MỤC LỤC CỦA SERIES
- Histories (Herodotus)
Không có ai đọc sử phương tây mà bỏ qua Histories của Herodotus, người được xem như cha đẻ của môn sử học. Là một trong những sách kinh điển của văn chương cổ đại, Histories kể lại cuộc chiến giữa các thành quốc Hy Lạp và đế chế Ba Tư hùng mạnh.
Trong truyền thống phương Tây, Herodotus là người đầu tiên ghi chép lịch sử với tư cách một nhân chứng (trái với sự lẫn lộn lịch sử – huyền thoại của thời kỳ trước), nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân của các biến cố và đối chất lời kể của những nhân chứng khác nhau. Ông dùng một chữ Hy Lạp để tả quá trình này: “bistorte” (cuộc điều tra); chữ ấy về sau biến thành “history” trong tiếng Anh, do vậy Herodotus được coi là cha đẻ môn sử học.
“Trong tất cả những nỗi đau khổ của con người, điều này là cay đắng nhất: biết quá nhiều nhưng chẳng tự định đoạt được thứ gì hết.”
Nhưng Histories không chỉ là câu chuyện về một cuộc chiến tranh. Sách còn chứa nhiều trang thú vị về thời kỳ cổ đại: những kỳ quan của Ai Cập, những người mang đầu chó hay những con kiến biết đào vàng.
Ấn bản khuyên dùng: Bản “The Landmark Herodotus – The Histories” của Robert B. Strassler. Lý do: đầy đủ bản đồ (rất quan trọng), dẫn nhập và chú thích hết sức công phu.
“Điều buồn nhất trong cuộc nhân sinh, ấy là dù anh hạnh phúc đến mấy, rồi cũng sẽ có lúc anh ước rằng thà mình chết đi còn hơn.”
- Peloponnesian War (Thucydides) – (Lịch sử Chiến tranh Peloponnese)
Một tác phẩm kinh điển kể về cuộc chiến gần ba thập kỷ giữa người Athens và Sparta.
Trong hơn 2000 năm, đây được xem như cuốn sách bắt buộc phải đọc đối với tướng lĩnh và chính khách phương Tây: người ta xem nó như một kho kiến thức quân sự, đạo đức, chính trị và triết học. Thucydides tự tin gọi cuốn sách của mình là báu vật của mọi thời đại, và ông đã không quá lời khi nói như vậy.
“Phần lớn mọi người không bận tâm tìm kiếm sự thật. Họ sẵn sàng tin ngay câu chuyện đầu tiên họ được kể cho nghe.”
“Kẻ can đảm nhất là kẻ có thể hình dung rõ nhất những gì chờ họ phía trước, vinh quang cũng như hiểm nguy, và dù kết cục thế nào, họ cũng dấn bước đối đầu với nó.”
“Hòa bình chỉ là giai đoạn ngừng bắn trong một cuộc chiến kéo dài vô tận.”
- The Twelve Caesars (Suetonius)
Là thư ký riêng của Hoàng đế Hadrian, Suetonius được tiếp cận với văn khố hoàng gia và dùng các tài liệu này, cùng với câu chuyện của nhiều nhân chứng sống, để viết nên một trong những cuốn tiểu sử hay nhất thế giới.
The Twelve Caesars kể lại sự nghiệp và đời sống riêng tư của những người nắm quyền sinh sát tuyệt đối ở Rome, tính từ khi Đế chế La Mã được thiết lập bởi Julius Ceasar và Augustus, cho đến sự suy thoái và nội chiến dưới thời Nero, sau cùng là công trình phục hưng của các hoàng đế sau này.
Suetonius là bậc thầy trong môn kể chuyện, quan sát và miêu tả. Các hoàng đế Rome như sống lại trước mắt chúng ta, đánh nhau, nhậu nhẹt, ca hát và làm tình.
Đây là cuốn hay nhất và ngắn nhất về giai đoạn Empire của Rome.
“Veni, vidi, vici” (Ta đến, ta thấy, ta chinh phục) – trích thư Ceasar gửi Hội đồng nguyên lão sau khi ông thắng một trận chớp nhoáng ở Zela.
- Kaputt (Curzio Malaparte)
Curzio Malaparte là một người yêu mạo hiểm và có lối sống xa hoa. Được một tờ báo Ý phái đi làm phóng sự về mặt trận phía đông trong Thế chiến II, Malaparte đã bí mật viết cuốn sách này, một bản tường trình đầy hãi hùng gửi từ bên kia chiến tuyến. Cuốn sách ngay lập tức trở thành bestseller sau khi chiến tranh kết thúc.
Kaputt viết về những chuyện kỳ dị: cuộc vây hãm Leningrad, bữa tối sang trọng với các lãnh tụ Nazi, về những con tàu nôn ra xác người ở Romania hay về hàng trăm con ngựa bị đóng băng trong hồ.
Cuốn sách được viết vào mùa hè năm 1941, khi cuộc chiến giữa Đức và Nga mới bắt đầu. Malaparte khi ấy sống tại nhà một nông dân Ukraine và hàng sáng ông ngồi viết dưới một cây keo cạnh chuồng lợn. Mỗi khi ông đi xa, chính chuồng lợn ấy được chọn làm nơi cất giấu bản thảo, tránh con mắt nhòm ngó của mật vụ Đức Quốc Xã.
Kaputt là câu chuyện về một thế giới vừa kinh tởm vừa tuyệt diệu đến mê hồn.