Chúng ta đa số đều muốn tìm lời giải cho các vấn đề chứ ít ai lại muốn ngồi nghĩ ra vấn đề để giải. Các nhà toán học trước đây đều muốn thử chứng minh định lý Fermat, nhưng trong hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chưa đọc thấy ai đề xuất rằng cần phải tìm thêm nhiều vấn đề hóc búa như định lý Fermat.
Richard Feynman, nhà vật lý đoạt giải Nobel, là một ngoại lệ. Trong một bức thư, Feynman tiết lộ bí quyết thành công của ông nằm trong một danh sách gồm 12 câu hỏi hóc búa mà ông luôn ghi nhớ trong đầu. Feynman cho rằng: “Bạn phải giữ một danh sách 12 vấn đề yêu thích thường trực trong đầu, dù cho phần lớn thời gian chúng chỉ nằm không ở đó thôi. Rồi mỗi lần bạn nghe hoặc đọc thấy một kiến thức gì mới, hãy test lại nó với 12 vấn đề, để xem kiến thức ấy có giúp giải quyết câu hỏi nào không. Thi thoảng chúng sẽ khớp với nhau, và mọi người sẽ ồ lên “Làm sao anh giải được nó? Anh đúng là một thiên tài!”
Theo Feynman, thiên tài không phải là người có mọi câu trả lời, mà là người hỏi đúng câu hỏi. Câu hỏi đúng sẽ hướng bạn đi đúng đường. Nó định hình sự nghiệp và thậm chí cả cuộc đời của bạn. Hỏi sai vấn đề dẫn đến bế tắc hoặc hành động sai.
Nhưng làm thế nào bạn biết rằng mình đã hỏi đúng câu hỏi cần hỏi, đã chọn đúng vấn đề để suy nghĩ?
Trước hết, vấn đề ấy phải đáng giải quyết. Ít nhất là đối với bạn, hoặc tốt nhất là đối với lĩnh vực bạn đang làm. Vấn đề đáng giải quyết có đặc tính dễ thấy là nó rất khó. (Phải khó thì nó mới còn ở đấy cho bạn giải quyết, dễ thì người khác làm mất rồi).
Làm thế nào để biết nó rất khó? Bạn biết nó đủ khó khi chính các chuyên gia đầu ngành cũng lắc đầu lè lưỡi bảo không thể giải quyết được.
Một ví dụ. Năm 1965, giáo sư toán học Edward Thorp tình cờ gặp Richard Feynman. Khi đó Feynman đã nhận giải Nobel và nổi tiếng khắp thế giới còn Edward Thorp chỉ là một người vô danh. Điểm thú vị là ngoài toán học, Edward Thorp còn có đam mê với…cờ bạc. Ông là người về sau sẽ phát minh ra kỹ thuật “card counting” để đánh bại casino trong trò Blackjack, (được phân tích chi tiết trong cuốn Beat The Dealer). Ông cũng là người nghĩ ra mô hình hedge fund trong lĩnh vực đầu tư tài chính và nhờ thế trở thành triệu phú.
Lúc gặp Feynman, Thorp đang băn khoăn về việc liệu có thể dự báo kết quả của trò bàn quay roulette hay không. Khi đó Feynman được xem là nhà vật lý lớn nhất thế giới và Edward Thorp cho rằng nếu có ai đó trả lời được câu hỏi này, người ấy chỉ có thể là Feynman. Feynman trả lời chắc chắn rằng không. Và Edward Thorp chỉ mong có thế. Trong hồi ký của mình, ông kể lại: “Khi Feynman nói là không có cách nào cả, tôi thấy nhẹ cả người và càng có thêm động lực. Điều này cho thấy chưa ai giải quyết được một vấn đề mà tôi tin rằng có thể giải được. Sau sự kiện này, tôi bắt đầu một loạt thí nghiệm.” Và trong quá trình giải vấn đề dự đoán kết quả roulette, Thorp còn tình cờ trở thành người đầu tiên sáng chế ra wearable computer!
Bí mật của Feynman, và câu chuyện Feynman – Thorp cho thấy tầm quan trọng của những câu hỏi hóc búa.
Giống hai ông này, tôi cũng có vài câu hỏi khó nhằn lởn vởn trong đầu nhiều năm. Tôi rất thích ngoại ngữ, vì thế đứng đầu danh sách là “Làm thế nào học một ngôn ngữ mới nhanh nhất và tốn ít sức lực nhất?”. Dạy học và tự nghiên cứu bao nhiêu năm nay tôi vẫn chưa trả lời được vấn đề này. Tôi cũng tò mò và thích tự học mọi thứ, vì vậy câu hỏi thứ hai là: “Liệu có phương pháp phổ quát nào để bất cứ ai cũng có thể tự học một lĩnh vực bất kỳ, đi từ amateur đến pro mà không cần thầy hướng dẫn không? Và nếu có, liệu có thể tạo một danh mục nghiên cứu vĩnh viễn cho nó hay không?”. Danh sách còn dài nữa, nhưng nó nằm ngoài khuôn khổ của bài viết này, tôi xin chia sẻ ở một dịp khác.
Còn bạn, có câu hỏi hóc búa nào mà bạn luôn thắc mắc trong đầu không?