Nên đọc một cuốn sách bao nhiêu lần?

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Với phần lớn việc trên đời, “làm lại” thường đồng nghĩa với làm sai. Ví dụ rửa bát chưa sạch thì phải rửa lại. Cảm giác tội lỗi này di truyền sang cả những việc khác. Ví dụ như việc đọc. 

Chúng ta thích khoe rằng mình đã đọc 100 cuốn sách hơn là khoe rằng mình đã đọc cuốn sách nào đó 100 lần. Bởi vì đọc lại một thứ tới 100 lần hàm ý rằng bạn không thông minh; vì đọc không hiểu hoặc không nhớ hết nên cứ phải đọc đi đọc lại. 

Tuy nhiên người ta có thể đọc lại vì nhiều lý do khác. Để hưởng thụ chẳng hạn. Có những sách hay đến mức ta chỉ muốn quên nó thật nhanh để được đọc lại như lần đầu. Ở điểm này sách hay giống với scotch thượng hạng: uống say rồi thì chỉ muốn tối mai lại đến thật nhanh để uống tiếp! Năm ngoái Paul Graham, founder của Y Combinator, đăng một dòng tweet mà tôi rất đồng cảm: “Delighted to discover I’ve forgotten Don Quixote well enough to reread it.”. Tôi chưa đọc Don Quixote nhưng đã đọc Tam Quốc nhiều đến mức chỉ nghe câu đầu tiên đã nhớ ra chuyện cả chương và một năm trôi qua rồi vẫn chưa đọc lại được. Tôi ước có viên gạch nào rơi vào đầu cho tôi mất trí nhớ, nhưng chỉ mất đoạn trí nhớ Tam Quốc thôi, để tôi lại được đọc nó khoái chí như lần đầu tiên.

Đọc lại cùng một cuốn sách vào những thời điểm khác nhau của cuộc đời còn giúp ta thấy mình đã thay đổi thế nào so với lần đọc trước. Lúc 20 tuổi tôi thấy Anais Nin thật hấp dẫn, nhưng 34 tuổi đọc lại tôi chỉ thấy một nhà văn nữ cuồng dâm và nhạt nhẽo. Có gì đó trong tinh thần tôi đã thay đổi mà tôi chỉ nhận ra khi đọc lại Anais Nin. 

Độ tuổi cũng cần thiết để ta tiêu thụ những cuốn sách nhất định, vì thế đọc lại những cuốn sách đã đọc sai cách hồi bé là việc nên làm. Tôi đọc Anh Em Nhà Karamazov năm 18 tuổi và chẳng hiểu gì, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa muốn đọc lại. Nhưng tôi lại có may mắn là 27 tuổi mới sờ vào Chiến Tranh Và Hòa Bình, khi kinh nghiệm sống đã chín muồi để hiểu hết những ẩn ý sâu xa của Tolstoy. Nếu đọc nó sớm hơn, có lẽ tôi đã ghét nó như ghét Anh Em Nhà Karamazov. Tôi biết nhiều tác phẩm kinh điển bị ghét chỉ vì người ta trót đọc nó khi còn quá bé. 

Ngay cả khi lần đọc một hiểu đúng, lần đọc hai cũng luôn cho ta những bất ngờ riêng, vì cùng một cuốn sách sẽ “hiện hình” ra theo những cách khác nhau tại mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Vẫn là Paul Graham: “Reading and experience are usually “compiled” at the time they happen, using the state of your brain at that time. The same book would get compiled differently at different points in your life. Which means it is very much worth reading important books multiple times.”

Nhưng người ta có thể đọc một cuốn sách bao nhiêu lần trước khi phát ngấy và không thể nào đọc lại nữa? Tôi được biết Umberto Eco đọc Sylvie của Gérard de Nerval năm 20 tuổi và vẫn đọc lại nó nhiều lần cho tới tận lúc về già. Ông giảng về cuốn sách này nhiều lần ở đại học Bologna, viết ba luận án tiến sĩ về nó, rồi lại dạy một khóa riêng về Sylvie ở đại học Columbia. Trong một bài giảng của mình, ông nói:    

“By now I know every comma and every secret mechanism of that novella. This experience of rereading a text over the course of forty years has shown me how silly those people are who say that dissecting a text and engaging in meticulous close reading is the death of its magic. Every time I pick up Sylvie, even though I know it in such an anatomical way – perhaps because I know it so well – I fall in love with it again, as if I were reading it for the first time.” 

Vậy chúng ta không cần sợ đọc lại cùng một cuốn sách sẽ phát ngấy. Ta chỉ nên sợ rằng cả đời mình không kiếm được một cuốn sách xứng đáng đọc đi đọc lại như Sylvie của Umberto Eco mà thôi.  

 

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link