Mình vừa có một chuyến đi ngắn ngày qua 3 thành phố của Trung Quốc là Thành Đô,Trùng Khánh và Tây An. Chuyến đi của mình tự túc 100%, và thể theo yêu cầu của độc giả Bách Hóa Viển Vông, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đang muốn đi TQ mà chưa biết bắt đầu từ đâu nhé.
I) TẠI SAO ĐI TỰ TÚC:
Tìm kiếm thông tin về du lịch Trung Quốc bạn sẽ thấy có rất ít người chia sẻ kinh nghiệm về đất nước này (so với thông tin phong phú về Thái Lan hay Châu Âu); kể cả search tiếng Anh cũng vậy. Lý do vì du lịch Trung Quốc hầu như mọi người đều đi tour (trừ các bạn sang đó du học hoặc biết tiếng Trung tự đi chơi thì không nói nhé), cho nên các bài viết thường chỉ kể về điểm tham quan mà không nói về cách di chuyển, cách đặt tàu xe hoặc cách tìm quán ăn ngon bên Trung.
Nhưng tại sao hầu như mọi người đều đi tour? Đó là vì ở TQ người dân hầu như không nói tiếng Anh, dù một chữ cũng không. One two three người ta cũng không hiểu luôn. Các trang đặt vé cũng chỉ toàn tiếng Trung nên ngay từ bước đặt vé và tìm hiểu chỗ chơi đã rất khó rồi. Google Map không hoạt động được ở TQ, thông tin về các địa điểm hầu như không có và nếu có thì đến 90% là sai. Vì thế đa số chọn đi tour cho tiện lợi.
Mình đã xem qua một số tour nhưng lịch trình không phù hợp, và quan trọng nhất là tour TQ hay có vụ ép đi mua sắm (không đi mua sắm phải nộp thêm tiền). Vì vậy mình quyết định tự đi, dù vốn tiếng Trung học từ 11 năm trước chỉ rớt lại có đếm từ một đến mười và hỏi cái này bao nhiêu tiền.
II) DU LỊCH TỰ TÚC TRUNG QUỐC: DÀNH CHO AI?
Cứ có hộ chiếu và có tiền là đi được TQ thôi. Tuy nhiên du lịch TQ rất khó nếu bạn không biết tiếng Trung. Nếu chỉ biết tiếng Anh nhưng tò mò muốn tự đi thì ít nhất bạn cũng nên là người có kinh nghiệm solo travel vài nước trước khi tự mò mẫm đi TQ. Nên thử đi những nước dễ như Thái Lan để có kinh nghiệm đi tự túc nước ngoài đã.
Phần tiếp theo sẽ chia làm hai mục: những việc cần làm trước chuyến đi và khi đã đến nơi.
III) TRƯỚC CHUYẾN ĐI:
- Chọn cung đường: bạn nên biết trước mình muốn đến vùng nào của TQ và lên kế hoạch đi chơi các điểm gần nhau. TQ rất rộng và đi giữa 2 thành phố cùng một tỉnh có khi đã cả 1000km rồi. Cách tốt nhất là mở bản đồ ra xem và chọn, đừng nghe theo các review trên mạng về điểm này điểm nọ.
- Tìm hiểu thông tin về chỗ chơi: Chọn được 1 – 2 thành phố muốn đến rồi thì bạn cần tìm hiểu tiếp xem nó có gì đáng để chơi không hay chỉ là một điểm trung chuyển đi tới các địa danh lân cận khác. Nên search bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt để có thông tin chính xác nhất. Thông tin tiếng Việt trên fb hoặc tiktok mình thấy nhiều cái không chính xác lắm. Chuẩn nhất là trên các forum du lịch cũ, toàn những người đi thực tế về kể lại.
- Đặt máy bay: Chọn địa điểm và lộ trình xong thì đến bước đặt vé. Mình bay thẳng HN Thành Đô. Vé mua của Sichuan Airline, 9tr vé khứ hồi. Bay tầm hơn 2 tiếng là đến. Hiện tại có Vietjet bay thẳng SGN – Thượng Hải, giá tầm 3-4tr. Ngoài ra hầu hết phải nối chuyến, đi hơi tốn thời gian nên mình không chọn.
