Đi bộ & xe máy: Hai topography của Hà Nội

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Dân HN chủ yếu di chuyển bằng xe máy. Phương tiện này yêu cầu người lái phải nhìn thẳng phía trước và đi tương đối nhanh, không thể nghếch mắt nhìn lên hay ngoái lại sau được. Hạn chế tầm nhìn dẫn đến hạn chế về thế giới quan, thành ra có những thứ mà người đi xe máy không bao giờ nhìn thấy. Bằng cách này, xe máy chia topography của thành phố ra làm hai: một HN do người đi xe máy quan sát, một HN do người đi bộ quan sát.

Hai thành phố đó khác nhau.

Nếu hay đi bộ, chắc bạn đã biết rằng có những con ngõ, những căn nhà cổ, cửa tiệm, hay những con người mà chỉ lúc đi bộ bạn mới nhìn thấy thôi. Ví dụ như căn nhà Pháp thời thuộc địa tuyệt đẹp với cầu thang dẫn lên cửa chính uốn lượn như lối vào lâu đài, nằm trong một cái ngõ cụt ở phố Lò Đúc. Hay một hàng sửa quạt trần cổ mặt tiền vỏn vẹn 1m trên phố Quán Thánh lúc nào cũng dăm bảy ông chú túm tụm sửa cái nọ cái kia. Hay một ông cụ ở phố Phan Huy Ích, cứ buổi chiều lại ngồi trong căn nhà thắp đèn leo lét, trên một cái ghế nhựa, chân vắt vẻo nhìn mơ hồ ra bên ngoài.

Xe máy, với tốc độ cao và tầm nhìn hạn chế, không cho phép chúng ta nhận thấy những cảnh vật này. Thành phố của người đi xe máy chỉ có điểm A, tắc đường, và điểm B. Thành phố của người đi bộ có cảnh quan phong phú hơn nhiều, đặc biệt về mặt kiến trúc.

Mỗi khi đi bộ, tôi thích đi vào những ngõ nhỏ và ngõ cụt của HN, bởi vì tôi không bao giờ có cơ hội nhìn bên trong chúng khi đi xe máy. Những ngõ kiểu này kiêng người lạ. Nếu bạn đi xe máy vào thì lập tức chó sủa mèo kêu còn các cụ già trừng mắt dõi theo xem bạn định trộm cắp cái gì. Cũng dễ hiểu thôi, vì những ngõ đó không bao giờ có người ngoài bén mảng (Nó chả dẫn đi đâu cả. Thế nên mới có chuyện hồi Grab mới xuất hiện, các anh ăn trộm nhanh trí đóng giả Grab để vào ngõ mà không gây chú ý).

Ngõ nhỏ và ngõ cụt ở HN là nơi ẩn nấp của những căn nhà cổ và nhà cũ tuyệt đẹp. Chúng là sinh vật kiến trúc hiếm hoi thoát khỏi cuộc đồng hóa nhà ống – mái tôn vào thời kỳ xây dựng vội vã đầu 2000s tại thủ đô.

Thường những căn nhà với kiến trúc kỳ lạ này chỉ lộ ra sau những lần phá dỡ mở rộng đường và chúng ta, những kẻ đi xe máy, ngạc nhiên là trên đời lại có cái nhà như thế. Ví dụ như lần mở đường Đại La năm 2019, tôi ngã ngửa ra khi biết phố Đại La nhếch nhác ngay gần nhà mình cũng có…biệt thự Pháp cổ, thứ tưởng chỉ có quanh hồ Gươm. Ngạc nhiên nhất, người ta còn phát hiện ra một công trình lịch sử bị lãng quên, là trạm phát sóng Bạch Mai, nơi bản tin đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát đi toàn thế giới vào ngày 7/9/1945. Một công trình từng rộng tới 8 hecta và đóng vai trò quan trọng như thế trong cách mạng chỉ được nhớ tới vì người ta phá nhà mở đường!

Thêm nữa, topography của người đi xe máy chỉ bao gồm tầng một. Người đi bộ nhìn được cả phía trên. Và khả năng nhìn lên trên cho ta nhiều quan sát thú vị. Tầm bảy tám năm trước, tôi nhớ có một giảng viên Kiến trúc (hoặc Mỹ thuật) làm nghiên cứu về phần phù điêu trang trí ở trên cùng mặt tiền các căn nhà HN. Anh thầy này chắc chắn phải là một người hay đi bộ. Phải đi bộ mới nhìn thấy chúng được, vì tít trên cao cơ mà.

Ngoài chuyện cảnh quan kiến trúc, người đi bộ còn biết tên nhiều con phố lạ, những phố mà người đi xe máy không có cơ hội biết, vì nó cụt hoặc nằm lạc quẻ khỏi trục đường chính. Người HN phần đông không hề biết có những phố như Đinh Công Tráng, Lê Gia Đinh hay Nam Tràng.

HN hiện đã phát triển đến mức không thể nào thoát khỏi phương tiện hai bánh. Điều đó cũng có nghĩa là topography của thành phố mãi mãi sẽ chia hai như hiện nay. Ý nghĩ bí mật này, cộng với việc có quá ít người đi bộ, khiến cho tôi sung sướng. Tôi như đang sở hữu một thành phố của riêng mình.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link