Năm 2018 một anh bạn ở Tứ Xuyên hỏi tôi tại sao người Hà Nội thích ra đường ngồi cà phê đến vậy. Tôi trả lời rằng vì nhà ở đây xấu quá, người ta không chịu nổi chính căn nhà của mình. Tôi không nói quá đâu. Đợt co.vid chúng ta hiểu rõ nhất chuyện này.
Bình thường ta sinh hoạt ở công sở và hàng quán nhiều quá nên không nhận ra nhà mình xấu. Đến khi lockdown phải ở nhà cả tháng thì không ai chịu nổi nhà mình nữa.
Nhà ở Hà Nội thường chỉ có một dạng là nhà ống bê tông cốt thép. Vào mùa hè, chất liệu này giữ nhiệt sang tới ngày hôm sau, khiến người dân toát mồ hôi chẳng khác nào bát cơm nguội bị quay 24/7 trong lò vi sóng. Nhà ở đây luôn xây sát cạnh nhau không chừa ra một kẽ hở. Hầu như không nhà nào có sân, trừ những căn nhà từ năm 90 chưa xây lại. Trong ngõ ai cũng đua ra thêm vài mét, che kín không gian phía trên. Nhà Hà Nội vì thế luôn thiếu ánh sáng mặt trời. Ta bù lại bằng cách xây giếng trời, nhưng đây là đặc quyền của những nhà rộng rãi thôi. Vả khoảng sáng nó đem lại cũng chỉ bằng 1-2 viên gạch, chả để làm gì.
Cửa sổ có công năng đón sáng và tạo độ thông gió cho công trình, nhưng ở Hà Nội cửa sổ thường chỉ mở được sang…nhà hàng xóm, hoặc tệ hơn là không xây được cửa vì bốn bề kín mít. Tôi nghe kể thời bao cấp thiếu điện, dân thủ đô, nhất là đoạn phố cổ, giữa ban ngày vẫn phải thắp đèn dầu ngồi trong nhà cho nó sáng!
Để bù cho những khiếm khuyết về không gian sống, người Hà Nội thích mua nội thất đắt tiền. Các cụ sắm bàn ghế rồng phượng gỗ lim, còn thanh niên mua đồ décor Châu Âu sản xuất ở Trung Quốc về kê cho chật thêm những căn phòng vốn đã quá bé. Sống như vậy chẳng trách nhiều người cáu bẳn và bon chen.
Tất nhiên thứ tôi tả ở trên chỉ là nhà của người bình dân chứ không tính đến những căn nhà sang trọng với bể bơi sân vườn thoáng đãng. Nhưng những căn nhà như thế chưa bao giờ đủ nhiều để đại diện cho bộ mặt thủ đô.