Ở các đô thị lớn, người ta làm đủ nghề để kiếm sống. Bên cạnh những nghề “chính thống”, tức là nghề được nhà nước công nhận, được đóng thuế và nói ra người ta hiểu ngay như bác sĩ hay giáo viên, còn có nhiều nghề không tên khác vẫn âm thầm nảy nở và âm thầm nuôi sống bao nhiêu số phận.
Ở HN chẳng hạn, có một nghề kỳ quái là nghề vớt bát hương ở sông Hồng, do nhà văn Tô Hoài phát hiện ra. Rằm tháng bảy hay cuối năm, người HN thường mang bát hương ra sông Hồng vứt, ý rằng muốn các cụ được mát mẻ. Thế mà có người đi mò vớt chúng lên, rửa sạch rồi bán thành đồ cổ được ngay. Nghề này hơi giống với nghề vớt tiền xu ở Benares, thành phố thiêng liêng nhất Ấn Độ. Tàu hỏa từ Calcutta đi Benares phải chạy qua một cái cầu sắt vắt vẻo qua sông Hằng. Vì người đi Benares đều đi lễ hoặc đi đám ma, họ thường vứt tiền xu xuống sông, coi đó như của dâng thần thánh. Thần thánh không biết có nhận được không, nhưng trẻ con sẽ đi từng thuyền gỗ 4-5 đứa kéo lưới có gắn nam châm để “hút” tiền lên chia nhau.
Ở Ấn (và cả Bangladesh) có một nghề rất kinh là nghề lặn cống. Cống tắc họ không dùng máy mà dùng người lặn xuống móc rác ra. Những người này không được trang bị bất cứ dụng cụ gì, chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn. Ở Ấn, phần đông không uống rượu bia vì lý do tôn giáo, nhưng riêng những người lặn cống được đặc cách uống một chai bia trước khi lặn, để cho đỡ sợ. Mỗi lần lặn như thế họ chỉ được một khoản thù lao cỡ 100k tiền Việt. Ở VN cũng có nghề này, nhưng theo tôi biết, họ không phải ngụp lặn hẳn vào trong nước cống như bên Ấn.
Quay về VN thì lại có nghề nữa không tưởng tưởng được nếu không nhìn tận mắt, là nghề “thổi số đề”. Đầu tiên người “thổi” ra quán nước ghi một con đề nho nhỏ cỡ 10-20k. Họ mang tờ “tích-kê” đề về nhà, chờ đến giờ kết quả chiều thì mang tích kê ra sửa lại thành số trúng! Họ sửa lại rất khéo, thường là dùng đầu lưỡi lam dóc đi lớp giấy mỏng bên trên rồi sửa lại số, hoặc với những loại giấy lì hơn thì dùng tẩy. Sửa xong cứ mang ra lĩnh thưởng, vì người cầm bảng đề thường chỉ để ý đến những tích-kê ăn to mà chủ quan không kiểm tra những người ăn 10k, nên “thổi” rất dễ trót lọt. Nghề này tất nhiên chỉ làm được với những hàng nước ở tỉnh lẻ, nơi người ta thiếu cảnh giác.
Lại có nghề nữa là ma cô đi xe đạp. Ma cô dẫn gái cho quán hát chắc chúng ta thấy nhiều, còn ma cô đi xe đạp chỉ hiện hình với khách tây ở những con phố du lịch thôi, và người bản xứ ít khi biết có họ tồn tại. Tôi gặp mấy anh này lần đầu ở hồ gươm hồi 2012. Họ ăn mặc rất lịch sự, như lễ tân khách sạn, đi xe đạp và cầm theo một dụng cụ kỳ lạ. Nó là một cái que, ở trên lắp mấy vòng tròn sắt, giống như phần đuôi quả cầu chinh, khi vung vẩy nó kêu leng keng thu hút sự chú ý. Và nếu bạn chú ý thì bạn đã mắc bẫy. Ngay khi thấy bạn nhìn, anh này sẽ phi xe lại và hô “Hey, want girl, sex sex?”. Ở SG, các anh này bấm chuông xe đạp hoặc mang theo một quả chuông riêng, cứ gặp đối tượng là lắc. Ở Nha Trang là thô sơ nhất. Ma cô đi xe máy và ăn mặc tuềnh toàng như xe ôm, gặp đối tượng là đi sát vào để mời chào. Có lần tôi giả vờ điếc, anh ma cô tưởng tôi không hiểu tiếng Anh nên vòng ngón cái và ngón trỏ vào với nhau rồi lấy ngón tay bên kia chọc chọc vào, vừa chọc vừa nói “Phặp phặp, gâu”. Đáng chú ý là những người này chỉ “hiện hình” với những người họ cho là khách nước ngoài mà thôi. Sau khi bắt được khách, tôi không biết họ sẽ làm gì, nhưng chắc chỉ có lừa tiền chứ lấy đâu ra gái.
Còn bạn, bạn có biết nghề kỳ lạ nào mà xã hội không biết chăng?