BỐN CÁCH CHỌN ĐỀ TÀI VIẾT

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Trong 10 năm viết lách của mình, tôi thấy viết không khó; chọn đề tài viết mới khó.

Nghĩ ra chủ đề lâu lắm. Nghĩ ra rồi có khi lại chả viết được, vì mình chẳng hiểu gì về nó. Anh nào đi viết thuê là sướng nhất: đề bài được giao tận tay rồi. Vậy làm thế nào để chọn được đề tài viết phù hợp?

Cách một là hãy viết về những thứ chính bạn từng trải qua hoặc đã biết về nó rất rõ. Trong lời mở đầu của Fooled by Randomness, Nassim Taleb chia sẻ rằng ông có hai nguyên tắc viết.

1. Ông tránh thảo luận bất cứ thứ gì mình chưa nhìn thấy tận mắt, và tránh nói về những ý tưởng không phải do mình tự phát triển ra.

2. Ông cũng tránh thảo luận những thứ ông chưa suy ngẫm đủ lâu để có thể viết về nó mà không cần nỗ lực nhiều. Bất cứ cái gì chỉ hơi có vẻ gắng gượng / cố viết đều bị gạch bỏ. Ông loại khỏi văn bản những đoạn trông có vẻ như được viết ra sau một hồi tra cứu trong thư viện, bao gồm cả những cái tên khoa học viết vào cho có vẻ uy tín.

Đây là nguyên tắc viết mà cả người chuyên nghiệp lẫn amateur đều nên học theo. Nhất là những người viết chuyên nghiệp. Họ thường cố quá.

Ta dễ thấy trên mạng xã hội một anh chị nổi tiếng nào đó góp ý về mọi vấn đề: từ thời trang, chính trị, văn hóa, đến cả đạo đức, ẩm thực. Gi gỉ gì gi cái gì họ cũng biết. Nhưng trên đời làm gì có ai hiểu hết mọi vấn đề cơ chứ. Ai rồi cũng chỉ thông thạo một vài chuyên môn hẹp mà thôi. Cứ nói ra ngoài cái mình biết rõ thì cuối cùng sẽ sai. Lúc ấy cái bạn viết không giúp ích được cho ai, còn bạn thì xấu hổ.
Trong một lần phỏng vấn, người ta hỏi Ayn Rand (tác giả Suối Nguồn) rằng bà nghĩ thế nào về việc kiểm soát súng, bà đã trả lời ngắn gọn rằng “Tôi không biết.” Và đó là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 20, người đã sinh ra cả một hệ tư tưởng và là một triết gia, một nhà văn lớn của nước Mỹ, nói rằng “Tôi không biết”.

Còn chúng ta thì lúc nào cũng muốn thể hiện ý kiến về mọi vấn đề, mặc dù chúng ta còn chưa bao giờ nghĩ về nó. Cần phải bỏ thói quen xấu này đi.

Cách chọn đề tài thứ hai là chỉ viết về những vấn đề có sức hút dài lâu và né những đề tài theo mốt. Trừ khi bạn đang viết báo, còn thì những đề tài như tường thuật một trận đá bóng hay nói về đời tư của ca sĩ diễn viên là những đề tài chỉ được quan tâm thoáng qua. Tháng sau hoặc năm sau sẽ không ai nhớ về sự kiện đó nữa. Nó như bát đũa loại dùng một lần, ăn xong là vứt đi thôi. Trước khi bắt tay vào viết, hãy hỏi bản thân một câu hỏi quan trọng: liệu 1 năm, 5 năm hay 10 năm tới người ta còn quan tâm đến vấn đề này không? Với tôi, bất cứ đề tài nào mất sức hút trước 5 năm đều bị loại bỏ. Phương pháp này rất hiệu quả. Vì chỉ chọn những đề tài như vậy, bài tôi viết từ 8 hay 10 năm trước vẫn đều đặn có lượt đọc mới ghi nhận trên website. Khi tôi tái sử dụng chúng dưới dạng podcast, chúng vẫn được thính giả quan tâm. Hàng năm tôi đều đăng lại nhiều bài cũ và chúng được chia sẻ không kém gì ngày đầu tiên lên sóng. Khi bạn chọn một đề tài bất tử, bạn sẽ luôn có đọc giả, dù thời đại thay đổi thế nào. Seneca, một ông già sống cách đây hơn 2000 năm, vẫn được tìm đọc ngày nay, chỉ vì ông ấy viết về nỗi khổ đau và cơn tức giận.

Cách thứ ba là viết về những đề tài gây tranh cãi. Bạn có biết vì sao một đề tài lại gây tranh cãi không? Có hai lý do. Một là nó gây tranh cãi vì chưa ai đủ hiểu về nó để đưa ra một kết luận dứt khoát (vì thế có cãi nhau). Chưa ai tìm ra thì bạn sẽ tìm ra. Hãy nhảy vào tìm hiểu nó. Hai là nó gây tranh cãi vì bản chất vấn đề không cho phép một kết luận dứt khoát (ví dụ như đạo đức, tâm linh…) Dù là gì, các đề tài gây tranh cãi luôn là mảnh đất màu mỡ cho người làm nghề sáng tạo, vì bạn có trong tay quá nhiều ý tưởng để chọn lựa và phản biện. Viết về chúng thú vị và ý nghĩa hơn nhiều so với việc viết về những đề tài buồn ngủ như bình đẳng nam nữ hay bảo vệ môi trường – những thứ thế giới đã nói cả trăm năm nay rồi.

Cách thứ tư là viết về những ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu. Trong những lúc bất ngờ nhất như khi đang bơi hay dọn nhà, đầu tôi thường nghĩ ra những ý tưởng xuất sắc. Tự chúng chưa chắc đã đủ thành một đề tài độc lập, nhưng về lâu dài, chúng sẽ trở thành một kho tham khảo cực giá trị. Hãy bắt chước Nguyễn Hiến Lê, một học giả uyên bác của miền nam giữa thế kỷ trước: ông luôn đi ngủ với một cuốn sổ và một cây bút chì ở đầu giường. Nếu trong đêm bất chợt nghĩ ra ý tưởng gì, ông tỉnh dậy viết nguệch ngoạc ngay vào cuốn sổ, chờ sáng mai xử lý tiếp. Trong những năm viết hăng say nhất của mình (2016-2019), tôi không bao giờ ra đường mà thiếu một cái bút dạ Sakura, loại viết được lên da người, tắm mấy lần mới trôi. Cứ nghĩ ra cái gì là tôi viết ngay lên cánh tay cho khỏi quên mất.
Hãy ghi nhớ bốn cách chọn đề tài này. Một ngày nào đó nó sẽ giúp bạn như giúp tôi chiều nay. Chiều nay tôi không nghĩ ra gì để viết. Tôi ngồi nghĩ xem mình biết rõ cái gì trên đời, và tôi quyết định sẽ viết về việc viết. Đời còn gì dễ hơn?

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link