Chuyện ở Rong Chơi (II): Ý nghĩa logo

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

QUÁN CÀ PHÊ RONG CHƠI HIỆN ĐÃ ĐÓNG CỬA. CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI ĐỊA CHỈ 69 CHÂU LONG KHÔNG CÒN LIÊN QUAN ĐẾN CHIẾP CLASS.

Sửa nhà bé thường khó gọi thợ, vì bé thì khó thêm nếm được chỗ nọ chỗ kia, người ta ngại. Còn tự tôi cũng ngại mấy ông thiết kế, vì tôi từng bị mấy ông làm hỏng nhà một lần. Nhưng chả nhẽ tự mua gạch về xây?

Lúc này có anh Lê Minh, từng đi học Chiếp Class, giới thiệu tôi qua chỗ một bạn tên Nam. Anh Minh làm tới mấy brand thời trang lớn ở Hà Nội (ví dụ Tủ Nhà Mây) và dạy cả branding nữa; chắc không thể lệch được. Nam bằng tuổi tôi nên nói chuyện cũng dễ (nói hơi nhiều). Văn phòng nom cũng đẹp đẹp, tin cậy được. Nhưng đến tận lúc ký hợp đồng, trong lòng tôi vẫn hơi nghi hoặc: không biết thằng cha này có được việc thật không, hay lại vẽ rồng vẽ phượng trên giấy rồi xây cho cái nhà méo xệch.

Tuy nhiên xây nhà là chuyện nhỏ, tìm concept mới là chuyện lớn. Ý tưởng tồi thì dát vàng lên cũng không đẹp được. Tôi yêu cầu không làm phong cách ốp gỗ tông màu nâu nâu kem kem; nhiều nơi làm quá rồi. Cân nhắc giữa vài phương án, cuối cùng chúng tôi chọn phong cách retro Hongkong.

Đến đoạn này đáng lẽ phải có một câu chuyện xúc động để viết content, ví dụ như tôi từng sống ở Hongkong hay vì gia đình tôi gốc Hoa nên thế này thế nọ. Nhưng tôi lại là người thật thà. Đợt ấy đang xem lại phim Vương Gia Vệ nên chọn đại style Hongkong, thế thôi. Tôi dặn Nam muốn làm gì thì làm, miễn đừng chơi concept Hongkong đèn neon đèn lồng xanh đỏ.

Bản vẽ đầu tiên rất chán: mặt tiền lát gạch thẻ vàng, trong nhà láng xi măng xám kèm theo một số mẫu bàn ghế hơi nẫu ruột. Không ra vibe Hongkong và nhìn bị tù, tôi bắt làm lại. Lần này để cho chắc ăn tôi đưa thêm yêu cầu cụ thể, ví dụ như khu vực sofa đỏ, gương và cửa sổ lớn. Cửa sổ ở Rong Chơi là chi tiết tôi tâm đắc nhất.

Trái với những quán café thường thấy quanh Đông Nam Á (nằm tít dưới tầng hầm trung tâm thương mại hoặc nấp trong những căn nhà bí tịt không có view), người Hà Nội đã uống cà phê là phải nhìn ra đường. Thói ăn chơi này chúng ta học từ người Pháp: thưởng thức đồ uống trên vỉa hè, hít khí trời và ngắm người qua lại mới thích làm sao; cho nên khách sạn Metrople xây từ năm 1901 đã có một dãy “terrasse” ngoài trời cho khách ngồi uống nước.

Muốn người ngồi trong nhà cũng có cảm giác như đang ngồi ngoài đường, tôi yêu cầu một hệ cửa sổ lớn. Phương án dễ thi công nhất là ốp kính một trăm phần trăm, hoặc làm cửa cánh lùa, hoặc tệ hơn cả, làm một loại cửa đẩy lên trên, trông như cửa sổ nhà lao. Tôi nằng nặc đòi một cửa sổ bốn cánh lớn mở gập về hai bên để khách không phải nhìn đường phố xuyên qua một lớp kính. Nó sẽ tương phản với những cửa sổ Pháp hai cánh cao lêu nghêu thò ra ở mấy nhà cổ chung quanh.

