ĐÁY XÃ HỘI – RAT RACE: LÀM THẾ NÀO ĐỂ THOÁT RA?

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Hôm nay, ngày cuối cùng của năm 2024, tôi sẽ dạy bạn – những kẻ nghèo và sống dưới đáy xã hội – cách kiếm thật nhiều tiền, để bạn và gia đình bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn suốt đời. 

Đây là một bài rất đặc biệt và rất dài. Nó được viết thể theo nguyện vọng của môn đệ tại Chiếp Class và độc giả Bách Hóa Viển Vông. Tuy dài nhưng tinh thần nó được cô đọng trong 8 TÍN LÝ (doctrines) mà thôi. Hãy kiên nhẫn đọc. 

Chắc bạn đang nghĩ “Lại một thằng dạy làm giàu bố láo. Ông là ai mà dạy người khác kiếm tiền?” 

Với những người từng trực tiếp học tôi, tôi chắc không cần giải thích nhiều. Còn với những bạn đọc xa lạ, tôi chỉ muốn trình bày ngắn gọn rằng tôi không sở hữu siêu xe hay biệt thự như các thầy dạy làm giàu, nhưng tôi đã đi từ chỗ sinh ra ở đáy xã hội đến chỗ tạo lập một cuộc sống tài chính khá dễ chịu cho bản thân ở HN, một thành phố đắt đỏ và khó sống. 

Đáy xã hội của tôi là gì? Gia đình tôi tuy ở HN nhưng rất nghèo. Mẹ là công nhân xưởng may, bố là xe ôm, ông bà cũng chỉ là người lao động chân tay, không có của cải đất cát gì để lại. Bố tôi mới chỉ học hết lớp 2 còn mẹ tôi học đâu đó hết lớp 10. Lúc bé, thay vì được đi học mẫu giáo thì tôi lang thang ngoài hàng nước chỗ bố tôi đứng chờ khách. Bố mẹ tôi vất vả đến mức khoảng năm tôi học cấp 2 thì họ hàng đề nghị bố mẹ tôi chia hai đứa con ra cho các bác nuôi vì bố mẹ không có tiền nuôi nổi. Dịp Trung thu hầu như chúng tôi không được ăn bánh đúng ngày mà phải chờ hết lễ vài hôm để người ta bán bánh giá rẻ mà mua. Nhưng có một năm Bánh Kẹo Hải Hà đem hủy bánh đi chứ quyết không bán lỗ, thế là tôi phải nhịn ăn bánh Trung thu.

Khi tôi vào đại học, nhà tôi thậm chí vẫn không có tiền lắp mạng internet và càng không có tiền mua nổi một cái máy tính để bàn chứ đừng nói đến laptop. Mỗi lần muốn dùng internet tôi đều phải ra quán net hoặc đạp xe lòi dom lên thư viện của British Council trên đường Cát Linh. Chiếc xe Wave dùng để đi học đi làm hồi này cũng là vay mượn mà có. Người ta đi biển cùng gia đình mỗi mùa hè, còn lần đầu tiên tôi được nhìn thấy biển là tận năm 22 tuổi. Năm ấy tôi tiết kiệm được hơn 2tr và đi tàu ngồi cứng vào Đà Nẵng để xem biển trông thế nào. 

Đó chính là cái đáy xã hội mà tôi phải ngoi lên. Nếu bạn cũng đang tuyệt vọng với cuộc sống nghèo nàn quẩn quanh thì đừng sợ: tôi sẽ gợi ý cho bạn cách thoát. 

Nhưng nếu bạn không ngay lập tức đọc hết bài này mà nhấn nút save để hôm nào đó đọc lại thì tôi xin nói thật, bạn chẳng có tư cách thoát nghèo đâu. Bạn KHÔNG ĐỦ BẾ TẮC ĐỂ VƯƠN LÊN và KHÔNG ĐỦ MÃNH LỰC LÀM GIÀU.

I. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG: AI NÊN ĐỌC BÀI NÀY?

Bài viết dưới đây không dành cho tất cả mọi người. 

Nếu bạn vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, bài viết dưới đây không dành cho bạn. Tôi nói điều đó hoàn toàn với ý tôn trọng. Bạn không hiểu được vì bạn sinh ra đã như con chim biết bay rồi. Mỗi khi bạn nhìn những thằng người tội nghiệp bò trên mặt đất, bạn chỉ thắc mắc tại sao chúng nó không biết đường mọc cánh ra mà bay đi? Những trải nghiệm và suy nghĩ dưới đây đơn giản là không dành cho bạn, đừng đọc làm gì phí thời gian.