- Đặt khách sạn: Bình thường cứ lên Agoda, Booking hoặc Airbnb là xong phải không. TQ không dễ như vậy. Chỗ lưu trú ở TQ chia làm 2 loại: loại chỉ cho người TQ ở, và loại cho phép cả người nước ngoài. Vì vậy khi đặt khách sạn bạn cần lưu ý xem khách sạn mình đặt có cho người nước ngoài ở hay không để tránh mất tiền oan. Tìm khách sạn TQ trên Agoda thì bạn sẽ thấy rất ít lựa chọn và đắt nữa. Mình khuyên các bạn sử dụng trip.com. Đây là phiên bản tiếng Anh của Ctrip, một app phổ biến dùng đặt tàu xe khách sạn của họ. Lưu ý rằng khi tìm kiếmđánh giá về trip.com bằng tiếng Anh, bạn sẽ thấy hầu hết là thông tin xấu, nói rằng công ty làm ăn mập mờ nên tránh xa…Tuy nhiên theo mình thấy thì hầu như những gì phương Tây nói về TQ đều mang nặng thành kiến và không đúng lắm. Sau khi tham khảo bạn bè mình đã quyết định dùng trip.com để đặt khách sạn và mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ.
- Lưu ý 1: nên đặt khách sạn ở gần subway để đi lại cho tiện. Trên app có ghi rõ khách sạn ở gần subway nào hay điểm vui chơi nào.
- Lưu ý 2: ảnh phòng mà các chủ khách sạn TQ đăng lên thường không phải ảnh thật mà là ảnh bản vẽ 3D, vì thế trên ảnh trông lung linh mà bên ngoài thì không giống lắm. Về giá cả, khách sạn ở được và tương đối gần trung tâm sẽ từ 1tr đổ lên.
- Lưu ý 3: Sau khi đặt khách sạn đặt trên trip.com, vào phần My booking bạn sẽ thấy ở mỗi khách sạn đều có nút “Taxi Printout”, bấm vào bạn sẽ thấy hiện ra tên + địa chỉ khách sạn BẰNG TIẾNG TRUNG. Điều này rất quan trọng, vì tài xế nhìn tên khách sạn/ tên đường bằng tiếng Anh/ tiếng Trung phiên âm theo kiểu Anh (Vd Jinxing road) sẽ không hiểu và từ chối chở bạn. Khách sạn đầu tiên của mình ở Thành Đô được đặt qua Agoda, vì vậy toàn bộ tên khách sạn lẫn tên đường đều bằng chữ cái Latin. Kết quả là không một tài xế nào hiểu và các tài xế phải mở hình ảnh tòa nhà nhìn tới nhìn lui mới đoán ra địa chỉ khách sạn. Các bạn nên screenshot lại cái “Taxi Printout” này để đề phòng lúc mạng trục trặc không vào xem được.
5. Đặt tàu: để di chuyển giữa các thành phố, bạn nên đi tàu cao tốc. Sạch sẽ, êm ái và rất nhanh. Từ Thành Đô đi Trùng Khánh 300km mà đi chỉ mất 1 tiếng. Tàu có nhiều hạng vé, bạn đặt 2nd class là ok rồi. Mình có thử đặt 1st class một chặng, vé đắt gấp 2.5 lần mà chẳng khác gì mấy; không đáng. Vé tàu cũng đặt qua trip.com luôn. Đặt vé trên này bạn không cần in hay đổi sang vé giấy nữa, nó là e-ticket. Khi đến ga tàu, bạn sẽ thấy có nhiều cửa vào. Phải chọn cửa có nhân viên đứng để họ hỗ trợ scan hộ chiếu vào máy check vé (các cửa khác chỉ scan được thẻ công dân TQ).
6. Mua sim: TQ cấm cửa google, fb, insta, threads và nhiều thứ tương tự khác. Muốn truy cập các trang này, bạn phải mua sẵn một sim Hongkong từ VN. Lưu ý: nên mua sim vừa có data vừa nghe gọi được. Sim nghe gọi được thì bạn mới có thể đăng ký Wechat và Didi (lát sẽ nói). Mình chỉ mua sim data nên sang đấy không đăng ký được 2 app trên, đi chơi hơi vất vả.
7. Cài app: trước khi sang TQ, bạn cần cài sẵn và đăng ký một số app từ ở nhà, bao gồm:
– Alipay – quan trọng nhất; để thanh toán, bên này hầu như không dùng tiền mặt. Đăng ký bằng email là được, sau đó verify bằng hộ chiếu. Lưu ý: phải verify xong mới dùng được.