Một chi tiết tâm đắc khác là ba cái gương ở Rong Chơi, được lắp với ý đồ riêng cả chứ không đơn thuần để chụp ảnh tự sướng, nhưng đó là câu chuyện dài, xin được viết riêng một post khác cho cụ thể.

Quay lại bản vẽ. Vẽ đến lần thứ ba thì tôi tạm ưng và dúi tiền vào tay Nam bắt xây ngay lập tức. Ngày bàn giao hiện trạng mặt bằng tôi được gặp thợ cả là một anh tên Lâu nhưng xây nhà rất nhanh. Phải nhấn mạnh là xây vì nhà cũ dỡ ra đã bị mối mọt ăn hết cả, chẳng còn mẹ gì mà sửa, đành phá đi hết.

Vẽ thì lâu mà xây thì lẹ. Đội của Nam làm rất lẹ, lẹ đến mức chưa kịp nghĩ tên quán thì…quán đã xây xong mất rồi(!?).

Tên gì bây giờ?
Tên tây hay mà đơn giản đã bị chọn hết; tây mà ý nghĩa sâu xa thì dài không ai nhớ được. Tên Việt cho gần gũi vậy, nhưng tôi dốt tiếng Việt. Tôi học tiếng Anh từ bé, lớn lên học tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha rồi tiếng Trung; sau đi làm đi chơi cũng hay ở cùng người nước ngoài nên vốn tiếng Việt tự tôi đánh giá là kém. Để chọn ra tên hay, tôi phải tham khảo một loạt sách classic tiếng Việt, cuối cùng dừng lại ở chữ “rong chơi”. Sách Dế Mèn Phiêu Lưu Ký viết:
“Tôi xấu hổ nhận ra trong đời mình chỉ mới khó khăn một tí mà đã sợ. Từ nay tôi hiểu rằng chán đời là tính xấu, kẻ chán đời nghĩ là ta cao thượng, nhưng thật không cao thượng chút nào mà chỉ là trốn việc rong chơi.”

Tôi thích tên này lắm vì tính tôi ham chơi, thích đi đây đi đó, thật hợp.

Nghĩ xong tên rồi lại nghĩ tiếp logo. Quán tên là Rong Chơi, mà trên khắp địa cầu có một bọn đã rong chơi mấy trăm năm không nghỉ, ấy là người Digan. Cộng đồng này cực kỳ bí ẩn. Họ giao tiếp với nhau bằng một thứ tiếng không ai hiểu, đi lang thang qua nhiều lục địa mà không xây dựng quốc gia riêng (dù số lượng đông đảo), ăn nhờ ở đậu khắp nơi và kháng cự lại mọi biên giới về quốc gia cũng như ngôn ngữ.

Năm 2015 tôi có gặp một gia đình Digan ở Ngurah Rai và được nghe một chuyện rất thú vị. Trên đường lang thang khắp thế giới, người Digan luôn để lại dấu vết cho đoàn người đi sau. Họ gọi chúng là các “patrin”. Patrin đơn giản nhất là một đống lá hay sỏi xếp theo cách đặc biệt tại các ngã rẽ để nhóm đi sau biết nhóm trước đã đi hướng nào. Khi vào thành phố, họ tiếp tục đánh dấu trên tường nhà. Dấu hiệu này chỉ dân Digan hiểu, nhằm “phân loại” cư dân ở mỗi nơi: chủ nhà này keo kiệt hay rộng rãi, đến nhà kia có thể xin ăn hay xin tiền, vân vân. Tường vẽ hai vòng tròn nghĩa là nhà ấy “có người tốt”. Thật không còn biểu tượng nào hợp hơn! Vậy logo quán sẽ có hai vòng tròn theo kiểu người Digan, để những kẻ rong chơi chân chính nhận ra dấu hiệu bí mật này mà ghé vào trò chuyện.

Vậy là nhà cửa xong xuôi, biển hiệu tên hay đều đã có. Nhưng bán cái gì thì tôi chưa biết.

(…còn nữa)
Presto - 29 November 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link