Cult, hay hội kín, là một nhóm nhỏ những người có chung niềm tin; nhưng niềm tin của họ thường trái ngược với ý kiến số đông và bị cho là quái đản, dị hợm. Ngày nay cult thường gắn liền với những nhóm tôn giáo điên rồ và bị chỉ trích vì những bê bối họ gây ra trong xã hội.
Nhắc đến cult chúng ta thường nghĩ ngay đến những hội nhóm bên tây như KKK hay Mormon. Thực ra VN đầu thế kỷ 20 mới là cái nôi của đủ loại cult trên đời.
Xã hội bế tắc lúc đó là điều kiện tuyệt vời giúp sinh ra vô số các hội kín.
Chúng ta có Cao Đài. Năm 1925, một công chức Sở Thương Chánh Sài Gòn tên là Phạm Công Tắc tổ chức “cầu cơ” ở nhà cùng hai người bạn để tiếp xúc với Thượng Đế. Họ được Thượng Đế xuống thăm thật và nhóm 3 người này về sau phát triển thành Cao Đài giáo (với Phạm Công Tắc trong vai trò Hộ Pháp). Hệ thống thần linh của họ gồm cả Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm…Trong một bức tranh rất nổi tiếng có tên Cao Đài Tam Thánh, chúng ta thấy tôn giáo này còn thờ cả Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thanh Sơn Chân Nhân), Tôn Trung Sơn (Trung Sơn Chân Nhân), và, bạn chắc không tin nổi, thờ cả Victor Hugo (Nguyệt Tâm Chân Nhân)!.
Trước giải phóng, Cao Đài có cả triệu tín đồ khắp miền Nam và cả ở Campuchia. Họ thậm chí có quân đội riêng với quân số lên tới một vạn lính, từng gây rất nhiều khó khăn cho Pháp và chính phủ miền Nam của Diệm khi đó. Vì Cao Đài phát triển quá nhanh, người Pháp đành bắt Phạm Công Tắc đày sang đảo Madagascar.
Chúng ta có Hòa Hảo. Vào một đêm mùa hè năm 1939 ở Châu Đốc, Huỳnh Phú Sổ, một thanh niên 19 tuổi đột nhiên giác ngộ và tuyên bố mình là bậc “sinh nhi tri” (sinh ra đã hiểu biết). Ông tự nhận mình được thọ mệnh cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni, xuống hạ giới để truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương. Huỳnh Phú Sổ tuyên bố những lời trên và khai sinh đạo Phật giáo Hòa Hảo khi mới 19 tuổi! Tôn giáo này thu nạp môn đồ rất nhanh và Huỳnh Phú Sổ được gọi với danh xưng “Đức Huỳnh Giáo chủ”, “Đức Tôn Sư”. Hòa Hảo cũng phát triển đến mức có quân đội riêng, được nhắc đến với cái tên Bộ Đội Hòa Hảo, trong đó có một binh đoàn gồm toàn chiến binh nữ đội khăn đen, đi chân đất và dùng kiếm. Lực lượng này cùng với nhóm Cao Đài và Bình Xuyên (của Bảy Viễn) từng là những thế lực quân phiệt cát cứ lớn nhất miền Nam.
Chúng ta có Đạo Dừa. Năm 1963, Nguyễn Thành Nam, một kỹ sư từng du học Pháp, đột nhiên giác ngộ sau nhiều năm tu khổ hạnh và thành lập Đạo Dừa ở Bến Tre. Ông tự xưng là Quyền thiên nhơn lãnh đạo Thích Hòa Bình, tuyên bố theo cả ba tôn giáo là Nho, Phật, Lão. Trong số tín đồ Đạo Dừa có con trai của nhà văn Mỹ John Steinbeck. Ông Đạo Dừa thậm chí từng tranh cử tổng thống Việt Nam Cộng Hòa hồi trước 75!
Ngoài những cult theo kiểu tôn giáo bản địa trên, miền Nam còn là nơi du nhập nhiều tư tưởng kỳ lạ khác từ thế giới bên ngoài. Đáng nhớ nhất là hội Thông Thiên Học được du nhập vào VN năm 1925. (Đây chính là hội kín nuôi dưỡng nên Krishnamurti). Không còn nhiều tài liệu về lịch sử của nhóm này, nhưng ảnh hưởng của họ vẫn được lưu dấu ở nhiều nơi, điển hình như con đường có tên Thông Thiên Học ở Đà Lạt.
