Sơ lược về Kinh Dịch ở Việt Nam

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Hôm nay cuối tuần, lại bới sách đọc và bới ra quyển này xin giới thiệu với các bạn: Chu Dịch của Phan Bội Châu.

Ở VN hễ nói đến Kinh Dịch thì người ta nghĩ ngay đến các ông thầy bói hay đạo sĩ trong phim cổ trang của Tàu, nghĩ đến những từ khó hiểu như bát quái, càn khôn… Thực chất Kinh Dịch là một cuốn sách triết lý của người Trung Quốc. Nó chứa đựng suy nghĩ và nhân sinh quan của người Trung Quốc về mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chuyện ăn uống, sửa nhà, ra trận, hoạn nạn nên làm gì, vui sướng nên làm gì…Điểm lạ là các ý tưởng này không được diễn xuôi theo kiểu phương Tây chúng ta vẫn quen đọc, mà bằng các vạch liền – đứt xếp chồng lên nhau, cứ 6 vạch là 1 quẻ. Với mỗi quẻ, cổ nhân chỉ phán 1 câu nói đại khái hình tượng/ ý nghĩa quẻ đó, rồi 6 vạch kia (gọi là 6 hào) cũng được phán mỗi hào chỉ 1-2 câu thôi. Cả Kinh Dịch chỉ có 64 quẻ, vì thế sách thực ra rất mỏng; những cuốn bạn tìm thấy ngoài hàng đều dày cộm là vì phần chú giải của người đời sau làm cho nó dày. Chú giải Kinh Dịch là đỉnh cao trí tuệ đối với các nhà nho, thường dành để làm khi tuổi đã già, đủ kinh nghiệm sống và đủ kiến thức để chú giải bộ sách đỉnh cao của triết học phương Đông. Ngay đến Khổng Tử cũng phải nói rằng “Nếu trời để cho ta sống thêm mươi năm nữa thì ta sẽ đọc thông Kinh Dịch. Năm mươi tuổi mới học Kinh Dịch cũng có thể không mắc phải sai lầm lớn.”

Ở VN, chỉ có một số ít học giả hiện đại dám bén mảng tới thành trì tư tưởng này.
Ở miền Bắc, có thể kể đến Ngô Tất Tố, nhà nho gộc, chú giải Kinh Dịch lúc 50 tuổi. Đây là bản khó hiểu nhất, dường như viết dành cho các nhà nho hậu bối chứ không dành cho các độc giả hiện đại như chúng ta (dùng rất nhiều từ cổ). (Khi đi tìm các bản Kinh Dịch ở miền Bắc, tôi đã rất ngạc nhiên khi không thấy Trần Trọng Kim có công trình nghiên cứu Kinh Dịch nào, mặc dù ông là học giả tầm cỡ của thời đại mình, và khi lên làm Quốc Trưởng của Đế Quốc Việt Nam, ông thậm chí đã chọn quốc kỳ hình quẻ Ly, với nền cờ vàng và quẻ Ly màu đỏ nằm ở giữa.)

Ở miền Nam, Nguyễn Hiến Lê chú giải Kinh Dịch năm 67 tuổi, lấy tên sách là “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử” với mong muốn giải thích cuốn sách này theo cách dễ hiểu nhất. Ông chủ yếu tham khảo bản của Phan Bội Châu. Viết rõ ràng, sáng sủa, nhưng vì cố cho dễ hiểu nên mất đi độ huyền hoặc, thần bí của cuốn sách. Đọc Nguyễn Hiến Lê ta lại có cảm giác Kinh Dịch là một cuốn sách hơi tầm thường.

