8X, 9X VÀ GEN Z

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Mình dạy học cũng được lâu lâu rồi, đã dạy cho nửa cuối thế hệ 8X, toàn bộ lứa 9X, và bây giờ là các em sinh sau 2000. Quả thực mỗi thế hệ có một tính cách riêng, nhưng mình thấy có một lằn ranh phân cách rõ rệt giữa 8X – 9X đời đầu so với các nhóm tuổi về sau, đó là 8X – 9X đời đầu nổi loạn hơn Gen Z nhiều.

Nghe hơi ngược đúng không. Các bạn vẫn nghĩ Gen Z mới phải là thế hệ nổi loạn. Nhưng tôi không nói đến nổi loạn qua việc ăn mặc các mốt thời trang kỳ lạ hay chơi cái này cái kia. Tôi tin rằng nếu những năm 90 – 2000 Việt Nam có điều kiện kinh tế tốt như bây giờ thì 8X – 9X lúc học cấp 3 cũng không khác gì Gen Z hiện tại; những cái đó chỉ do độ tuổi, mới lớn thì ở thời đại nào cũng thế.

Tôi muốn nói đến sự nổi loạn trong quan điểm sống. 8X – 9X đời đầu là thế hệ cuối cùng còn được nhìn thấy tự do. Chúng tôi lớn lên mà không bị theo dõi bởi đủ thứ camera và được chứng kiến một thế giới hỗn độn hơn bây giờ.

Hồi tôi cấp một, dù ở thành phố mà hết giờ học trẻ con vẫn có thể tìm thấy bãi cỏ hoặc cánh đồng ngồi chơi (như tôi là đi bắt kim kim). Chúng tôi không phải đi học thêm, ít nhất là cho đến cuối cấp 2. Trẻ con đi từ phòng ra đường chứ không phải từ phòng này sang phòng khác. Nếu cãi nhau với bố mẹ, chúng tôi đi “dạt vòm”, tức là đi qua đêm, ngủ ngoài công viên hoặc đi lang thang không ngủ. Miễn sao không về nhà là được. Người lớn không có cách gì bắt được vì không có di động cũng chẳng có định vị mà tìm. Chúng tôi hoàn toàn tự do.

Nếu muốn xem một cái gì không lành mạnh (bạn biết tôi đang nói thứ gì), chúng tôi rủ nhau lên “Chợ Giời” (phố Yên Bái bây giờ) mua đĩa. Không có nhà mạng nào cấm được chúng tôi hết, vì chưa có mạng. Nếu chúng tôi có mâu thuẫn, chúng tôi giải quyết bằng đánh lộn có cả dao. Ở Hà Nội vào năm 2021 mà học sinh xô xát như vậy là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng những năm 2000 thì chuyện như vậy không có gì quá đặc biệt. 8X – 9X đời đầu nổi loạn hơn học sinh ngày nay nhiều. Chúng tôi còn được thoải mái nói ra suy nghĩ của mình mà không sợ bị chỉ trích vì chưa có mạng xã hội nào định hướng dư luận hay bóp méo cả đầu óc. Chúng tôi được may mắn lớn lên trong một thế giới chưa nhiều luật lệ và chưa bị công nghệ theo dõi.

Thế hệ 2000 trở đi lớn lên trong một môi trường “vô trùng” thái quá. Vô trùng ở đây nghĩa là một môi trường sống được chuẩn hóa quá mức, mọi thứ đều sạch sẽ, có trật tự và luật lệ rõ ràng. Phụ huynh có kiến thức hơn và luôn cố tạo cho con một môi trường sống lành mạnh quá mức. Mọi người sống trong một thế giới “linear” nơi 1 + 1 chắc chắn sẽ bằng 2, và việc tuân theo luật lệ là điều dĩ nhiên phải làm. Điều đó dĩ nhiên dẫn đến cảm giác tù túng.

Internet cũng làm mọi thứ tiện hơn nhiều, nhưng chính vì tiện quá nên trải nghiệm trong cuộc sống thực ít dần đi, đến mức nhiều người cho rằng trải nghiệm ảo có thể thay cho thế giới thật được. Cách đây mấy tháng tôi có nói rằng thiệt thòi lớn nhất cho lứa 99 là dịch bệnh nên thiếu đi trải nghiệm sau khi ra trường; nhưng nhiều bạn cho rằng trải nghiệm đó có thể thay thế qua con đường online. Tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng 10 năm nữa sau khi đã trải nghiệm cuộc sống nhiều rồi, các bạn cũng sẽ nghĩ giống tôi bây giờ. Không có gì thay được việc sống trong cuộc sống thật. Nghe nhạc trên mạng và đi concert là hai chuyện khác nhau.

Nét khác biệt trên giữa 8X-9X với thế hệ sau làm tôi nhớ đến nhận xét của sử gia Tacitus khi ông nói về sự chuyển giao của La Mã từ thời Cộng Hòa sôi động sang thời Đế Chế quy củ. Chứng kiến một xã hội mới quá trật tự, Tacitus nói rằng “những người cuối cùng nhìn thấy thế giới tự do đều đã chết!”

Gen Z được thừa hưởng nguồn tài nguyên của cải và thông tin vượt trội so với bất kỳ thế hệ nào trước đây. Các bạn bây giờ có thể tự xin học bổng đi du học từ lúc hết cấp 3, trong khi 8X 9X hầu hết nhờ bố mẹ sắp xếp hoặc phải thông qua công ty du học. Gen Z có kiến thức hơn thế hệ trước nhiều. Điểm thiệt thòi duy nhất theo tôi là các bạn phải sống với quá nhiều luật lệ và quá phụ thuộc vào “instant feedback” – tức ý kiến của người khác về hành động của bạn được đưa đến bạn ngay lập tức thông qua mạng xã hội. Hai thứ đó ảnh hưởng rất nặng nề đến sự độc lập trong tư duy. Tôi nghĩ chỉ cần cố bước ra khỏi vùng an toàn nhiều hơn và thử nhiều thứ “không đúng đắn” nhiều hơn để trải nghiệm cuộc sống thật thì 10 năm nữa Gen Z sẽ là một thế hệ tinh hoa bậc nhất của Việt Nam, với thành tựu vượt xa lứa trước.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link