MỘT EXPRESSION MỚI CHO MÙA THU

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Người Hà Nội yêu mùa thu vì nó rất đẹp, tuy nhiên họ lại thiếu một cái expression mới mẻ cho mùa thu.

Tôi xin nói vế đầu trước. Mùa thu ở nơi nào trên bán cầu bắc cũng là mùa được mong chờ, bởi vì tiết trời và cảnh vật lúc ấy thường tuyệt đẹp. Ở HN, mùa thu lại càng quý hơn, vì thành phố này có khí hậu quanh năm khắc nghiệt: mùa hè nóng ẩm như cái chõ đồ xôi, mùa đông lạnh buốt như trong gió có những con dao lam vô hình bay lượn cứa vào tay vào mặt những kẻ đi đường. 

Thành thử ra mùa thu là mùa dịu dàng duy nhất. Đó là mùa duy nhất người thủ đô muốn chạy xe thong thả ngoài đường ngắm nhìn cảnh vật chứ không muốn chạy thẳng về nhà để ngồi máy lạnh. Đó cũng là mùa duy nhất người ta có thể thoải mái ăn uống ngoài vỉa hè hay trong sân mà không bị hành hạ bởi cái nóng, cái lạnh hay những cơn mưa bất chợt. 

Mùa thu ở HN kéo dài từ khoảng tháng 9 đến tháng 11. Sau 20/11 gió lạnh sẽ về và kể từ đó gọi là mùa đông. Nhưng người HN thì chả cần nhìn lịch. Họ biết mùa thu đến khi bỗng dưng ban tối không cần bật điều hòa mà vẫn mát, hoặc buổi sáng ra đường thấy những xe bán cốm rong, hoặc sờ vào trang sách nghe tiếng giấy khô khốc chạm vào nhau làm sởn da gà. 

Người HN thật lòng yêu mùa thu, nhưng ngày nay mỗi khi nói về nó, họ chỉ nói được những điều nhạt nhẽo. Quanh đi quẩn lại ta chỉ thấy trong văn hóa đại chúng những cụm từ như “nắng vàng”, “đường Phan Đình Phùng”, “cốm”, “ngồi cà phê ngắm dòng người”, “cảnh vật và con người dường như chậm lại”…Những cái đấy nghe thật là hời hợt. Muốn có cái gì sâu sắc hơn, họ phải viện dẫn đến thơ và nhạc của những người đã sống những mùa thu 50 hoặc 100 năm trước. 

Nếu là thơ, họ đành trích dẫn các ông hoàng của thời kỳ Thơ Mới. Ta đã nghe mãi những câu của Xuân Diệu như:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới – mùa thu tới 

Với áo mơ phai dệt lá vàng.” 

 

Hoặc của Lưu Trọng Lư như:

“Em không nghe rừng thu. 

lá thu kêu xào xạc, 

con nai vàng ngơ ngác 

đạp trên lá vàng khô?”

 

Hoặc Chế Lan Viên với:

 

“Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?

Với của hoa tươi, muôn cánh rã

Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!”

 

Nếu là nhạc, họ viện dẫn những cái tên như Trịnh Công Sơn, với:

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng

Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau

Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội…”

 

Hoặc:

“Nhìn những mùa thu đi

em nghe sầu lên trong nắng

và lá rụng ngoài song

nghe tên mình vào quên lãng

nghe tháng ngày chết trong thu vàng”

 

Hoặc Ngô Thụy Miên:

 “Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

Và em có nghe khi mùa thu tới

mang ái ân mang tình yêu tới

em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé”

 

Hoặc Đoàn Chuẩn:

“Anh mong chờ mùa Thu

Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai

Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay

Mùa Thu quyến rũ Anh rồi.” 

 

Hoặc họ nghe lại Văn Cao, với cực phẩm Buồn Tàn Thu:

“Em ngồi đan áo

Lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng”

Mùa thu của các bậc tiền nhân buồn và ảo não, yêu đương thì thơ mộng mà không sến. Ấy là tone chính trong gần 100 năm qua. So với họ, mùa thu của chúng ta ngày nay chẳng có không khí gì đặc biệt. Nó không thê lương như mùa thu của Xuân Diệu, cũng không chán nản như mùa thu của Chế Lan Viên; nó không cổ điển như mùa thu của Văn Cao, cũng chẳng lãng mạn như mùa thu của Đoàn Chuẩn. 

Mùa thu của người HN ngày nay nhạt nhẽo và hời hợt như một hột cơm nguội. Chúng ta không có một nhà thơ, một nhà văn hay nhạc sĩ đương đại nào đủ sức cô động tinh thần của thời đại vào một hai dòng thơ hay câu hát như các bậc tiền nhân đã làm. Hoặc vấn đề nó ngược lại: các nghệ sĩ đã sẵn sàng; nhưng đời sống tinh thần chung nhạt nhẽo quá, những cái chúng ta nghĩ chúng ta làm hàng ngày nó tầm thường quá, họ chẳng có gì mà cô đọng cả. Nếu tình trạng ấy kéo dài thêm mươi năm nữa, và nếu mươi năm nữa các thế hệ sau tìm ra một cái expression mới cho mùa thu, thì chúng ta sẽ thành ra một thế hệ vô cảm và ăn hại trong mắt hậu thế. Vì chúng ta là một thế hệ không có mùa thu của riêng mình.

Presto - 29 November 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link