Chúng ta thường nghĩ rằng quần áo là thứ phù phiếm. Bạn mặc gì không quan trọng, miễn là tâm hồn bạn tốt đẹp, hoặc bạn giỏi/ giàu. Ý tưởng này càng phổ biến hơn khi báo chí đưa tin về phong cách thời trang của những tỷ phú như Mark Zuckerberg hay Steve Jobs: họ mặc cùng một kiểu quần áo đơn giản trong nhiều năm liền. Mark mặc áo phông xám, Jobs mặc áo cổ lọ đen và đi giày New Balance.
Giải thích về thói quen này, Mark cho rằng lựa chọn quần áo mỗi ngày gây tốn thời gian và năng lượng; anh có nhiều việc quan trọng hơn. Jobs cũng có lý do tương tự, và thêm rằng việc mặc duy nhất một bộ quần áo giúp ông tạo dựng hình ảnh cá nhân.
Nhưng có thật trang phục chỉ là vỏ bọc bên ngoài và nó không quan trọng?
Đánh Giá Con Người Qua Quần Áo
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi ăn và nhìn thấy một người mặc suit, chân đi giày da bước vào. Nếu tôi bắt bạn phải đoán nghề nghiệp của anh ấy, chắc chắn bạn sẽ đoán người này làm trong một văn phòng, nếu không thì cũng thuộc tầng lớp có ăn học, lao động nhàn nhã. Bạn khó mà đoán khác được, vì chả nhẽ anh ấy trộn vữa ở công trường với đôi giày da đắt tiền kia?
Dù bạn nói gì đi chăng nữa, xã hội sẽ luôn đánh giá bạn qua trang phục. Bạn không thể gây ấn tượng tốt nếu đi xin việc ở ngân hàng mà đi dép tổ ong. Dân start up thì không ưa những người lúc nào cũng mặc suit.
Nhưng tại sao chúng ta đánh giá con người qua quần áo?
Không phải chúng ta là những kẻ phù phiếm, nhưng chúng ta thiếu thời gian. Để tìm hiểu về một con người chúng ta phải nói chuyện với họ, phải dành thời gian đi vào tâm hồn họ. Như thế thì quá lâu, và nhiều khi ta không có điều kiện làm như vậy.
Để tiết kiệm thời gian, bạn sẽ nhìn vào quần áo giày dép để đoán nghề nghiệp và tính cách của người đối diện. Đeo một chiếc đồng hồ Omega và bảo rằng bạn nghèo thì hơi vô lý. Mặc suit Armani chứng tỏ bạn làm trong một ngân hàng nước ngoài và rất chỉn chu. Tôi không có cách lý giải nào khác.
Để xã hội hiểu đúng về con người bạn, bạn phải mặc thứ trang phục tương đồng với tính cách và hoàn cảnh của mình.
Fun fact: Ngân hàng Thụy Sĩ UBS từng phát hành một tài liệu nội bộ dài tới 44 trang nói về quy định ăn mặc đối với nhân viên, từ cách đeo đồng hồ cho tới cách bôi lăn nách và…mặc đồ lót.
Quần Áo Biến Ta Thành Con Người Khác
Áp lực đánh giá của xã hội sẽ bớt đi nếu bạn đã đứng ở một nấc thang nhất định. Những tỷ phú như Jobs tất nhiên không còn quan tâm đến việc người khác nghĩ gì nữa. Giá trị của họ đã được chứng minh và họ có thể mặc bất cứ cái gì tùy thích.
Tuy nhiên có những người dù đã đứng ở đỉnh cao xã hội nhưng vẫn hết sức tỉ mỉ trong việc chọn áo quần. Khổng Tử chẳng hạn. Trong sách Luận Ngữ có một chương kỳ cục gọi là Hương đảng. Chương này chuyên ghi lại thói quen hàng ngày của Khổng Tử, từ thái độ, cử chỉ, nét mặt cho đến dáng đi. Nguyễn Hiến Lê tổng kết lại như sau:
“Như cắt áo thì tay áo bên phải ngắn hơn bên trái để dễ làm việc; không bận áo màu hồng và màu tía, vì không phải là chính sắc […], cách mặc thì lựa màu thích hợp nhau: áo ngoài và áo trong cùng một màu, hoặc cùng đen, cùng trắng, cùng vàng cả; […] áo ngủ dài gấp rưỡi thân người, để phủ kín mình và chân.”
Một người ở địa vị như Khổng Tử không chọn quần áo vì những lý do phù phiếm. Ông hiểu rằng trang phục ảnh hưởng đến cách ta nghĩ về bản thân và về thế giới xung quanh: nó biến ta thành con người khác.
Nếu bạn đã từng mặc Yukata hoặc Kimono của Nhật, bạn sẽ hiểu điều tôi vừa nói. Thường ngày tôi làm gì cũng nhanh: đi nhanh, nói nhanh, ăn nhanh. Nhưng khi mặc Yukata vào thì tôi không đi nhanh nổi: cấu tạo của cái áo khiến tôi chỉ có thể bước từng bước nhỏ. Từ chỗ đi chậm, tôi thấy mình làm những việc khác cũng chậm hơn so với thường ngày. Chậm hơn và duyên dáng hơn. Tôi như biến thành một người Nhật.
Cuộc Âu hóa của châu Á thế kỷ 20 là một ví dụ điển hình chứng minh rằng trang phục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội tâm. Sự Tây hóa đã đến với người bình dân Trung Quốc, không phải qua sách vở mà qua ngoại hình. Các nhà cải cách đầu tiên bắt người Hoa phải mặc giống người tây: cắt bỏ tóc đuôi sam và khoác lên mình âu phục.
Khi ông Tuýp Phờ Nờ trong truyện Số đỏ nói rằng ông đóng góp vào cuộc tây hóa bằng cách may âu phục cho chị em, ông ấy đã không nói đùa. Cuộc thay đổi về tư tưởng không bao giờ bắt đầu bằng tư tưởng: nó bắt đầu bằng hình thức.
Một nghiên cứu có tên “Enclothed cognition” công bố trên Journal of Experimental Social Psychology (Volume 48, Issue 4) đã chứng minh rằng trang phục ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy. Chỉ riêng việc mặc lab coat (áo trắng của phòng thí nghiệm) cũng khiến người mặc tư duy tốt hơn và tập trung hơn.
Áo quần làm ta thay đổi cách nghĩ về chính bản thân mình, mỗi bộ quần áo cho chúng ta một thân phận mới. Nếu không thế thì tại sao nhà vua lại mặc hoàng bào còn chị em thì mặc Victoria Secret? Ngay cả món đồ lót không ai nhìn thấy cũng ảnh hưởng đến tâm hồn chúng ta.
Vì làm freelancer nên tôi không chú ý lắm đến trang phục (có ai ngắm đến mình đâu). Nhưng từ khi nhận ra điều này, tôi thường ăn mặc đẹp và mang việc ra tiệm café ngồi. Mặc đẹp khiến tôi vui vẻ và dễ chịu, nhờ vậy làm việc hiệu quả hơn.
Hãy ăn mặc theo đúng nghề nghiệp của bạn: họa sĩ thì quần jeans dính bết màu dầu, nhà văn thì đeo kính gọng đen, dân thể thao thì từ đầu đến chân vận đồ Adidas.
Nếu bạn còn nghi ngờ, nãy nhớ đến câu nói này của tướng Patton: “Một người lính đi giày chỉ là một người lính. Nhưng khi đi bốt, anh ấy biến thành một chiến binh.”