Rất dễ nhận ra người mới bỏ thuốc. Làm thế nào à? Bạn nhìn mồm họ nhé. Cái mồm nhóp nhép nhai kẹo cao su không ngừng. Hoặc nhìn tay họ: người mới bỏ hay bị run tay, nhất là khi căng thẳng. Hoặc chả cần nhìn. Những tiếng ho vặt và khạc nhổ sẽ cho bạn biết bạn đang đứng gần một người mới cai thuốc.
Từ khi bỏ hẳn không hút nữa, tôi thấy dễ chịu vì chẳng phụ thuộc vào cái gì và mồm miệng thơm tho. Nhưng cũng có điều bất tiện. Nghe hơi lạ, vì đáng ra hút thuốc mới bất tiện; nó hôi và bây giờ ngày càng ít chỗ công cộng cho phép hút thuốc. Nhưng thuốc lá lại có nhiều chức năng xã hội mà kẹo cao su hay chén nước chè không thay thế được.
Hút thuốc là cái cớ để thoát khỏi những cuộc gặp nhàm chán, dù chỉ một lúc. Hôm trước đi ăn cưới, tôi ngồi một mâm toàn người lạ. Chẳng ai biết nói với nhau câu gì mà giờ động bát đũa chưa tới, thế là ai cũng giả vờ lướt lướt điện thoại hoặc nhìn vu vơ (chả có gì mà nhìn). Một ông bạn bèn rút bao thuốc chạy ra hành lang hút một mình, và cứ đứng hút như thế cho đến giờ ăn mới thôi. Khôn ngoan làm sao! Tự nhiên ra hành lang đứng một mình thì vô lý, nhưng bảo ra hút thuốc thì lại hợp lý cực kỳ và chả ai làm phiền mình nữa. Nghĩ mà xem, bạn không thể bảo “Tôi ra ngoài nhai kẹo cao su một lúc”. Vì hút thuốc mà bạn được phép đứng một mình một góc.
Thuốc lá còn là một cái cớ để xã giao. Đi xin lửa giúp mọi người bắt chuyện với nhau một cách tự nhiên, thay vì nói những câu bâng quơ mà chưa chắc người kia đã biết cách đáp lại. “Em có bật lửa không?” dễ xử lý hơn nhiều. Nó tiện cho các anh nhát gái mà cũng tiện cho các cô gái; đỡ bị gọi là dễ dãi nói chuyện với trai lạ. Chức năng xã hội này càng quan trọng trong xã hội bây giờ, khi mọi người ngày càng khép kín và đề cao sự riêng tư. Ngày nay, muốn bắt đầu câu chuyện, bạn cần một lý do hợp lý để khỏi bị cho là kẻ kỳ cục. Nhưng bây giờ ai cũng chơi thuốc điện tử thì xin cái gì, biết nói gì với nhau nữa đây? Ngoài ra, trong những nhóm xã hội nhất định, mời thuốc là biểu hiện của lòng hiếu khách và từ chối không phải lúc nào cũng ổn. Nó giống như người ta chìa tay ra bắt nhưng bạn lại đứng im.
Ngoài ra, bỏ thuốc rồi đôi khi tôi thấy những đêm ngồi suy tưởng của mình bị bớt phần sâu sắc. Như Nguyễn Tuân đã viết: “[…]tôi thấy đêm không ngủ có một vẻ đẹp thần bí nếu tôi lại được ngửa mặt lên trần nhà mà hút thuốc lá. Người xưa, thắp đuốc đi chơi đêm để làm cho dài thêm cuộc đời ngắn ngủi. Tôi, sống những đêm trắng, hút thuốc lá để cho đời tâm tưởng được nhiều và rộng.[…]Tôi thức đêm để hút thuốc lá. Tôi hút thuốc lá để thức đêm.”
Đây có lẽ là lý do xuyên suốt thế kỷ 20 ta thấy đa phần các nhà tư tưởng và nghệ sĩ đều có ít nhất một cái ảnh ngồi hút thuốc. Vậy nếu bảo thuốc lá có độc thì phải thay thế nó bằng cái gì? Uyên bác như Nguyễn Tuân mà cũng chả biết có gì hay như khói thuốc nữa. Tôi càng không thể biết. Cho nên cuối cùng tôi muốn kêu lớn như Nguyễn Tuân kêu trong sách: “Tôi muốn kêu lớn: Khói muôn năm!”.