Văn hóa đại chúng ở Việt Nam sau 30 năm

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Trong vòng 30 năm qua, văn hóa đại chúng (pop culture) của chúng ta đã dịch chuyển từ chỗ tôn thờ nghệ thuật/ khoa học đến tôn thờ tình dục và tiền.

Tôi xin được giải thích thế này. 

Văn hóa đại chúng là một tập hợp gồm các suy nghĩ, quan điểm hay niềm tin của số đông trong xã hội. Nó được phản ánh thông qua âm nhạc, phim ảnh, sách vở hoặc các phương tiện truyền thông chính thống như truyền hình. Tức là nhìn vào sản phẩm văn hóa của từng thời kỳ, chúng ta sẽ biết được suy nghĩ và khát vọng của xã hội vào thời điểm đó. 

Vậy khoảng 30 năm trước xã hội VN nghĩ về cái gì?

Năm 1992, Hãng Phim Giải Phóng cho ra mắt bộ phim Vĩnh Biệt Mùa Hè, nói về cuộc sống của bốn nữ sinh cấp 3 ở Sài Gòn. Phim rất nổi tiếng vì có Việt Trinh và Lê Công Tuấn Anh thủ vai. Ở đầu phim là cảnh nữ sinh tên Hằng được bố, một quan chức giàu có, chở đến trường bằng xe ô tô. Hằng thấy ngại vì bạn bè đều đi bộ hoặc đạp xe đi học, vì thế ông bố phải giải thích cho con gái rằng con không nên xấu hổ vì mình giàu hơn các bạn. Hai bố con bắt đầu nói chuyện về ý thức hệ Cộng Sản, về vấn đề “cào bằng” trong xã hội là sai lầm. Cuộc đối thoại về tư tưởng Cộng Sản xuất hiện trong bộ phim này rất tự nhiên, vì Liên Xô vừa tan rã vào cuối năm 1991, và các nước thuộc tầm ảnh hưởng của Liên Xô đang phải đặt những câu hỏi lớn về ý thức hệ của mình. Tiếp sau đó, ta thấy một cảnh không thể thấy trong phim ngày nay: cảnh Hằng cùng bạn đến một quán cà phê tham dự buổi đọc thơ tối thứ bảy. Ở đó họ nói về nghệ thuật và nghe đọc thơ tình. 

Vĩnh Biệt Mùa Hè không phải bộ phim duy nhất hé lộ cho ta biết văn thơ và nghệ thuật từng có vị trí mainstream trong đời sống người Việt cách đây 30 năm.

Năm 2000, đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng cho ra mắt phim Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng. Bộ phim mở đầu với cảnh hai người đàn ông trong một đám giỗ ở HN, một người là nhiếp ảnh gia, một người là nhà văn. Họ ngồi nói chuyện với nhau về nghệ thuật và về tiểu thuyết!

Đầu những năm 2000, cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia, một chương trình thi kiến thức của học sinh cấp 3, được xã hội cực kỳ quan tâm và ưu tiên chiếu vào giờ vàng của thời đó, tức là sáng Chủ Nhật hàng tuần. Tôi nhớ là các thí sinh Olympia đời đầu cực kỳ nerdy. Có anh bảo sở thích là tìm cách luồn thật nhiều sợi chỉ qua một lỗ kim nhất có thể, có anh lại thích sưu tập côn trùng. Ấn tượng nhất là một anh thích nghiên cứu thiên văn. Anh này thậm chí tự chế được kính viễn vọng để quan sát mặt trăng, và câu chuyện hấp dẫn đến mức ngay tuần sau báo Hoa Học Trò (khi ấy vẫn còn in mực màu tím) cho ra một bài phỏng vấn anh, kèm theo hướng dẫn làm kính viễn vọng bằng thấu kính và ống nước mua ngoài chợ. Tự tôi đã cầm theo tờ báo này ra chợ Trương Định mua đồ và chế tạo một cái kính viễn vọng thành công. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh mặt trăng lộn ngược qua thấu kính đêm hôm đấy, và niềm đam mê thiên văn đã theo tôi suốt những năm về sau. 

Tôi điểm qua ba ví dụ điển hình để thấy truyền thông đại chúng những năm 90 và đầu 2000 gợi cho con người VN một giấc mơ về nghệ thuật và tri thức. Ngày nay nó gợi ý những thứ khác hẳn.

Ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng ra cảnh một ông bố giảng cho con về ý thức hệ Cộng Sản. Ta cũng không thể tưởng tượng được cảnh hai nữ sinh ra quán nghe đọc thơ. Một cảnh phim tự nhiên hơn có lẽ là hai cô gái ăn mặc lồng lộn đi vào quán cà phê để chụp ảnh đăng lên mạng, hoặc để đánh ghen. Chúng ta cũng không thể hình dung ra một bộ phim nơi có nhân vật tự giới thiệu tôi là nhà văn và ngồi đàm đạo về nghệ thuật với một nhà nhiếp ảnh. Một cảnh phim tự dễ gặp hơn sẽ là hai doanh nhân ngồi bàn bạc một thương vụ lớn, sau đó ngồi lên ô tô đi về căn biệt thự của mình. Còn chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia từng chiếm trọn giờ vàng thì nay chiếu giờ nào chả ai biết nữa, và tôi ngờ rằng cũng chẳng còn mấy ai xem. Ngày nay người ta chuộng những gameshow về thời trang và các người mẫu xinh đẹp hơn. Những yếu tố mang hàm lượng tri thức cao như văn học hay khoa học đang bị văn hóa đại chúng xếp vào mục lỗi thời, sến. Thời thượng trong vòng 10 năm nay là các đề tài về tiền và gái đẹp. Người nổi tiếng ngày nay là các đại gia, người mẫu, ca sĩ; và gần đây là các KOLs. Hiếm khi ta nghe thấy tên một nhà khoa học hay một nhà thơ đương đại.  

Tinh thần của thời đại và các biểu tượng của văn hóa đại chúng quan hệ hai chiều với nhau. Ta có thể nói văn hóa đại chúng phản ánh cuộc sống đương đại. Ta cũng có thể nói văn hóa đại chúng định hướng cuộc sống đương đại. Nếu hiểu theo cách một, ta thấy xã hội hiện đang bị ám ảnh bởi tiền và tình dục. Phim và âm nhạc chỉ đơn thuần phản ánh thực tế ấy. Nếu hiểu theo cách hai, có lẽ ai đó đang định hướng tinh thần của chúng ta chăng? Họ muốn chúng ta chỉ nghĩ về tiền và tình dục, và như thế để chúng ta không có những suy nghĩ gây nguy hiểm đến họ. Chúng ta phải cẩn thận với điều này.

 

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link