– Baidu map: để tra đường đi bộ, tìm kiếm tuyến đường subway di chuyển trong thành phố, tìm chỗ ăn uống. Rất tiếc là app này chỉ có tiếng Trung. Nếu không biết tiếng Trung, bạn có thể screenshot và cho vào google dịch. Dùng vài lần là quen giao diện thôi. Tuy nhiên bất cứ thứ gì bạn search đều phải viết bằng tiếng Trung, chứ tìm bằng ký tự abc không ra kết quả. Tên tiếng Trung của các địa điểm thì chịu khó mò chứ không có cách nào khác; copy rồi paste vào thôi. Nếu vẫn cố chấp muốn dùng google map thì xin chia buồn với bạn: TẤT CẢ thông tin về địa điểm, khoảng cách, đường đi tại TQ của google ĐỀU SAI.
– Google lens: để dịch hình ảnh menu đồ ăn, biển chỉ dẫn…Tuy nhiên tên đồ ăn nó dịch khá khó hiểu và cách tốt nhất để chọn món là…xem bàn bên cạnh ăn gì thì chỉ vào mồm mình là xong thôi.
– Google dịch: để nói chuyện với người TQ lúc gọi xe, hỏi đường, gọi món ăn…Nên download sẵn bộ ngôn ngữ VIệt – Trung về máy.
– Các app dịch khác: để đề phòng sim Hongkong của bạn vẫn không vào được google hoặc giữa đường hết data phải dùng wifi TQ.
– Didi: app gọi xe taxi của TQ, tương tự Grab. Muốn đăng ký được phải có số điện thoại TQ. Mình không mua sim nghe gọi nên không đăng ký được app này, vì thế di chuyển bất tiện, đi đâu cũng phải vẫy taxi dù. Ở những điểm tham quan đông người, đôi khi vẫy cả tiếng cũng vẫn không có xe.
– Wechat: không phải để chat mà để gọi món ăn. Rất nhiều cửa hàng chỉ có nhân viên pha chế/ nấu ăn mà không có nhân viên order. Khách quét QR ở cổng, QR dẫn đến Wechat để hiện menu và gọi món. Vậy là không có Wechat thì khỏi gọi món luôn. (Thực ra bạn vẫn có thể gọi nhân viên và nhờ họ order trực tiếp, nhưng nếu cửa hàng đang đông quá thì cũng phiền cho họ, nhất là bạn lại còn nói chuyện qua app dịch nữa).
8. Đổi tiền: đi nước khác chúng ta đổi tiền giấy, riêng TQ thì không cần. Ở đâu cũng có thể thanh toán qua Alipay, mình đi 3 thành phố mà chưa thấy ai xòe tiền giấy ra tiêu cả. Cách đổi tiền: sau khi đăng ký và verify Alipay, bạn hãy tìm các dịch vụ nạp tiền trực tiếp vào app (ở VN có nhiều người nhận làm – nhưng liên quan đến nhiều tiền nên tốt nhất bạn hẹn gặp để giao dịch trực tiếp). Cách thức rất đơn giản: bạn chuyển tiền Việt cho họ, họ quy đổi ra tệ và bắn số tệ đó qua app Alipay của bạn. Thế là app của bạn đã có tiền và sẵn sàng chi tiêu ở TQ rồi. Tuy nhiên không nên nạp quá nhiều tiền một lúc, vì tài khoản chưa chi tiêu bao giờ rất dễ bị nghi ngờ và bị khóa. Mình chỉ nạp có 15tr lần đầu thôi.
Hoàn thành xong các bước trên là bạn đã sẵn sàng xách vali sang Trung Quốc rồi! Nhưng sang đến nơi thì làm gì tiếp?
IV) Ở TRUNG QUỐC:
- Nhập cảnh: ở sân bay mình bị giữ lại hỏi khá nhiều. Tuy nhiên nhân viên an ninh lại không biết nói tiếng Anh và cứ nói tiếng Trung với mình mãi. Cuối cùng mình nghĩ ra phải mở vé ra cho họ xem booking khách sạn, vé tàu, vé bay về; nhìn thấy những cái đó là họ cho mình đi luôn. Trên quầy của họ cũng có một máy dịch, bạn có thể dùng nếu muốn. Kinh nghiệm của mình ở hải quan nước nào cũng là nói ít thôi, tránh hiểu nhầm.
- Từ sân bay về khách sạn: hôm bay đến sân bay Thiên Phủ (Thành Đô), mình không có kế hoạch gì về việc di chuyển về khách sạn, chỉ nghĩ đơn giản là gọi taxi thôi. Sau khi biết nó cách khách sạn 70km và đi taxi mất cỡ 1tr, mình đã ra mua vé subway (rất may hôm đó gặp một bạn người Việt trên máy bay và bạn đã giúp mình đặt vé tàu. Máy bán vé ở subway là chỗ hiếm hoi có tiếng Anh nhé). Đi cách này vừa rẻ vừa nhanh. Đây là lý do ngay từ đầu bạn nên đặt những khách sạn gần subway. Để biết phải đi subway nào và xuống khỏi subway đi bộ đường nào về khách sạn, bạn chỉ việc mở Baidu lên tra là được. Nếu muốn đi taxi, hãy đưa cho lái xe tên và địa chỉ khách sạn bằng tiếng Trung nhé.