Trong danh sách này, ta không thể bỏ sót hội kín thành công nhất, đó là Đảng Cộng Sản. Đảng Cộng Sản Việt Nam của chúng ta từng là một cult chỉ gồm 9 người Việt Nam lưu vong ở Trung Quốc và có cùng một niềm tin vào việc cải cách xã hội VN theo hướng Cộng Sản. Các nhà cách mạng tiền bối đã thành công đến mức phế cả nhà vua, chấm dứt chế độ chính trị kéo dài suốt ngàn năm và đưa cult của mình trở thành mainstream.
VN đã vậy, còn thế giới thì không thiếu chuyện kỳ dị về những cult lớn chi phối cả xã hội. Kỳ lạ nhất có lẽ là câu chuyện về Thái Bình Thiên Quốc.
Năm 1837 ở Trung Quốc, Hồng Tú Toàn, một nhà Nho thi trượt, nằm mơ thấy một ông vua đưa cho mình thanh kiếm đi diệt trừ Nhà Thanh. Trong giấc mơ ông cũng thấy một người trẻ tuổi hơn, ông gọi bằng anh. Ông luôn băn khoăn về ý nghĩa của giấc mơ này. Bảy năm sau, Hồng Tú Toàn tình cờ đọc được một pamphlet truyền đạo của các giáo sĩ phương tây. Ông chợt nhận ra người mình gặp trong giấc mơ năm xưa là Thượng đế, còn người mà ông gọi bằng anh là Chúa Giê -Su. Hồng Tú Toàn bèn từ bỏ Nho học và đi truyền đạo Thiên Chúa. Năm 1850 ông đột ngột tuyên bố thành lập Thái Bình Thiên Quốc, một nhà nước Ki-tô giáo chống nhà Thanh. Cult này lập tức được nhân dân ủng hộ cuồng nhiệt. Thái Bình Thiên Quốc cuối cùng trở thành một quốc gia độc lập nằm bên trong lục địa Trung Hoa, một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Cuộc chiến giữa Thái Bình Thiên Quốc và Thanh triều làm cho 50 triệu người thiệt mạng và được xem là cuộc giao tranh lớn nhất thế kỷ 19 trên toàn thế giới.
Ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng được từng có những thứ như thế trên đời. Càng không có ai nghĩ đến chuyện thành lập một cult để quy tụ những người cùng suy nghĩ. Các chính phủ hiện đại sợ cult và họ tiêm nhiễm vào đầu chúng ta nỗi sợ đó. Điều ấy thật đáng buồn. Chỉ 50 năm trước thôi, con người hầu như đều chấp nhận rằng có nhiều kiến thức bí ẩn chưa được biết đến. Họ luôn muốn gia nhập một hội nhóm nào đó mang theo kiến thức bí mật giúp khai sáng và tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Ngày nay chúng ta chỉ còn tin vào những thứ mainstream.
Trong lĩnh vực kinh tế xã hội, chủ nghĩa tư bản chiến thắng chủ nghĩa cộng sản và trở thành mô hình độc tôn. Sự thống trị quá lâu của capitalism làm giới trí thức ngán đến mức có một ông triết gia Anh đã phải viết một cuốn sách tên như tiếng thở dài: “Capitalist Realism: Is There No Alternative?”.
Trong vấn đề tâm linh, chỉ còn những tôn giáo đã tồn tại hàng ngàn năm như Phật giáo hay Ki-tô giáo được coi là chính thống. Các nhánh hiện đại của họ bị xem là tà giáo và người đi theo thường bị kỳ thị. Những tôn giáo có tuổi đời trăm năm như kiểu Cao Đài hay Hòa Hảo của VN tuy được công nhận nhưng vẫn nằm trong tình trạng “cult”, sinh hoạt trong nhóm nhỏ và gần như không bao giờ thấy họ xuất hiện trên truyền thông mainstream.
Chúng ta không còn tin vào cult vì chúng ta hết tin rằng trên thế giới này còn điều gì bí mật: mọi bí ẩn quan trọng đều đã được khám phá xong và tình trạng xã hội như hiện nay sẽ kéo dài mãi mãi.
Nhiều người cho rằng như thế là tiến bộ, nhưng tôi thấy như thế đáng buồn. Để trả giá cho sự “ổn định” và để kiềm chế sự nảy sinh của những hội kín điên rồ theo kiểu KKK, chúng ta phải trả cái giá quá đắt, đó là đánh mất đi trí tò mò và niềm tin vào những chân trời kiến thức chưa ai khám phá ra. Thế giới như vậy mất đi điều kỳ diệu.