Nếu bạn đã giàu rồi, hoặc ít ra là sống thoải mái rồi, dù bằng cách nào chăng nữa: bài viết dưới đây không dành cho bạn. Vì bạn sẽ thấy nó đơn giản và quá hiển nhiên, có gì để nói đâu. Nhưng đơn giản không có nghĩa là ai cũng biết, mà biết cũng chưa chắc đã làm theo. Những kiến thức mà tôi hay bạn thấy hiển nhiên thì với những người chưa làm được, với họ là một bí mật gì kinh khủng lắm. Vì chưa biết nó nên họ mới bế tắc. Hãy để tôi giúp họ. Còn bạn hãy đi tiêu tiền đi và đừng phí thời gian đọc bài viết này. 

Tôi cũng xin loại luôn khỏi độc giả của tôi những kẻ ở đáy xã hội nhưng luôn thích nói chuyện đạo đức, lập luận đúng sai và bắt bẻ nhau lặt vặt từ này câu nọ. Với những người thích cãi vã đúng sai trên giấy, tôi xin tặng bạn câu nói của nhà đầu cơ vĩ đại nhất thế giới George Soros: “Bạn đúng hay sai không quan trọng. Quan trọng là khi đúng thì bạn kiếm được bao nhiêu tiền, và khi sai bạn mất bao nhiêu tiền.”

Vậy bạn, người đã đọc đến tận đây, là ai? Bạn có thể là một đứa đang thất nghiệp ở nhà ăn bám bố mẹ, ăn bám vợ, ăn bám chồng. Bạn có thể là một người làm công ăn lương sáng 7h dậy chiều 5h về. Cứ đầu tháng lĩnh lương ăn chơi nhảy múa, cuối tháng hết tiền mút mì tôm để đợi tháng lương tiếp theo. Bạn có thể vừa bị đuổi việc sau bao nhiêu năm “cống hiến” và giờ chẳng biết xin làm chỗ nào nữa vì đã quá già. Bạn có thể là một người “khởi nghiệp” vừa thổi bay vài trăm triệu (tích cóp hay vay mượn) và đang loay hoay không biết phải làm lại từ đâu. 

Dù là ai đi nữa, chắc hẳn bạn phải rất tuyệt vọng nên mới đọc tới đây. Tôi xin hứa bạn sẽ không phải ra về tay trắng. 

II. SAI LẦM CỦA BỌN NGHÈO

Ở đây tôi xin bỏ qua luôn và không phân tích những thằng nghèo mà thiếu ý chí. Lương ba cọc ba đồng sống vất vưởng qua ngày nhưng không quyết tâm thay đổi nó mà chỉ suốt ngày kêu ca hoặc đổ lỗi. Đổ lỗi cho cha mẹ nghèo, cho đất nước lạc hậu, cho…vân vân, các bạn tự nghĩ ra. Đầu óc những thằng đó đã hỏng rồi, muốn khác đi chỉ có cách là tái sinh.

Vậy còn lại là ai? Còn lại là những người nghèo, sinh ra với ông bà bố mẹ cũng nghèo, sống ở đáy xã hội họ thấy nhục nhã ê chề quá, họ quyết tâm vươn lên nhưng vươn mãi vẫn thấy mình ở đáy. Đi làm lương 10tr thấy mình nghèo, đi làm đến lương 30tr cũng vẫn không thấy tiền đâu. Khởi nghiệp kinh doanh hết cái này cái nọ, cái nào cũng toang cũng thất bại. Đây là lúc bạn cần dừng lại để tránh tàn phá thêm cuộc đời của mình và nghiêm túc đặt câu hỏi “Tại sao?”. Tại sao tôi làm mãi không giàu? Tại sao lương tôi 50tr/ tháng mà tôi vẫn chẳng có tiền mua nhà mua xe? Tại sao thằng kia mở nhà hàng lãi to mà tôi mở xong vài năm lại phá sản? 

Tôi xin trả lời một cách thẳng thắn, nếu bạn phải vật lộn với những câu hỏi trên thì bạn là một thằng ngu. Xin tặng bạn một câu nói cực hay mà tôi được dạy khi mới bước vào đời (mãi sau này tôi mới biết nó là của Howard Mark, một ông trùm đầu tư): “TRONG MỘT SÒNG BẠC BỊP, NẾU BẠN KHÔNG BIẾT THẰNG NGU LÀ AI THÌ THẰNG ĐÓ CHÍNH LÀ BẠN.” 

Đây là TÍN LÝ SỐ 1 của quá trình thoát đáy xã hội.

Hãy làm một phép thử đơn giản: nhìn vào 5 quán cafe hay nhà hàng mà bạn tới gần đây, bạn có nói chắc được quán nào sẽ tồn tại thêm 10 năm nữa và quán nào phá sản trong 1 năm tới không? Nếu không nói được thì bạn đang không chỉ ra được kẻ ngu, và như vậy kẻ ngu là bạn! Nếu đang ngu như vậy mà bạn cũng a dua theo họ mở hàng cafe hay quán ăn thì bạn cầm chắc cái chết.