- Ở khách sạn: khách sạn xịn sẽ có ổ cắm chân tròn như VN, nhưng khách sạn bình dân chỉ có ổ cắm chân dẹt. Vì thế bạn cần mang sẵn một ổ nối với đầu dây nguồn là chân dẹt để phòng sẵn. Mình không mang nên sang đấy phải đi tìm mua, hơi mất thời gian. Lúc trước thấy một bạn làm Youtube và học bên Trung bảo khách sạn bên này không có máy sấy tóc, nhưng tất cả khách sạn mình ở lại thấy có máy sấy. Chắc tùy vùng.
- Đi lại trong thành phố: đi bộ tất nhiên là vui nhất, để ngắm phố và ngắm người. Di chuyển đến chỗ chơi thì bạn có thể gọi taxi qua Didi, không nên cố vẫy taxi dù vì rất tốn thời gian. Taxi bên này đi không đắt lắm và đồng hồ chạy chuẩn km, mình thấy không cần mặc cả sẵn giá tiền.
- Tìm chỗ ăn: đồ ăn TQ có lẽ không hợp khẩu vị với đa phần người VN. Nó rất cay (đặc biệt ở Tứ Xuyên), nhiều dầu mỡ và mặn. Không có rau; nếu có thì chỉ là rau cải hoặc nấm. Nếu đi bộ dọc đường tìm hàng ăn ở quanh các điểm vui chơi thì bạn chỉ thấy người ta bán mì, bánh bao và xiên que là chính. Mì ở đây chỉ có tí tị thịt và toàn mỡ, ăn chán. Để ăn ngon, bạn hãy tìm tên món ăn bằng tiếng Trung và vứt vào Baidu map, cứ hàng nào gần chỗ đang đứng mà rating cao là ăn thôi. Mình đã ăn được rất nhiều món ngon nhờ cách này. Dễ ăn nhất với người Việt thì bạn cứ tìm lẩu và buffet. Ăn cơm gọi món mà không biết chọn thì cũng rất chán. Buffet ở TQ được free tất cả đồ uống đóng lon (khác với HN tính tiền đồ uống rất chát). Họ cũng thường tính giờ ăn, giới hạn trong khoảng 100-120p/ bữa. Bạn phải thanh toán trước khi vào ăn, và trong phần tiền này có một khoản “đặt cọc” chừng 50 tệ. Nếu ăn quá giờ thì bạn mất chỗ tiền này, còn ra trước thì được trả lại. Có bữa buffet mình ăn ở một nhà hàng khá lớn, vì ngon quá nên mình đã ngồi quá giờ, cũng chỉ hết 600k. Thật lòng mà nói thì nó ngon và rất đẹp mắt, xứng đáng hơn 600k bỏ ra ăn buffet ở HN.
- Trà sữa: Chagee nổi tiếng nhất nhưng uống chán. Chabaidao và Heytea ngon hơn nhiều.
- Vệ sinh công cộng: trái với nỗi lo sợ của nhiều người, WC ở đây nói chung rất sạch sẽ. Có điều là ngồi xổm chứ không phải bệt, và tất nhiên không có vòi xịt đ*t đặc sản của người VN chúng ta.
- Giấy ăn: chỗ nào cũng có, không phải mang làm gì cho mất công.
- Hỏi đường: cả Tây lẫn VN đều có nhiều định kiến không hay về người TQ. Mình thì tiếp xúc nhiều với người TQ từ hồi hay đi du lịch solo rồi nên thấy họ bình thường, sang đây càng thấy họ dễ mến. Hỏi đường qua cái app tậm tịt toàn dịch sai mà mọi người vẫn kiên nhẫn nghe và gõ lại vào điện thoại của họ. Có rất nhiều lần người ta còn dẫn mình ra tận nơi cần đến hoặc đi theo ra đúng ga tàu vì sợ mình đi nhầm. Nói chung không có gì khó khăn. Dùng thạo Baidu rồi thì bạn cũng không cần hỏi đường nhiều lắm đâu.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm đi tự túc Trung Quốc của mình. Nếu vẫn còn thắc mắc gì bạn cứ để lại comment nhé, mình sẽ cố gắng giải đáp.