Đàn ông thì đi xe gì?

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Có một sự thật là người ta rất hay để ý xem một người đàn ông đi xe gì, để từ đó đánh giá về con người và địa vị xã hội của họ. “Người ta” ở đây bao gồm cả đàn bà lẫn đàn ông. Nhưng đàn bà để ý chuyện này nhất, mặc dù ít khi họ chịu thừa nhận.

Trong con mắt số đông, xe và người đàn ông trên xe được xếp theo thứ hạng. Xe số như Wave, Cub là nghèo, xe ga như Vision, Airblade là hạng sinh viên, xe Lead là xe của đàn bà, xe SH, Vespa là các anh trưởng thành có chút điều kiện, xe phân khối lớn không cần biết hãng gì đều có nghĩa là bad boy ăn chơi, xe Piaggio cổ là các anh có gu, lịch lãm. Xe oto thì hết nấc, cứ có oto là giàu. Từ Mẹc trở lên là các anh doanh nhân.

Bạn chắc đang hỏi tại sao tôi nói như đi guốc trong bụng thế? Tôi biết thế vì tôi chính là nạn nhân thường xuyên của những stereotype kiểu này.

Mãi đến năm 27 tuổi tôi vẫn đi con xe Wave từ thời đại học. Bạn bè thương hại tôi. Họ hàng thương hại tôi. Mọi người hỏi tôi làm ăn có khó khăn lắm không, sao từ lúc ra trường vẫn đi con xe máy cà tàng như sinh viên nghèo thế. Tôi rất ngạc nhiên khi người ta hỏi tôi không có tiền mua xe mới à, vì lúc đó tôi đã kiếm được khá nhiều tiền. Đủ nhiều để cứ mỗi 2 ngày làm việc tôi lại có thể mua được một con xe Wave. Thu nhập một ngày làm việc của tôi bằng lương cả tháng của những người hỏi tôi sao không có tiền mua xe máy mới. Chính điều đó làm tôi thấy kỳ cục. Nhưng tôi không giận mà chỉ tò mò vì sao họ nghĩ vậy.

Về phía tôi, tôi không đổi xe vì công việc lúc đó không yêu cầu phải đi xã giao gặp gỡ khách hàng, vì thế tôi không bận tâm đến vẻ bề ngoài. Thứ hai là, trái với phần lớn đàn ông, tôi không phải dân chơi xe và không hiểu biết một chút nào về cả xe máy lẫn oto. Xe cộ nằm ngoài phạm vi hiểu biết và quan tâm của tôi. Tôi chỉ thích du lịch và rượu scotch.

Nhưng tôi chẳng cứng đầu mà đi Wave mãi được. Cuối cùng, dưới sức ép của xã hội, của gia đình và của…gái, rằng phải chứng tỏ mình là người “có tiền mua xe”, tôi đành cầu cứu đến ông bạn thân để hỏi xem ở HN bây giờ đi xe gì thì được. Sau một buổi cafe tư vấn, tôi ra Kường Ngân mua lấy một con Vision màu be. Tôi biết ngay đây là một lựa chọn sai lầm khi anh thợ lắp máy bảo tôi “Đàn ông ai lại đi mấy cái Vision với Lead”. Và chiếc Vision mới không giúp tôi thoát được ánh mắt thương hại của bạn bè, lần này là vì “Nó đổi xe cũng chỉ có tiền mua Vision thôi à”.

Đọc đến đây nếu bạn định bảo chỉ có ở VN (hoặc tệ hơn: chỉ ở HN) người ta mới để ý đến cái xe thì bạn đã nhầm. Ở xã hội nào và ở thời đại nào người ta cũng quan tâm và đánh giá đàn ông dựa trên phương tiện di chuyển. Đẳng cấp xã hội thế nào thì đi xe cỡ đó.

Thời Tam Quốc, các hào kiệt như Lã Bố, Tào Tháo và Quan Công đều thay nhau cưỡi ngựa Xích Thố chứ không cưỡi ngựa thường. Ở phương Tây, Napoleon Bonaparte cưỡi con ngựa Ả Rập Marengo, Simon Bolivar (tướng giải phóng Nam Mỹ) cưỡi ngựa Palomo, và Alexander Đại Đế cưỡi chiến mã Bucephalus; tên con ngựa về sau được đặt cho cả một thành phố cổ đại có tên Bucephala.

Ở VN thời bao cấp, người ta có câu “Một yêu anh có Seiko/ Hai yêu anh có Peugeot cá vàng”; trong đó “pơ-giô” là một loại xe máy Pháp đắt tiền, ám chỉ rằng cứ đi “pơ-giô” là giàu. Cuối thời bao cấp thì hình mẫu đàn ông giàu lại phải đi xe “kim vàng giọt lệ” cơ, tức là xe Cub 81. Gọi như thế vì nó có kim tốc độ màu vàng và một cái đèn led báo chạy quá 40km/h. Cứ đi “kim vàng giọt lệ” là phải giàu, vì nó có giá bằng vài cây vàng thời đó. Xã hội có câu “Kim vàng giọt lệ long lanh/ Nối duyên em với tình anh đậm đà”.

Thế rồi Cub cũng thành lạc hậu, nhường chỗ cho Dream. Trong phim Hoa Cỏ May, một bộ phim nổi tiếng cách đây hơn 20 năm, tôi nhớ có cảnh nhân vật nam nói với nhân vật nữ rằng anh đi Cub mà đi cạnh xe Dream của em thì xấu hổ quá! Rồi đến khi nhà nào cũng có xe máy rồi, ta lại nghe thấy câu “Một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh”, nói về tiêu chuẩn thành đạt mới của đàn ông là phải có oto.

Vậy rõ ràng là ở thời nào cái xe của đàn ông cũng bị lôi ra làm thước đo địa vị xã hội. Nhưng tại sao?

Tôi nghĩ có lẽ vì chúng ta dù muốn hay không muốn, đều âm thầm có xu hướng đánh giá đàn ông thông qua khả năng kiếm tiền của họ. Kẹt một nỗi chúng ta không nhìn thấy tài khoản ngân hàng của họ, cũng không nhìn thấy căn nhà họ sống. Vì thế, xã hội, và nhất là phụ nữ, đành hướng sự chú ý tới những tài sản di động dễ quan sát như đồng hồ hay cái xe. Cùng là mặc quần đùi đi dép lê nhưng nếu bạn bước ra từ Porsche thì người ta bảo bạn là đại gia không quan tâm đến suy nghĩ của người khác, nhưng nếu bạn bước xuống từ con Wave tàu vỡ yếm thì người ta bảo bạn chắc là thằng chở cám lợn.

Phong trào bình đẳng nam nữ được sinh ra với mục đích phá bỏ các stereotype bất công đối với cả hai giới, nhưng trước giờ chỉ tập trung chủ yếu vào đàn bà. Bây giờ tôi xin bình đẳng nam nữ cũng được đến với cả đàn ông chúng tôi, và phá bỏ hộ chúng tôi cái stereotype cho rằng đàn ông nhiều tiền cứ phải đi xe xịn.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link