Vậy làm thế nào để bớt ngu? Đến đây tôi giới thiệu với bạn TÍN LÝ SỐ 2: TRƯỚC KHI LÀM BẤT CỨ VIỆC GÌ, HÃY HỌC HỎI TỪ NGƯỜI KHÁC

Không ai đủ thông minh để nghĩ ra được mọi thứ. Cái người khác đã nghĩ ra và đã dùng hiểu quả thì hãy học theo chứ đừng bướng bỉnh đòi “sáng tạo”, đòi làm khác đi. Lúc nào cũng đòi sáng tạo – ấy là căn bệnh của các ông nghệ sĩ. Ở đời này bao nhiêu ông nghệ sĩ giàu – mời bạn đếm hộ tôi?

Nhưng điều này có lẽ chẳng cần tôi khuyên thì bạn cũng đã làm rồi. Chắc chắn nếu mò mẫm đọc bài này thì bạn cũng từng lên mạng tìm đọc những bài chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm làm giàu, rồi tham gia khóa học này nọ. Thậm chí bạn còn đủ nghị lực để tìm kiếm và kết nối với những người giàu thực sự để nghe từ chính miệng họ giải thích rằng họ đã kiếm tiền ra sao. Tuy nhiên, đen cho bạn là 99% những lời khuyên làm giàu và sách dạy làm giàu trên thế giới đều sai. Ít nhất là sai với bạn. 

Hãy kiên nhẫn nghe tôi giải thích. 

Bạn đã bao giờ nghĩ xem những cuốn sách dạy làm giàu, những khóa học và những bài chia sẻ kinh nghiệm kiếm tiền ấy đến từ đâu chưa? Loại người nào sẽ lên mạng nói bô bô về cách kiếm tiền và thoát khỏi đáy xã hội?

Xin bạn hiểu rằng tỉ phú và triệu phú chả có ai rảnh để đi dạy cách làm giàu. Đơn giản là vì khi họ đạt đến thành tựu lớn lao đó, thời gian trên đời của họ cũng chẳng còn nhiều. Chỉ cỡ ba bốn chục năm để tận hưởng mà thôi. Họ việc gì phải tiêu tốn thời gian dạy cho bọn nghèo và ngu si cách đứng lên ngang hàng với họ? Trong thâm tâm, phần lớn họ còn biết rằng có nói nữa bọn ngốc ấy cũng chẳng làm được. Thứ hai là nó mâu thuẫn với lợi ích của chính họ: nếu họ nói ra bí mật thật sự của mình thì 1) chẳng ai nể họ nữa và 2) ai cũng giàu và làm chủ hết thì ai sẽ là thằng làm thuê cho họ để họ ngồi chơi đây?

Quả thật một số tỷ phú khi về già có rảnh rỗi và dành thời gian để viết sách, nhưng số đó quá ít và tôi chắc bạn cũng chưa nghe đến tên họ hay tên cuốn sách của họ bao giờ đâu. Ở cái xó VN này chúng ta biết đến những thằng bịp nhiều hơn là những tỷ phú chân chính. Nhưng ngay cả khi biết tên cuốn sách của họ, tôi cá là 100 ông VN thì 99 ông đọc chẳng hiểu gì. Nó vượt quá khả năng suy nghĩ và nhận thức của chúng ta, những kẻ nhìn cuộc đời từ đáy nhìn lên. Nhưng dù hiểu hay không, tôi sẽ cho bạn biết tên ba cuốn sách đó. Đây là tên của ba tỷ phú mà nếu đọc và hiểu họ, cuộc đời của bạn sẽ sang một trang mới, khác hẳn với đám thất bại đang bị kẹt trong rat race ở VN:

How to be rich của tỷ phú dầu lửa Jean Paul Getty

How to get rich của tỷ phú ngành xuất bản Felix Dennis

Poor Charlie’s Almanack của tỷ phú chứng khoán Charlie Munger

Loại thứ hai hay nói về làm giàu là những thằng bán khóa học dạy làm giàu. Suốt ngày nào là bạn phải tìm được đam mê, bạn phải được truyền cảm hứng, “bạn phải scale cái business của bạn lên”, bạn phải hiểu sức mạnh của marketing, rồi thì bán “bán một triệu gói mè sẽ giàu”, rồi thì coach cái nọ coach cái kia. 

Nó giàu nhờ bán khóa học, bán sách cho bạn, còn bạn lại tin là làm theo mấy cái nhảm nhí nó dạy thì bạn sẽ giàu. Ai mới là thằng ngu đây? 

Loại thứ ba là các doanh nhân. Một cách rất tự nhiên, họ thích nói về nghề của họ, mà nghề của họ là kiếm tiền. Còn gì “legit” hơn không? Nhưng ngẫm cho kỹ thì doanh nhân cũng có lắm loại. 

