Hôm vừa rồi lấy thẻ Visa đặt khách sạn tôi mới ngạc nhiên là chỉ vài ngày nữa thẻ sẽ hết hạn, chính xác là hết tháng 3/2023. Nhớ lại hồi 2018 làm cái thẻ này, tôi thấy 2023 là cái gì xa xôi lắm, không bao giờ đến được. Cảm giác của tôi lúc ấy cũng như của một cậu học sinh cấp 3 nghĩ về ngày mình đi làm rồi lấy vợ: dù biết nó sẽ xảy ra nhưng nó xa quá nên tôi không đề phòng hay trông ngóng. Thế rồi đột nhiên ngày ấy đến, bất ngờ như kẻ trộm, tôi chỉ còn biết giật mình.
Đời tôi có những cái 5 năm trôi qua thật nhanh, như mấy lần 5 năm lúc bé chẳng hạn, vì tôi hầu như không còn ký ức gì về chúng. Rồi lại có những lần 5 năm trôi qua thật chậm, như từ 2018 đến 2023, vì chúng đầy ắp sự kiện vui buồn. Nào chuyển nhà, nào mở lớp, mở quán cà phê, đóng quán cà phê, nào đi đây đi đó, nào yêu đương chia tay. Vừa dạy vừa đi, chỉ trong 5 năm tôi được gặp đến mấy nghìn người và làm bao nhiêu chuyện lạ. Mỗi ngày trôi qua đều khác ngày hôm trước, cho nên khi tua lại tôi phải đi rất chậm như người lái xe qua gờ giảm tốc để khỏi rơi mất việc gì. Nhưng có lẽ 5 năm vừa qua của bạn không giống của tôi. Nếu bạn đã sớm ổn định công việc hoặc vẫn đang đi học thì 5 năm qua chắc trôi qua cũng nhanh, vì nó ít đổi thay từ tháng này qua tháng khác.
Vậy thời gian chỉ mang tính tương đối.
Chuyện này con người cổ xưa đã biết rồi. Truyện Tây Du Ký nói rằng một ngày trên Thiên Đình bằng một năm ở hạ giới. Kinh Thánh nói “Một ngày ví tựa ngàn năm, ngàn năm ví tựa một ngày”. Rồi con người phát minh ra đồng hồ; công cụ mới này thay đổi cảm nhận của ta về thời gian, từ chỗ nhìn thời gian như một chuỗi sự kiện mơ hồ thành ra một con số cụ thể. Rồi đến thời Einstein, ta lại quay về mô hình thời gian tương đối. Trong một thought experiment có tên Twin Paradox, người ta giả định có một cặp song sinh trong đó người anh lên tàu vũ trụ du hành còn người em ở lại trái đất. Khi người anh quay về, người em đã già đi rất nhiều so với người anh, vì thời gian trên trái đất và thời gian trong tàu vũ trụ khác nhau.
Nhưng đấy là thought experiment. Trong thực tế thời gian nhanh chậm ra sao?
Ta thường nghe thấy những câu than thở thời gian trôi nhanh, ví dụ như “Ngày tháng như bóng câu qua cửa”, hay như người Anh bảo “How time flies”, hay như người Tây Ban Nha bảo “El tiempo vuela”. Lại có khi thời gian trôi thật chậm, như khi xếp hàng chờ lên máy bay hoặc đứng trong chỗ tắc đường.
Vậy lẽ thường khi nào chán thì thời gian trôi chậm, mà vui thì trôi nhanh à? Có lẽ đúng, vì Tuyện Kiều có câu “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Nhưng một tuần nhàm chán không làm được gì lại có vẻ rất nhanh. Ta hay nói “Chưa làm gì mà đã hết tuần”, chứ có ai nói “Làm được bao nhiêu việc mà đã hết tuần (!?)” đâu. Đi du lịch một tháng bạn sẽ thấy dài như một năm, vì nó chứa quá nhiều sự kiện mỗi ngày. Thế thì chán = chậm chỉ đúng với những quãng thời gian ngắn, còn với đơn vị dài hơn, chán = trôi nhanh còn sôi động = trôi chậm.
Điều này không chỉ đúng với cá nhân mà còn đúng với cộng đồng. Trong đoạn giới thiệu “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh nhận xét rằng kể từ khi tiếp xúc với phương Tây, xã hội Việt Nam đã thay đổi chóng mặt với biết bao sự kiện, rồi ông kết luận: “Bấy nhiêu sự thay đổi trong khoảng năm sáu mươi năm! Năm sáu mươi năm mà như năm sáu mươi thế kỷ!”.
Vậy cách để sống lâu hơn không phải uống thuốc trường sinh bất tử như các hoàng đế, mà là sống mỗi ngày sao cho đừng lặp lại, để niềm vui nỗi buồn hôm nay không giống hôm qua. Có như thế khi về già mới thấy năm sáu mươi năm sống đã đời như năm sáu mươi thế kỷ được.