Trong sách vở và phim ảnh từ xưa đến nay, nhà giáo ở VN thường là những người sống thanh đạm, đạo đức và…hơi nghèo. Tuy nhiên hình ảnh đó ngày nay không còn đúng nữa.
Nghề giáo ở VN không khổ mấy. Về địa vị xã hội, giáo viên nói chung được tôn trọng cả trong và ngoài trường học; và nghề giáo được cho là một nghề “tốt” (dù chả biết dạy môn gì). Lí do là bởi sau khi hạ bệ Nho học, phe cách mạng vẫn giữ lại một số giá trị của ý thức hệ cũ, ví dụ như “Trung – Hiếu” (Trung với Đảng, hiếu với dân). “Tôn sư trọng đạo” cũng được chọn vào hệ giá trị mới; và lý tưởng tôn thờ ba đấng “Vua, Cha, và Thầy” của Nho giáo vẫn được giữ lại qua câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Và cứ thế, ý tưởng “tôn sư trọng đạo” được lặp lại nhiều đến mức chúng ta không nghi ngờ gì nó nữa, mặc cho bối cảnh đã khác nhiều rồi.
Về khoản kiếm ăn, giáo viên VN khá hơn giáo viên nhiều nước khác. Xã hội đặt nặng thi cử nên nhu cầu học thêm luôn cao, và ai cũng biết dạy thêm kiếm tiền rất ác. Ở các thành phố lớn, thầy luyện thi dạy một tối bằng lương vài tháng của nhân viên bàn giấy là chuyện bình thường. Trong những lò luyện thi thời 2000, mỗi ca các thầy nổi tiếng dạy từ 500-800 học sinh, mỗi người đóng 20k và thầy được hưởng đến 80% số tiền đó. Bạn cứ nhân ra xem năm 2000 như thế là nhiều hay ít. Mà không phải chỉ ngày nay dạy học mới kiếm bộn. Những ông thầy giỏi thời nào cũng kiếm tiền khét lẹt. Phan Bội Châu trong hồi ký “Tự Phán” kể rằng dạy học kiếm tiền rất khá, nên ông đã dạy một thời gian ngắn để tích tiền làm cách mạng. Mà đó là chuyện cách đây hơn trăm năm! Ngay cả ở những nơi có vẻ khổ sở như vùng cao, theo tôi biết các thầy cô lên đấy cũng được lương rất ổn (tính theo mức sống của vùng). Tất nhiên không phải thầy cô nào cũng có thể dạy thêm, vì có môn xã hội không chuộng hoặc tự họ dạy kém quá chẳng ai muốn học. Nhưng thế thì cũng là cạnh tranh công bằng như trong các nghề khác thôi, không có gì để nói.
Ngoài địa vị xã hội và cơ hội kiếm tiền, giáo viên còn được quà cáp với nhiều ngày lễ lạt. Thầy chỉ có 20/11, chứ các cô còn được phụ huynh chăm sóc thêm ngày 8/3 và 20/10. Thời kỳ khó khăn như những năm 90-2000s, quà chỉ là tấm vải may áo hoặc chai dầu gội, còn bây giờ là phong bì tiền triệu hoặc mỹ phẩm, hoa quả nhập ngoại. Cũng không tệ. Thử hỏi có nghề nào khác ở VN được ưu đãi như thế không?
Tất nhiên không phải lúc nào ta cũng thấy thầy cô được trọng vọng hay giàu có. Đâu đó tôi vẫn nghe lời phàn nàn từ bạn tôi dạy ĐH và mầm non, rằng phụ huynh và học sinh ngày nay không còn tôn sư trọng đạo như xưa; rằng giáo viên ngày nay bị coi như những người làm dịch vụ chứ không phải thầy cô nữa. Họ phàn nàn thế khi sinh viên vào lớp không thèm chào họ, hoặc phụ huynh đến tận nơi nạt nộ vì họ dám mắng con nhà người ta.
Nhưng bị coi như người làm dịch vụ cũng đúng thôi, chẳng oan gì cho phần lớn các thầy cô cả. Ngày nay đa số “thầy cô” thực sự chỉ là “thợ dạy nghề”, trong khi ý tưởng tôn sư trọng đạo xuất phát từ nền giáo dục Nho học, mà dưới chế độ học ấy, cần rất nhiều đạo đức và tri thức mới được đi dạy. Ngày nay giáo viên có dám nhận mình là gương đạo đức cho học sinh không?
Cách đây 100 năm, nhà báo Phan Khôi cũng viết về vấn đề này. Ông cho rằng tình thầy trò của thời Hán học không giữ được đến thời hiện đại là do mối quan hệ thầy trò không tương đắc như xưa nữa, vì thế xã hội không nên chê trách học trò lạnh nhạt với thầy, mà các thầy cũng không nên mong mỏi được học trò đáp lại như các tiền bối thời trước, vì ngày nay ta có cho học sinh những điều mà Nho gia khi trước cho môn đệ của họ đâu?