Có loại tự tay làm nên cơ nghiệp. Có loại chỉ ăn sẵn, hoặc có làm đấy, nhưng hậu thuẫn sau lưng thì khổng lồ. Ở VN, bạn thường chỉ có cơ hội gặp hoặc nghe từ loại thứ hai thôi, tức là “doanh nhân con nhà giàu”. Họ chả làm cái khỉ gì, thừa hưởng công ty của bố mẹ, ngồi lên ghế giám đốc và tự huyễn rằng mình là doanh nhân. Hoặc họ có mở ra công ty, mở quán ăn quán cafe shop quần áo thành công này nọ, nhưng số tiền kếch xù họ nhận được khi khởi nghiệp, những đặc quyền về giáo dục họ nhận được từ bé đến lớn, những mối quan hệ họ được thừa hưởng từ điều kiện gia đình – đó là thứ họ không bao giờ tiết lộ cho bạn. 

Có khi họ cũng chẳng muốn giấu đâu, chỉ là với họ nó quá nhiễm nhiên có gì mà nói? Họ luôn nghĩ rằng đó là điều kiện trung bình của tất cả mọi người. Họ không biết trên đời tồn tại một loại người khố rách áo ôm như bạn hay bố mẹ bạn: những kẻ đi cày gần hết cuộc đời cũng chả để dư ra nổi mấy chỉ vàng làm vốn liếng! Nếu bố mẹ bạn là những người làm công ăn lương thôi nhưng khỏe mạnh và có bảo hiểm, có lương hưu tức là bạn đã hơn chúng tôi rồi. Bạn có thể thoải mái bay nhảy, thử nghiệm với cuộc sống mà không phải lo gia đình ngày mai có cơm ăn hay không, còn chúng tôi khi thử thì không bao giờ dám sai, vì phía sau là nhiều gánh nặng và trách nhiệm khác.  

Vì sao lời khuyên của nhóm con nhà giàu thành đạt này không đáng nghe? Bởi vì hoàn cảnh của họ quá đặc thù, bạn không thể lặp lại những thứ họ làm được (vì bạn có ở trong hoàn cảnh giống thế đâu?). Bố mẹ bạn chẳng để lại cho bạn được xu nào, cả những mối quan hệ đáng giá cũng không. Người nghèo chỉ toàn chơi với nhau mà. 

Đáng tiếc là vì quá tuyệt vọng trong nỗ lực kiếm tiền, chúng ta nhiều khi cứ tin mù quáng vào câu chuyện của họ, về việc họ đã nỗ lực, đã gian khổ thế nào để mở được quán cafe/ nhà hàng/ shop quần áo/ công ty mà bạn ngưỡng mộ. Bạn phải khắc cốt ghi tâm điều này: MUỐN HỌC PHẢI HỌC TỪ NGƯỜI CÓ HOÀN CẢNH GIỐNG MÌNH. ĐÓ LÀ CÁCH DUY NHẤT GIÚP BẠN LẶP LẠI ĐƯỢC THÀNH CÔNG CỦA HỌ. 

Đừng tin vào lời lẽ sáo rỗng của những doanh nhân rich kid. 

Lý do thứ hai khiến tôi hầu như ít khi tin vào lời chia sẻ của người giàu, đó là vì ĐA SỐ NGƯỜI GIÀU CHẢ HIỂU TẠI SAO HỌ LẠI GIÀU.

Nghe thật nực cười đúng không? Lũ nghèo chúng ta luôn cho rằng người giàu rất giỏi. Họ nào là có nghị lực, nào là học hành chăm chỉ, nào là đầu óc “có sỏi”, vân vân. Trên thực tế, thành công hay thất bại đều do may mắn. Tôi không có thời gian giải thích cho bạn cặn kẽ về ý tưởng này, nhưng bạn có thể tìm đọc thêm trong công trình có tên “Fooled by Randomness” của Nassim Taleb. 

Để lý giải nhanh nhất về vai trò của may mắn, bạn hãy hình dung một trò chơi đơn giản thế này. Giả sử ta có một nhóm gồm 100 doanh nhân. Cứ cuối mỗi năm, họ phải tung đồng xu để quyết định số phận doanh nghiệp của mình. Ai tung phải mặt sấp thì công ty phá sản. Ai tung phải mặt ngửa thì công ty có lãi và được tiếp tục ở lại trong trò chơi. Theo định luật 50/50 của trò tung đồng xu, với mẫu thử đủ lớn, chúng ta giả định rằng sau năm đầu tiên có một nửa, tức 50 doanh nhân “thành công” được ở lại. Năm thứ 2: 25 người trụ lại. Năm thứ 3: 12 người trụ lại. Năm thứ 4: 6 người trụ lại. Năm thứ 5: 3 người trụ lại. Năm thứ 6: 1 người. 

