Đọc các nhà văn tiền chiến, ta luôn thấy những ông như Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng than rằng nghề viết văn viết báo là nghề bạc bẽo. Than như vậy vì các ông chưa biết trên đời còn có nghề viết Terms & Conditions đấy thôi. Là một người viết để giải khuây, tôi rùng mình khi nghĩ đến những người viết Terms & Conditions để kiếm sống. Những người này không bao giờ được ký tên vào tác phẩm, không được công chúng biết tới như các nhà văn, và tệ nhất là thứ họ viết ra gần như không có ai đọc cả.
Bạn nghĩ xem đúng không. Mua bán hay đăng ký cái gì, chúng ta luôn vội vàng kéo xuống câu “Đã đọc và chấp nhận mọi điều kiện” để hoàn tất quá trình cho lẹ. Ta chỉ mò đọc Terms & Conditions khi có chuyện trái ý muốn. Như người Mỹ nói, “when the shit hits the fan”.
Lần đầu tiên tôi đọc hết Terms & Conditions của một dịch vụ là vào một đêm mùa đông ở ga xe lửa Howrah (Calcutta). Nếu bạn chưa biết thì vé tàu ở Ấn rất khó đặt. Bạn phải mua qua một website lạc hậu của nhà nước, với tỷ lệ mua được vé là 0%. Chỉ người Ấn mới mua được thôi. Khách du lịch luôn luôn phải mua vé qua trung gian, và ngay cả công ty trung gian cũng không đảm bảo sẽ giữ được ghế cho bạn. Vì thế mua vé xong tôi phải in tờ Terms & Conditions mang theo người, để đề phòng bất trắc. Và thế là ngồi cạnh hàng trăm người Ấn trải giấy báo nằm la liệt chờ tàu, tôi đã giết thời gian bằng cách đọc hết Terms & Conditions của công ty nơi tôi đặt vé. Lần đầu tiên tôi biết Terms & Conditions có thể thú vị đến vậy.
Họ viết mở bài thế này:
“Đọc Terms & Conditions lúc nào cũng chán, trừ khi bạn là luật sư hoặc một kẻ khổ dâm. Không ai đọc thứ này, cho đến khi Định Luật Murphy tác động vào và mọi chuyện bắt đầu hỏng bét. Thế nên ở đây chúng tôi sẽ cố viết Terms & Conditions sao cho đỡ chán nhất…”
“Nếu nhân viên xe lửa tỏ ra bất lịch sự với bạn, bạn nên biết rằng những cử chỉ bình thường của nền văn hóa này có thể là bất lịch sự với nền văn hóa khác. Đó là chuyện thường. Vả lại ai cũng có thể trải qua một đêm không ngon giấc. Xin nhớ rằng chúng tôi chỉ ngồi trong một văn phòng ở Bangkok và không hề quen biết tài xế chở bạn đi. Người châu Á sẽ dập máy ngay lập tức nếu họ không hiểu tiếng nói của người ở đầu dây còn lại. Đừng bảo đấy là bất lịch sự. Người ta sẽ làm vậy nếu bạn nói tiếng Anh quá nhanh, hoặc tiếng Anh pha giọng Đức, giọng Pháp hay bất cứ thứ tiếng thổ tả nào. Nếu ai đó hét vào mặt bạn bằng tiếng Orcish thì bạn cũng dập máy thôi, đúng chưa nào?”
“Bạn có thể nối chuyến bằng máy bay, xe bus hoặc cưỡi lừa. Bằng cái gì cũng được, nhưng hãy nhớ để thừa khá khá thời gian cho việc nối chuyến.”
Và còn nhiều đoạn buồn cười nữa tôi không thể trích hết.
Sau hôm đó tôi đã tìm hiểu thêm về Terms & Conditions của các công ty nổi tiếng, và hóa ra những người vô danh viết Terms & Conditions không nhạt nhẽo chút nào. Terms & Conditions của Tumblr viết như sau:
“Bạn phải đủ ít nhất 13 tuổi để sử dụng Tumblr. Nói thật đấy. Đây là quy định khắt khe, dựa trên luật liên bang. Bạn có thể cãi rằng “Nhưng tôi 12,9 tuổi rồi!”. Xin lỗi, không là không nhé. Nếu bé hơn 13 tuổi thì đừng dùng Tumblr. Đi đòi bố mẹ mua cho Playstation 4 đi, hoặc mở sách ra mà đọc.
“Tumblr có thể xác định vị trí của bạn bằng công nghệ máy bay không người lái và các video truyền hình trực tiếp. Haha, không đâu, chúng tôi chỉ xem được địa chỉ IP hoặc bất cứ thông tin định vị nào bạn tự gắn vào bài viết. Thế thôi.”
Terms & Conditions của Github Security viết:
“Mọi dòng code đều được chúng tôi lưu ở tối thiểu ba máy chủ, để đề phòng trường hợp một thiên thạch nào đó rơi trúng data center của chúng tôi (và chúng tôi lạy giời để chuyện đó đừng xảy ra).”
Terms & Conditions của Medium viết:
“Vì Medium là không gian công cộng, và vì chúng tôi muốn nhiều ý tưởng khác nhau cùng được tồn tại, chúng tôi sẽ đặt ra vài quy tắc. Cũng chẳng có nhiều. Thực sự thì tất cả quy tắc đều muốn nhắc bạn một chuyện thôi: Đã đi bơi thì đừng đái ra bể.”
Đọc kỹ các bản Terms & Conditions này, tôi thấy các tác giả vô danh có một điểm chung là hài hước và khá đanh đá. Nét “đanh đá” này có thể xuất phát từ việc họ đã phải phục vụ nhiều khách hàng khó ở, và tỏ ra đanh đá là cách họ cảnh cáo những khách hàng mới. Ngoài ra, như tôi đã nói, vì hầu như chẳng có ai đọc Terms & Conditions, những người viết chúng ắt hẳn cảm thấy rất tự do và không thể tránh được việc viết ra những lời quá trớn. Mắng khách hàng trong Terms & Conditions cũng sướng như đái bậy giữa rừng: ta làm một việc bị cấm giữa thanh thiên bạch nhật nhưng chẳng ai nhìn thấy cả.