉ chịu thua cục tẩy mà thôi.
Xếp sau bút chì là các loại permanent marker, như kiểu bút vẽ line của dân hội họa kiến trúc. Chúng thường được xếp hạng “bullet proof” (chịu được nước và hầu như mọi tác động môi trường khác) hoặc “archival” (dùng để lưu trữ vĩnh cửu).
Kế đến là bút bi phổ thông như kiểu Thiên Long hay Hồng Hà. Những quyển vở viết bút bi từ thời học cấp 2 của tôi chữ chỉ bị mờ đi đôi chút. Tuy nhiên cảm giác viết bằng marker và bút bi không sướng lắm, nên khi truy tìm công cụ viết vĩnh cửu, tôi tập trung nhiều hơn vào mực bút máy.
Đến đây câu chuyện bắt đầu phức tạp vì dù bút máy không còn là công cụ viết phổ biến, trên thế giới vẫn còn đến hàng trăm hãng mực và mỗi hãng lại có nhiều dòng mực khác nhau. Muốn chữ viết tồn tại được lâu, ta phải chọn mực dựa theo màu. Trong 3 màu mực phổ thông nhất (Black, Blue và Purple), Black luôn là màu bền nhất dưới tác động của ánh sáng (lighfast). Kém nhất là Purple. Mực tím của hãng nào cũng chỉ đẹp lúc mới viết ra, về sau sẽ đổi màu và bay hơi thành một dải màu mắm tôm nhạt. Nhìn chung các màu càng “sáng” càng fade nhanh, ví dụ như Orange, Light brown, Red.
Ngoài ra bạn còn phải để ý đến nhãn phân loại. Những loại mực bền sẽ có chữ “Bullet Proof” hoặc “Archival” trên thân chai. Hãng mực Bullet Proof nổi tiếng nhất là Noodler, một công ty mực nhỏ ở Mỹ. Họ bị ám ảnh với sự vĩnh cửu.
Noodler sản xuất ra những loại mực bền đến mức kỳ quái. Dòng Bullet Proof của hãng này chịu được nước, thuốc tẩy, tia UV, ánh sáng mạnh, độ ẩm cao kéo dài…Trong một bài phỏng vấn, Nathan Tardiff (ông chủ của Noodler) nói rằng ông thường test độ bền của mực bằng cách đi dạo trong khu rừng gần xưởng và viết lên các thân cây. Hàng tháng sau ông sẽ quay lại kiểm tra và ông luôn thấy vết mực vẫn còn ở đó. Nathan Tardiff tự tin gọi nó là mực “eternal”.
Ngoài ra họ có dòng Warden chống giả mạo chữ ký và séc thanh toán: nó chống được cả tia laser. Thêm nữa, mỗi lọ mực được pha chế riêng bằng tay với tỉ lệ hóa học khác nhau, nên nếu có kẻ giả mạo mua đúng lọ mực của bạn về để giả chữ ký thì sau giám định hóa học, người ta vẫn phát hiện ra bản giả mạo được viết từ lọ mực khác. Mực loại này có những cái tên kỳ lạ như Bad Black Moccasin, Bad Belted Kingfisher…
Noodler còn có Invisible Ink (chữ chỉ nhìn thấy được dưới tia UV và đồng thời cũng chống cả nước) và Polar Freeze-Resistant (mực có thể chịu lạnh đến -30 độ C mà không đóng băng, dành để viết trong thời tiết lạnh khắc nghiệt).
Đọc đến đây chắc bạn thắc mắc là sao phải mất công thế. Sao không gõ trên máy tính hoặc viết trên một app nào đó. Bản điện tử chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi phải không?
Không phải. Điện tử là phương án lưu trữ tồi dưới góc độ lưu trữ cá nhân. Thứ nhất là phương tiện lưu thay đổi liên tục. Ngày xưa chúng ta lưu trên floppy disk, sau đó lại đổi qua CD-ROM, rồi USB cổng micro, rồi lại USB cổng A, rồi đến cổng C. Nếu không kịp sao lưu các ghi chép của bạn sang một công nghệ mới, tài liệu của bạn sẽ bị mất vĩnh viễn, do công cụ đọc không còn. Thử tưởng tượng cảnh bạn lưu bản sao giấy tờ quan trọng trong floppy disk và bây giờ muốn mở lại, bạn kiếm đâu ra một máy tính đọc được đĩa mềm vào năm 2023? Chưa kể là những thiết bị thời kỳ đầu công nghệ như floppy disk hay CD đều không bền bỉ; chúng sẽ hỏng hoặc rỗ/ mốc sau vài năm. Ngay cả USB hay ổ đĩa cứng cũng không bền bằng một tờ giấy được bảo quản tốt. Ổ cứng sẽ hỏng sau một số lần ghi nhất định. Ổ HDD do quay nhiều nên hỏng nhanh hơn nhưng ổ SSD lại có nhược điểm là nếu không được tiếp xúc với điện trong một thời gian dài, thông tin lưu trữ trong ổ sẽ phân rã. Còn lưu trữ đám mây thực chất chỉ là copy tài liệu của bạn vào ổ cứng của người khác và họ bật máy tính cả ngày cho bạn truy cập mà thôi. Tiêu hủy một cuốn sổ thực ra khó hơn nhiều so với việc hủy một cái USB hay xóa vĩnh viễn một file Word.
Ngoài ra, những người ghi chép trên các nền tảng mạng hay app trong khoảng 20 năm vừa qua là những người đánh mất nhiều ký ức nhất. Các nền tảng blog và mạng xã hội liên tục sinh ra và chết đi, cùng với đó là những dòng tâm sự của bao nhiêu con người. Những người viết Yahoo 360 giữ lại được gì sau khi nền tảng này đóng cửa? Tương tự với Myspace và Facebook Note: tất cả đã hóa ra hư vô. Các app ghi chép trên smartphone thì còn thảm hơn nữa. Hầu hết chỉ tồn tại 1-2 năm và sẽ chết theo hệ điều hành hoặc dòng điện thoại. Những người ghi chép trên Blackberry hay Nokia giữ lại được gì? Những người ghi chép trên các app ghi chú đời đầu của Android hay iOS giữ lại được gì? Chúng đều biến mất khi app bị ngừng phát triển hoặc bị đá ra khỏi store.
Vậy công cụ ghi chép vĩnh cửu khả thi nhất vẫn là giấy và bút. Nhưng bạn phải chọn mực cho khéo và giữ tờ giấy ấy cẩn thận để không kẻ nào đem đốt nó đi như trong Fahrenheit 451 của Ray Bradbury.