Nào bây giờ bạn thấy chưa. Với một hoạt động hoàn toàn dựa vào may mắn như tung đồng xu, chúng ta có một kẻ may mắn tới 6 năm liền! Khi được phỏng vấn về kỳ tích này, họ sẽ giải thích bằng đủ lý do, rằng họ thành công nhờ tính cách quyết đoán, nhờ đi học ở trường này trường kia, nhờ sự khôn ngoan trong việc ra quyết định, nhờ mỗi ngày làm việc 16 tiếng, nhờ…thiền (!?), vân vân. Không bao giờ họ nói về đồng xu sấp ngửa kia hết. 

Trên thế giới, có ai giỏi kinh doanh hơn Charlie Munger (cộng sự của tỷ phú Warren Buffett) hay giỏi về công nghệ hơn Jack Welch, CEO của General Electric không? Thế mà khi được hỏi lý do vì sao Apple từng thất bại, cả hai đều trả lời là tôi cũng đếch biết!

Ở VN trước kia, có ai giàu như Bầu Đức, tức Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai không? Thời đó ông Đức lên TV, lên báo chí nói ầm ầm về câu chuyện làm giàu của mình, từ một anh nhà quê nghèo hèn thành đại gia sở hữu cả máy bay riêng. Thế mà từ một đại gia bất động sản nghìn tỷ, ông quay sang làm nông nghiệp và thất bại ê chề, đưa công ty đến bờ vực phá sản. Trong một đại hội cổ đông cách đây chừng 4 năm, ông Đức tâm sự rằng làm nông nghiệp là bước ngoặt sai lầm nhất cuộc đời mình. Và ông phải mất khá nhiều năm mới nhận ra chuyện đó. Ông là một điển hình về chuyện người giàu chả hiểu tại sao mình giàu. 

Trong những bối cảnh tâm sự rất thân tình, tôi đã nói chuyện với những người anh, người chú giàu có mà tôi may mắn được ngồi cạnh để hỏi xem tại sao họ giàu cỡ vậy. Chưa có một ai nói rằng họ may mắn. Tất cả đều nghĩ ra đủ thứ lý do nhảm nhí mà họ tin là thật. Có lần tôi đã hỏi một ông chú từ trắng tay sở hữu tới gần 100 căn nhà ở quận Hoàn Kiếm. Chú nói rằng chú giàu nhờ đọc Cha Giàu Cha Nghèo! Mà bạn biết không, ấy là một cuốn sách nhảm nhí nhất về tài chính. Tôi biết rõ chú giàu nhờ cho vay lãi và được hưởng lợi từ những ông vỡ nợ, phải gán nhà gán xe với giá rẻ như vứt đi. 

Nhưng những người này không hề có ác ý muốn lừa bạn. Họ chỉ đang mắc một lỗi tư duy nghiêm trọng, đó là thích đi tìm lý do và các mối liên hệ. Nó giống như hôm nay bạn ngoáy mũi và trời mưa, ngày mai bạn ngoáy mũi trời cũng mưa, thế là bạn lập tức nghĩ ra một kiểu ngoáy mũi rất cầu kỳ để bắt trời phải mưa vậy. 

Điều này dẫn ta đi tới TÍN LÝ SỐ 3 trong quá trình thoát nghèo: ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ NGƯỜI GIÀU NÓI, HÃY NHÌN NHỮNG GÌ NGƯỜI GIÀU LÀM. 

III. BA LỜI NÓI DỐI

Nếu bạn lớn lên chỉ đi học như bao người khác, khả năng cao là thế giới quan của bạn méo mó vô cùng. Nó gồm toàn những lời dối trá của xã hội và của thầy cô. 

LỜI DỐI TRÁ THỨ NHẤT là quan niệm cho rằng “Muốn giàu phải làm việc chăm chỉ”, chăm chỉ ở đây nghĩa là cày ngày cày đêm, làm tối mặt tối mũi cả cuối tuần cả ngày lễ tết. Đây là lý thuyết của bọn ở đáy xã hội, tự phét ra để an ủi nhau. Lý thuyết này được bọn giàu cổ súy, vì tin theo chuyện đó thì bạn sẽ ngoan ngoãn làm culi suốt đời. Nói rằng cứ kiên trì, cứ cố gắng sẽ dẫn đến thành công chả khác nào bạn muốn đóng đinh vào tường nhưng cách bạn chọn đang là cứ lấy búa giã vào tay. Bạn có đập nữa thì tay bạn nát thôi chứ cái đinh không bao giờ chui vào tường. Kiên trì đi theo con đường sai thì cái bạn nhận lại chỉ là đau đớn. 

Vậy con đường đúng là gì?