Cùng thời với Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần chú giải Kinh Dịch năm 66 tuổi. Nguyễn Duy Cần không viết hết suy nghĩ của mình thành một pho sách đồ sộ về Kinh Dịch theo truyền thống của các nho gia, mà viết tản mác thành tới mấy cuốn: Dịch học tinh hoa (1973), Chu Dịch huyền giải (1974), Dịch kinh tường giải…Trái với Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần lại đi theo hướng huyền bí và khoác lên Kinh Dịch một tấm màn bí ẩn, khiến cho người mới học chẳng hiểu mô tê gì.

Ở miền Trung, Phan Bội Châu chú giải Kinh Dịch khoảng năm 1926, ở tuổi 59. Lúc đó ông vừa ra khỏi Hỏa Lò và bị người Pháp mang về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Biết rằng cuộc đời cách mạng của mình đã hết, Phan Bội Châu bèn tranh thủ khi vẫn còn minh mẫn để viết cuốn Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải, một cuốn sách hay đến mức Huỳnh Thúc Kháng phải lên báo Tiếng Dân mà nói rằng “Độc giả nếm một miếng cũng đủ biết mùi toàn đỉnh”!

Bản thảo viết tay của Phan Bội Châu dày tới hơn 1000 trang, được chép tay thành tổng cộng 3 bản đưa cho người thân cất giữ. Qua thời gian, cả 3 bản này đều thất lạc hoặc không còn đầy đủ. Bản hiện tại được in từ bản của nhà Khai Trí. Đây là bản chú giải Kinh Dịch sáng sủa nhất và hấp dẫn nhất, nó cân bằng giữa độ mạch lạc và tính huyền bí, lại được làm giàu thêm bởi kinh nghiệm sống phong phú của Phan Bội Châu. Đọc các phần giải nghĩa, ta biết ngay Phan Bội Châu là một người thất bại trong hoài bão của mình, nhưng ông không mất đi tinh thần lạc quan và cổ vũ những người lâm vào cảnh khó khăn hãy tiếp tục chiến đấu. Trong Phụ Chú cho quẻ Khốn (nói về thời đại khó khăn), ông viết:

“Thế thời người ta trong vũ trụ, chẳng ai là chẳng bị chinh phục vì hoàn cảnh chung, đó là một cảm tưởng.

Nhưng mà người đứng giữa trời đất, tất phải có trí lực đảm lực, phách lực mà chiến thắng với hoàn cảnh riêng, đó lại là một cảm tưởng.

Lí do bởi vì sao? Chinh phục hoàn cảnh chung, tất phải nhờ trợ lực ở nơi xã hội. Xã hội còn đương sụp vào vùng mù đen mây tối, dầu thánh hiền hào kiệt cũng không thể cậy một sức mình mà đánh đổ được hoàn cảnh tối tăm.
[…]

Như thế thời chiến thắng được hoàn cảnh chẳng phải là khó lắm hay sao?

Nhưng chúng ta đã sinh gặp lúc hoàn cảnh chung ấy thời bản thể mình cũng là một phần tử trong hoàn cảnh ấy, phần chung mà không chiến thắng được, còn có lẽ đổ tội cho xã hội. Chứ như phần riêng mà không chiến thắng được thời đổ tội với ai?”

Và ông kết luận:

“Cột đá giữa dòng sông lớn, tùng bá giữa tiết trời đông, chính là nghĩa vụ riêng của phần chúng ta.
Chúng ta dầu không có sức chiến thắng hoàn cảnh chung, nhưng há lẽ chịu hàng phục với hoàn cảnh riêng hay sao?”

Mình có sưu tập đầy đủ bản Kinh Dịch của tất cả các tác giả trên. Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần đều được mang lên thư viện ở Yên Ninh hết rồi, chỉ riêng bản của Phan Bội Châu là cất ở nhà để thi thoảng đọc một tí. Sách giấy bản Phan Bội Châu do Đông Tây xuất bản bây giờ chắc chắn không thể mua được nữa, còn của các nxb khác thì in xấu như in lậu vậy. Các các bạn có thể tìm pdf trên mạng đọc tạm cuốn này nhé.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link