Về sự tương đắc:
“Xưa kia, các môn đệ đức Khổng, lúc thầy mình mất, đều để tâm tang ba năm; có kẻ bình nhựt được ngài thương yêu hơn, lại cất lều nơi mộ mà ở trong ba năm ấy nữa.
Học trò đối với thầy, vừa phục, vừa kính, vừa yêu đến như thế là vì sao? Theo Lễ, bậc cao nhứt lấy đức làm quý, rồi thứ đến, chuộng sự thi và báo. Thi là sự ban ra, báo là sự trả lại; sự trả lại bao giờ cũng tuỳ sự ban ra.[…] Học trò sở dĩ coi thầy như cha là bởi thầy đã coi học trò như con vậy.
Ông thầy đời xưa dạy học trò chẳng những bằng sách mà bằng người; nghĩa là ông thầy lấy chính mình làm khuôn phép cho học trò noi theo. Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác.
[…]Sự tương tri tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bầu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái, không biết kêu tên nó là cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn có bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi.”
Về bản chất công việc:
“Sau đức Khổng, trong cõi học bị văn chương khoa cử choán mất rồi thì đạo thầy trò cũng kém xưa. Lúc bấy giờ chỉ là mấy anh thợ làm văn truyền nghề cho những thợ bạn của mình, chớ không còn phải là thầy trò. Không có cái hoài bão cao, đạo đức lớn nêu ra, thì lấy đâu có được sự tương tri tương đắc? Anh thợ làm văn ấy chết thì còn thiếu chi anh thợ làm văn khác; có điều đã theo Nho giáo thì cũng làm ra bộ tâm tang cho có, chớ thiệt tình, trong lòng họ chẳng có cái gì là cái vết thương.
Về tư cách người thầy của hai thời đại:
[…]Cái đạo thầy trò xứ ta hồi xưa mà ta cho là hậu đó, đem mà so với đạo thầy trò chơn thật như cửa Khổng ngày xưa vẫn đã khác nhau xa lắm rồi. Huống chi đến thầy trò ngày nay, đem mà so với hồi còn học chữ Hán, lại thấy khác nhiều nữa. Vậy mà hiện bây giờ, người ta còn muốn học trò trong nước ta phải giữ cái lề thói ngày xưa ấy đối với thầy họ, là nghĩa làm sao?”
[…]Phải chi trong khi đổi theo Tây học nầy mà cách dạy cũng như cũ, cũng một ông thầy râu ria đạo mạo, mang áo rộng đen, ngồi ván ngựa, dựa gối xép mà giảng những toán pháp, địa dư, cách trí cho hàng mấy trăm học trò, thế rồi đến khi họ lập thân được rồi, họ quên thầy đi, không còn kể tình sư đệ nữa, thì mới đáng trách chớ. Như vậy, phong hóa mới là suy đồi chớ. Nhưng cách dạy đời nay, thầy dạy học đời nay, có phải vậy đâu.
Ngày xưa, người ta từ nhỏ đến lớn có thể học chuyên với một ông thầy mà thôi. Đời nay, một người, kể từ ấu học đến đại học, có thể trải qua đến một trăm ông thầy. Nội một chỗ đó cũng đủ làm cho cái cảm tình bạc đi, không tài nào hậu được.
Vả lại, cái tư cách ông thầy đời nay cũng khác đời xưa. Ai có mới mở mũi ra đã cho đi làm thầy người ta? Trong đám đó có nhiều kẻ không nhìn mình là sư phạm nữa, họ không chịu cái trách nhiệm dạy bằng người mà chỉ chịu cái trách nhiệm dạy bằng sách. Như vậy thì lấy cái gì mà cảm phục đến cái lòng học trò của họ được?
Thầy trò đời nay, phần nhiều là tuổi tác xấp xỉ nhau, sự từng trải bằng nhau, nết na một chín một mười với nhau, cho đến sự tri thức cũng không hơn không kém nhau là mấy, vậy mà nghiễm nhiên một đằng ngồi bàn trên, một đằng ngồi ghế dưới, chẳng qua phân biệt ở cái trình độ biết tiếng Pháp được ít hay nhiều! Ôi! chỉ có cái hư danh vậy thôi, chớ có gì đâu mà cũng buộc vào nghĩa sư sanh, sánh với hàng quân phụ cho thêm rầy?
Thầy trò đời nay chỉ có cái danh mà mất hẳn cái thiệt[…] Thiệt ra thì trong sự học đời nay không còn có thầy trò nữa. Đừng nói sự tương đắc về đạo lý học vấn là sự không thể có được; cho đến chuyện kể sự thi báo tầm thường như hồi còn khoa cử cũng không kiếm đâu ra! Đã vậy thì những sự không tốt xảy ra giữa hai người mà người ta kêu là thầy trò đó, kỳ thiệt không phải thầy trò đâu, mà chỉ là hai người thường thôi vậy.[…].