Khi tiếp xúc với những người giàu đích thực, tức là những người sở hữu cổ phần ở những công ty được định giá nghìn tỷ và sở hữu bất động sản khổng lồ rải rác khắp VN, những người mà tiền họ mua chiếc xe chạy chơi bằng tiền bố mẹ tôi làm mấy kiếp cũng chưa đủ; tôi từng rất ngạc nhiên khi thấy họ chả mấy khi bận. Nếu có bận là họ bận đi sang Tây Ban Nha xem đá bóng, đi lễ chùa ở Tây Tạng hay đi trượt tuyết, đi đánh golf ở tận những đâu đâu mà bọn nghèo chúng ta không tưởng tượng ra được, kể cả trong giấc mơ hoang đường nhất của mình. Ít khi tôi thấy họ ngồi làm việc, theo cái cách mà tôi và bạn vẫn làm hàng ngày. Vậy thực tế này gợi ý điều gì? 

Nó gợi ý rằng CÁCH KIẾM RA NHIỀU TIỀN PHẢI LÀ CÁCH NHÀN HẠ, KHÔNG PHẢI CÁCH KHÓ. Nếu càng khó khăn vất vả, càng đổ mồ hôi càng giàu thì các ông thợ xây đáng ra phải là tỷ phú hết. Nhưng ngược lại, nếu dễ thì ai cũng làm được, ai cũng giàu à; bạn nghĩ vậy phải không? 

Bí mật nằm ở chỗ này đây: NÓ PHẢI DỄ, NHƯNG LÀ DỄ VỚI BẠN THÔI, CÒN LÀ KHÓ VỚI THẰNG KHÁC. 

Đây là TÍN LÝ SỐ 4

Để tôi lấy một ví dụ đơn giản. Ở HN có rất nhiều quán ăn, quán cafe gần như bất tử theo năm tháng. Họ cứ ở đấy mãi 5, 10, 20 năm, trong khi những quán khác rầm rộ một hai năm rồi chết. Đồ uống của họ thì dở, nhân viên của họ thì kênh kiệu, nhưng rồi họ vẫn cứ làm, và rồi họ vẫn có khách, vì tâm lý con người luôn bào chữa rằng “Mở lâu thế mà vẫn trụ được chắc phải ngon”. Những lúc thất bại trong kinh doanh, tôi đã nghiên cứu họ để tìm câu trả lời, và câu trả lời đơn giản tới mức nực cười: cái quán ấy mở trên đất nhà họ! 

Họ chẳng mất tiền thuê nhà, mà tiền thuê nhà ở HN là thứ chiếm một mục rất lớn trong chi phí. Một số khác lại được cho cục vốn rất to để đốt, và cứ thế đốt từ năm này qua năm khác mà chẳng hết. Họ tồn tại được đơn giản là vì họ có thể sống qua cả năm mà chả cần mống khách nào. Và họ đã làm đúng đấy. Họ làm điều dễ với họ, nhưng khó với số đông. 

Không nhận thức nổi điều này, hoặc cố tình không hiểu, hàng trăm hàng ngàn con người đổ xô đi mở hàng cafe, quán ăn, shop quần áo, quán bar, đầu tư tiền tỷ vào công thức, vào nội thất, vào truyền thông, và sau một hai năm thì đều toang. Bạn toang vì bạn bắt chước theo họ nhưng vốn liếng của bạn lại chỉ là những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi sau vài năm đi làm. Một thằng tiền nhà đóng hàng trăm triệu một lần, một thằng tiền nhà không mất, thử hỏi về mặt toán học thằng nào sống lâu hơn đây?

LỜI DỐI TRÁ THỨ HAI là lời khuyên rằng bạn phải tìm ra đam mê đích thực của mình để thành công. Nó sai ở chỗ đam mê thì liên quan quái gì đến chuyện kiếm được tiền? Bạn có thể mê hát nhưng bạn hát như Chaien thì bạn giàu được không? Muốn thoát khỏi đáy xã hội, trước hết bạn phải thoát khỏi những lời ru ngủ như thế. 

Nó dẫn ta đến TÍN LÝ SỐ 5: CÁI BẠN CẦN TÌM KHÔNG PHẢI ĐAM MÊ, MÀ LÀ ĐI TÌM LỢI THẾ CỦA MÌNH. Tức là tìm xem có cái gì mình làm thì rất dễ mà thằng khác không làm được chăng? Đó mới là con đường chiến thắng. 

LỜI DỐI TRÁ THỨ BA là muốn giàu phải học. Ở đây họ nói theo nghĩa học hành sách vở, tức là có học hành tử tế, đọc sách nọ sách kia. Sai bét. Khi quan sát những người giàu, tôi được biết một ông già sở hữu một xưởng sản xuất đinh vít cực giàu. Nhưng ông này mù chữ! Ký tá giấy tờ đều phải gọi vợ ra ký chứ ông không biết gì. Rồi lại có những ông chỉ học hết cấp 3 và vốn kiến thức vỏn vẹn là một cuốn sách chứa toàn kiến thức sai như ông chú có 100 căn nhà phố cổ ở câu chuyện trên. So với những anh thạc sĩ tiến sĩ thì kiến thức của họ bằng không. Nhưng họ vẫn giàu tướng. Vì sao? Vì học thức chả liên quan gì đến kiếm ra tiền hay không cả. 

