Ngày xưa, tôi cũng như nhiều thanh niên khác, đều nghĩ rằng rượu tây thì chán và nhạt nhẽo hơn rượu ta (tức là rượu nấu ở quê, nút lá chuối). Đã thế rượu tây uống còn không say được như quốc lủi. Sau này lên đại học, được đi làm về rượu, tôi mới biết mình đã sai bét nhè.
Quan niệm rượu tây nhạt và chán xuất phát từ đâu ra? Nó bắt nguồn từ việc “rượu tây” ở nước ta hồi cách đây mười mấy năm chỉ quanh đi quẩn lại những chai hạng thấp nhất của Johnnie Walker hoặc Ballantine, Chivas. Và hầu như toàn đồ rởm, do phân phối chính hãng chưa đến nơi. Vang thì chúng ta chỉ tiếp xúc chủ yếu với những chai phổ thông giá rẻ mua ngoài siêu thị. Tệ nhất là vang Đà Lạt. Và nẫu ruột nhất là vang trong giỏ quà Tết: vang nhưng không có cork mà người ta chỉ đút cho cái nút nhựa vào thôi (!?).
Ngoài những chai quá chán vì bị công nghiệp hóa như kể trên, còn lại thì về nhiều mặt, rượu tây luôn hơn đứt quốc lủi bên mình.
Nói ngay như cái chai thôi chẳng hạn. Rẻ rúng nhất như Barcadi, Beefeater hay Havana Club, thì cái chai cũng được làm dày dặn và thiết kế có kiểu dáng hẳn hoi chứ không trơn tuột như chai Vodka Hà Nội. Chai của tequila Patrón được thiết kế dáng béo lùn với cổ thon gọn phục vụ cho việc cầm rót trên bàn tiệc, cầm rất chắc tay, say cũng không đổ. Chai The Botanist kỳ công đến mức người ta in nổi tên tiếng Latin của 22 loại thảo mộc được dùng làm nên loại gin này. Rượu quê thì luôn chung một số phận là đựng trong can 20l hoặc chai lavie.
Phương tây không những làm chai đẹp mà còn làm ra những nhãn mác cầu kỳ dán lên. Một chai gin giá rẻ như Bombay cũng có nhãn in chữ nổi với font cầu kỳ và hình nữ hoàng Victoria trông khá trang trọng. Dân dã như Jacks Daniels cũng được nhà sản xuất đựng trong một chai dáng vuông và phần label đẹp đến mức nhiều người thích in nó lên áo phông hoặc mua poster treo ở nhà. Label trên chai bourbon Maker’s Mark có chất lượng giấy cao hơn cả giấy vẽ của sinh viên mỹ thuật ngày xưa. Dòng rum, do ảnh hưởng thẩm mỹ hơi hoa hoét của dân Trung và Nam Mỹ, cho ta những tem rượu cầu kỳ nhất quả đất, ví dụ như tem của Diplomático. Về tem rượu, tôi thích nhất tem của chai gin Monkey 47, với hình con khỉ vẽ bằng mực xám trên giấy ivory, bao quanh là hoạ tiết trang trí màu tím nhạt. Tôi đã bỏ tiền ra mua chai rượu đắt lòi ấy chỉ vì thích cái tem quá và muốn mua bằng được để…bóc cất đi.
Bên trên chỉ mới nói đến hình thức. Chất lượng rượu bên trong thì sao? Trước kia ai cũng nghĩ rượu tây uống nhạt, vì uống Johnnie Walker thì đậm ở đâu ra? Loanh quanh chúng ta chỉ hay gặp rượu 40 độ. Đi làm bar tôi mới biết rượu tây mà whiskey thì 43-45 độ là chuyện bình thường. Gin Bombay, thứ tôi uống hàng tối suốt nhiều năm, nặng 47,5%. Rồi có những chai rum xếp hạng “navy strength” như Compagnie des Indes 57% hay Stroh 60%. Đặc biệt có rượu absinthe màu xanh lá cây với những độ rượu không tưởng tượng được như La Fée 68%. Rượu quốc lủi nặng cũng chỉ đến cỡ 40-43%, và cảm giác “mạnh” đôi khi do người uống nhầm lẫn “nặng” với “gắt”.
Ngoài sự lựa chọn phong phú về độ cồn, rượu tây còn chú trọng về cảm nhận của người uống. Các nhà làm rượu phương tây thường khoe trên vỏ chai những nguyên liệu cầu kỳ hái bằng tay (như Monkey 47) hoặc khơi gợi cho khách hàng biết cảm giác khi uống rượu của họ bằng những hình ảnh rất thơ mộng. Các nhà làm Scotch rất giỏi việc này. Giỏi nhất là ông Caol Ila. Trên hộp chai Caol Ila 12 viết thế này: “Fresh, sweetly fruity and smooth bodied, it is as rounded and clear as the shapes of the still-room, glimpsed by hazy shafts of sunlight glancing through the morning cloud. Hoặc Caol Ila 15:: “As clean and fresh as the pale sky that follows the clearing rain, its intense flavors dance boldly across the tongue like waves.” Tả như thế thử hỏi ai không muốn uống? Với rượu bên mình, ta chỉ nghe được những câu khen chung chung như ngon lắm, êm lắm, uống không đau đầu…
Những nhược điểm trên khiến rượu ta bị lép vế hẳn với rượu tây, tuy nhiên rất may mắn là điều này đang dần cải thiện. Tầm 20 năm trở lại đây đã có những hãng rượu Việt như Sơn Tinh (chỗ làm cũ của tôi), Sampan hay Sông Cái, đều chú trọng vào việc sử dụng nguyên liệu bản địa. Rượu chưa quá xuất sắc, nhưng cũng là một bước tiến dài so với việc cứ uống mãi rượu nút lá chuối. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói rằng oto điện là sản phẩm ghi dấu tên tuổi VN trên thế giới; rượu có lẽ cũng tiềm năng ngang ngửa, vì thổ nhưỡng VN có nhiều cây trái với mùi vị đặc sắc. Tôi hy vọng chục năm nữa đi bar ở nước ngoài được thấy nhiều chai rượu in chữ Việt trên quầy và chúng ta không gọi “Jack n Coke” nữa mà order “Chí Phèo ‘n Coke” chẳng hạn. Biết đâu đấy.