CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Hồi bé, mỗi lần về quê tôi đều ngạc nhiên vì có những người lớn gọi tôi là anh hay những ông già tóc bạc gọi tôi là em, thay vì cháu. Dù được giải thích nhưng lúc ấy tôi bé quá, chưa quan tâm. Về sau lớn rồi, tối thấy cách xưng hô của người VN khá phức tạp. 

Trong gia đình dù sao cũng còn quan hệ huyết thống để phân chia thứ bậc và dựa vào đó để gọi nhau. Nhưng ra đến ngoài xã hội thì thôi, bát nháo cả.

Ví dụ đơn giản nhất là gọi nhân viên ở quán cafe. Hồi sinh viên tôi đều gọi họ là anh chị – dễ quá, vì tôi còn bé và mặt non choẹt. Lên đến 27 tuổi tôi vẫn giữ cách xưng hô này, để tỏ là tôi tôn trọng; nhưng tôi chỉ gọi anh chị mà không xưng em nữa. Thêm vài năm sau, mặt tôi đã nát quá, rõ ra một người già nhưng tôi vẫn gọi nhân viên nữ bằng chị, thế là tôi bị trách. Bạn tôi bảo tuổi anh và (chủ yếu là) cái mặt anh mà cứ gọi chị thì không phải lịch sự nữa đâu mà thành chê em nó trông già. Từ đấy tôi đành gọi nhân viên quán xá là em. (Có cách gọi là bạn, nhưng tôi không thích chữ ấy, vì có vẻ bắt chước lối “cào bằng” kiểu tây).

Bước khỏi gia đình, chúng ta phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để xưng hô phù hợp, ví dụ tuổi tác, địa vị, giới tính, độ thân quen…

Nguyên tắc chung là xưng hô sao cho khiêm nhường, thường là hạ mình xuống. Cái này do ảnh hưởng từ Nho Giáo, coi trọng đức khiêm cung (thời xưa hay xưng mình là bỉ nhân – kẻ hèn). Điều này rất quan trọng, nhất là khi bạn ít tuổi và chưa có địa vị xã hội. Điều hai là người Việt sống tình cảm nên hay né những cách gọi vô cảm, ngang bằng như “tôi – ông bà” mà luôn có xu hướng phân thứ bậc. 

Chọn cách xưng hô, đầu tiên người ta xét tuổi tác. Người Việt vốn trọng lão. “Họ trọng hàng, làng trọng xỉ”; tức là trong họ thì tôn trọng thế thứ, ở làng thì tôn trọng tuổi tác. Ngay cả nguyên thủ quốc gia cũng kính trọng các cụ cao niên: vua chúa thời xưa ban Yến Lão, còn Chủ Tịch Nước ngày nay gửi giấy mừng thọ kèm một vuông lụa làm quà cho các cụ 100 tuổi. 

Tuổi tác đoán thế nào? Có thể đoán qua màu tóc, trang phục, nét mặt. Ví dụ bạn 20t thì có thể gọi những ông tóc muối tiêu là chú; nhưng khổ nỗi bây giờ thanh niên toàn nhuộm bạc còn các chú lại nhuộm đen, cho nên môn đoán tuổi qua tóc coi như vứt. Quần áo cũng mất thiêng, vì sinh viên em nào cũng cao rồi diện đồ công sở cộng thêm makeup rất chững chạc, khó đoán tuổi. Chỉ còn cách nhìn nét mặt, nhưng nếu chưa thạo đời thì khó đoán đúng lắm, thế nên hội trẻ trẻ gặp nhau hay hỏi tuổi trước cho dễ xưng hô. Nhưng về sau nhiều người lại bắt chước tây, cho rằng hỏi tuổi là bất lịch sự, cho nên lắm lúc chẳng biết gọi nhau thế nào. 

Một yếu tố nặng ngang tuổi tác là địa vị xã hội. Ở một số hoàn cảnh, địa vị xã hội được phân rõ qua chức danh, nên ta có thể dùng nó để gọi. Ví dụ Thưa Giám Đốc, Kính mời Giáo Sư…Gọi kiểu này vừa không phải xác định tuổi, lại còn chính xác. Tôi được biết ở tập đoàn V, nội quy xưng hô là gọi bác V bằng Chủ Tịch, xưng em. Nhưng cách ấy chỉ hợp với những công ty to. Các công ty bé một vài chục người thường xưng hô thân mật hơn, và lúc ấy ta lại quay về tuổi tác để phân định cách gọi. 

Một tình huống khó xử nữa là xin việc, nhất là lúc gửi CV. Bạn không biết người đọc là ai, bao nhiêu tuổi, nam hay nữ. Vậy theo phép lịch sự và phù hợp truyền thống Á Đông là khiêm nhường thì cách an toàn nhất là xưng em và kính gửi anh chị (hoặc Bộ phận nhân sự – tức dùng chức danh). Ứng viên lớn tuổi rồi cũng có thể xưng tôi, nhưng vẫn gọi anh chị. Nhiều bạn sinh viên gửi CV xưng mình, tôi thấy kỳ cục. Các bạn giải thích vì không biết tuổi nên xưng mình, rồi thì HR bây giờ toàn 2k trở lên mà ạ…Nhưng cái logic ấy không phù hợp với phép xã giao, vì “mình” chỉ dành cho bằng vai phải lứa. Thứ nhất là chính vì không biết tuổi nên ta mới phải lịch sự bằng cách hạ bản thân xuống. Thứ hai là cứ cho rằng HR bằng tuổi đi nữa thì họ vào công ty trước bạn và là senior của bạn, tức là địa vị xã hội cao hơn, gọi anh chị là để tỏ ý tôn trọng. Thứ ba là thu tuyển dụng luôn có sếp đọc, nên xưng em là lịch sự và hợp phép xã giao nhất. 

Nói chung cách xưng hô của người Việt hơi rắc rối do có quá nhiều lựa chọn. Chọn đúng để người đối diện vui và được tôn trọng cho thấy bạn là một người lịch thiệp và hiểu biết. Chứ bạ đâu cũng “tôi” với “mình” thì không phải cách. Muốn được người khác tôn trọng, trước hết bạn phải tôn trọng người khác đã. 

 

 

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link