Nói đến đây tôi nhớ một câu của tỷ phú Felix Dennis mà tôi khắc cốt ghi tâm: “Money is color-blind, race-blind, sex-blind, degree-blind and couldn’t care less who brought you up or in what circumstances. Money is one of the most neutral substances on earth.”

IV. BÍ MẬT LỚN NHẤT

Vậy phải làm để kiếm ra tiền? Nếu đam mê, làm việc chăm chỉ, học vấn đều không kiếm ra tiền thì tiền ở đâu ra?

Hãy lấy giấy bút ra, tôi muốn bạn viết câu này vào sổ và ghi nhớ mãi mãi: 

CHỈ CÓ DUY NHẤT MỘT CÁCH LÀM RA TIỀN BỀN VỮNG TỪ CON SỐ 0, đó là giải quyết được một vấn đề, đáp ứng được một ham muốn mà người khác sẵn sàng chi tiền để nó được giải quyết/ được thỏa mãn. Sau đó, bạn phải có khả năng giải quyết nó trên diện rộng, lặp lại càng nhiều lần càng tốt. Đó là cách duy nhất để đi từ không thành có. Mọi con đường khác đều là dối trá. Nếu bạn làm được việc trên, dù bạn có nghiện hút, có xấu xí, có bẩn tính, bạn vẫn cứ giàu. Bạn chẳng việc gì phải ngồi thiền, phải dậy sớm làm việc, phải lịch sự hòa nhã, bạn vẫn cứ giàu. Nó là vấn đề về bản chất con người và toán học, không ai thay đổi được. 

Đây là TÍN LÝ SỐ 6.

Nhưng đến đây, bộ óc trì trệ của bạn chắc đang nghĩ “Ừ vậy tôi ngồi bán trà đá đầu ngõ cũng là giải quyết được vấn đề khát nước của các ông xe ôm, vậy giàu được không?”. Tôi xin giới thiệu với bạn TÍN LÝ SỐ 7: BẠN KHÔNG BAO GIỜ GIÀU ĐƯỢC NẾU ĐỔI THỜI GIAN LAO ĐỘNG LẤY TIỀN. Tức là như bạn vẫn đang làm: đi làm công ăn lương, freelancer toàn job nhỏ, hoặc mở hàng quán gì đó và ngồi bán luôn thể. Bạn không thể giàu được theo cách đó vì thời gian lao động của bạn chỉ là hữu hạn, chẳng đáng kể so với số tiền bạn đang mong muốn. Nói chặt chẽ thì bạn vẫn có thể giàu được theo cách này, nhưng bạn cần phải ở vị trí thu được rất nhiều tiền từ thời gian của mình, ví dụ như cầu thủ, ca sĩ, diễn viên. Tức là họ có thể phục vụ được rất nhiều người cùng một lúc. 

Còn không thì hai cách duy nhất là:

1) KHIẾN THỜI GIAN LÀM VIỆC CHO BẠN (SỞ HỮU NHỮNG TÀI SẢN CÓ CƠ HỘI TĂNG GIÁ LỚN THEO THỜI GIAN NHƯ CHỨNG KHOÁN, ĐẤT ĐAI); HOẶC 

2) KHIẾN NGƯỜI KHÁC LÀM VIỆC CHO BẠN (NHƯNG LÃI BAO NHIÊU BẠN PHẢI ĐƯỢC CẦM GẦN HẾT).  

Cách nghĩ này dẫn đến hai câu hỏi lớn tiếp theo. 

1) Làm thế nào tìm ra được vấn đề đáng giải quyết?

2) Làm thế nào giải quyết được MỘT VẤN ĐỀ BẤT KỲ?

Với câu hỏi 1, tôi xin chia buồn với bạn là tôi cũng không giúp được gì. Mọi vấn đề dễ nhận thấy và dễ triển khai trên quy mô lớn đều đã được làm rồi. Nhưng khi tìm kiếm vấn đề, đừng quên TÍN LÝ SỐ 5: hãy lần theo lợi thế của mình mà đi. Hãy chọn những vấn đề mà bạn có thể giải quyết dễ dàng nhưng người khác thì không. Nếu thằng khác có thể nhìn và bắt chước bạn sau vài ngày thì bạn thua chắc. Một gợi ý cho bạn là hãy LẶP LẠI CÁC MÔ HÌNH SẴN CÓ Ở QUY MÔ KHÁC/ ĐỊA PHƯƠNG KHÁC. Và còn vô vàn ý tưởng khác tôi không thể trình bày hết ở đây. 

Với câu hỏi số 2, rất may mắn tôi có câu trả lời. Đây là một mô hình tôi học được từ tỷ phú Charlie Munger. 

Mô hình giải quyết vấn đề của Charlie gồm 5 notions như sau:

1. Đơn giản hóa vấn đề bằng cách giải quyết trước những câu hỏi dễ nhất (big no-brainer questions first).

2. Dùng toán học để giải quyết.

3. Nghĩ ngược thay vì nghĩ xuôi. Thay vì nghĩ làm thế nào để bán được chai nước, hãy nghĩ xem LÀM THẾ NÀO THÌ KHÔNG BÁN ĐƯỢC CHAI NƯỚC. 

4. Kiến thức hữu dụng nhất luôn chỉ là những kiến thức đơn giản.

5. Hiệu ứng cực lớn chỉ xảy ra khi nhiều yếu tố lớn cùng kết hợp với nhau. 

Nếu đọc list trên mà không hiểu (mà tôi đoán chắc bạn không hiểu), tôi khuyến khích bạn tìm đọc “Practical Thought about Practical Thought?“, một bài nói chuyện của ông vào năm 1996. Trong đó, ông thách thức khán giả trình bày một mô hình kinh doanh thuyết phục để biến số vốn 2 triệu đô la trở thành 2 NGHÌN TỈ đô la, với điều kiện chỉ được sử dụng những hiểu biết và công nghệ của năm 1884. Sau nhiều năm, bài nói chuyện này trở nên cực kỳ nổi tiếng, nhưng Charlie Munger nhận xét rằng phần lớn mọi người trên thế giới không hiểu được nó, ngay cả các doanh nhân lão luyện, và ngay cả khi họ đọc lại lần hai. Đừng nản chí. Hãy cố đọc đi đọc lại, bài nói chuyện ngắn này sẽ khiến bạn thay đổi hoàn toàn bộ óc trì trệ của mình. Tôi đã hiểu nó ngay từ lần đọc đầu tiên, nhưng tôi không nghĩ rằng mình thông minh mà chỉ nhờ may mắn thôi. May mắn vì tôi giống Charlie Munger ở điểm tò mò nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực và khi cần giải quyết vấn đề gì, tôi có thể dùng tổng lực phương pháp của nhiều lĩnh vực cùng một lúc. Đó là chìa khóa “multidisciplinary” mà Munger nhắc tới trong bất cứ cuộc phỏng vấn nào, bí quyết mà mấy thằng đầu đất dạy làm giàu ở VN, những kẻ bô bô mồm nói rằng “giỏi một việc thôi còn việc khác đi thuê” không bao giờ hiểu nổi. 

V. KẾT LUẬN

Đọc đến đây, bạn sẽ thấy nhiều điều tôi nói đơn giản và hiển nhiên quá. Nhưng bạn hãy nghĩ xem, trong suốt phần đời thảm hại của bạn từ trước đến nay, bạn đã bao giờ đúc kết được chân lý cuộc sống, chân lý kinh doanh vào vài câu đơn giản như thế chưa? Và nếu bạn nhận là rồi, hãy cho tôi xem hành động của bạn: có phải bạn luôn làm ngược lại những chân lý đơn giản này và ôm thất bại hay không? 

Xin đừng coi thường những điều đơn giản. Tỷ phú Charlie Munger nói rằng nếu bạn chỉ học được duy nhất một bí mật làm giàu từ ông, hãy học điều này:

“Take a simple idea, and take it seriously”. 

Đó chính là TÍN LÝ SỐ 8.

Hãy ghi nhớ 8 tín lý ấy và lôi nó ra dùng bất cứ lúc nào có thể. Tôi cam đoan nó sẽ giúp bạn sống khôn ngoan hơn và kiếm tiền đỡ vất vả hơn. Hãy làm lại cuộc đời ngay hôm nay bằng cách trút bỏ những lời dối trá mà xã hội và các thầy dạy làm giàu đã nhét vào óc bạn.

Cuối cùng thì, mỗi gia đình đều sẽ có một người con giúp cả nhà bứt phá khỏi vòng luẩn quẩn của tiền bạc. Tôi chúc rằng người đó là bạn, và chúc bạn chân cứng đá mềm. Nếu sau này bạn trở nên giàu có và hạnh phúc hơn ngày hôm nay nhờ đọc được bài viết này, hãy gửi tới tôi một lời chào, để tôi biết rằng trong cuộc đời bé nhỏ của mình tôi đã giúp đỡ được một vài người xa lạ, và như thế là tôi đã trả lại được ân tình của những người thầy xa lạ từng giúp đỡ tôi. 

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link