Tôi viết rất nhiều về phương pháp đọc sách, và câu hỏi tôi thường gặp nhất là:
“Đọc để làm gì nếu đằng nào tôi cũng sẽ quên?”
Paul Graham, founder của Y Combinator, một nơi chuyên ươm mầm những tài năng kinh doanh trẻ, cũng đặt câu hỏi tương tự trong tiểu luận How You Know:
“Tôi đã đọc Chronicles of the Fourth Crusade của Villehardouin ít nhất hai lần, có lẽ là ba. Thế nhưng nếu tôi phải viết ra tất cả những gì tôi nhớ về quyển sách, tôi ngờ rằng tôi không viết kín nổi một trang. Nhân nó lên hàng trăm lần, và tôi thấy ngợp khi nhìn vào giá sách của mình. Đọc sách để làm gì nếu tôi chẳng nhớ gì hết?”
Nhiều người cũng có nỗi sợ này, rằng chúng ta sẽ “đánh mất” tri thức mà chúng ta vừa rút được từ quyển sách.
Nỗi sợ ấy thực ra không có căn cứ.
Trước hết, nếu bạn yêu sách vở, trí nhớ không bao giờ là vấn đề đáng ngại. Nếu tôi đọc chỉ vì tôi thích thì quên cũng có sao đâu? Tôi sẽ thấy mỗi lần đọc đều như lần đầu tiên, cứ thế bao nhiêu lần tùy thích – đối với người yêu sách, còn món quà nào đáng quý hơn?
Nhưng nhiều khi ta đọc không chỉ vì thích. Chúng ta đọc để thu lượm thứ gì đó.
Có nhiều cách ghi nhớ những gì bạn đọc được (ghi chú, tóm tắt, giảng bài…), nhưng Paul Graham có một quan điểm thú vị hơn.
Quên Nhưng Không Quên
Nghĩ về việc quên sạch cuốn Chronicles of the Fourth Crusade, Graham nhận ra rằng dù ông quên những chi tiết như sự kiện, ngày tháng, ông lại nhớ một thứ quan trọng hơn:
“Để đánh giá xem mình học được gì từ Chronicles of the Fourth Crusade, tôi không hỏi xem mình nhớ những gì mà tôi nhìn vào mental model (hình mẫu trong tâm trí) của những cuộc thập tự chinh, Venice, văn hóa thời trung cổ, cuộc vây thành,…hoa trái của việc đọc sách có vẻ bé nhỏ, nhưng thực ra không phải vậy.”
Đọc sách không chỉ để nhớ tên, ngày tháng, sự kiện và lưu trữ nó trong đầu như một cái máy. Thông qua mental model, sách thay đổi thực tại mà chúng ta cảm nhận.
Mental model giống như cặp kính, nó làm thay đổi màu sắc và hình thù những gì ta nhìn thấy. Một phần nhỏ của sự cảm nhận thực tại là do di truyền hoặc văn hóa (người Mỹ và người Nhật tập trung vào những phần rất khác nhau trên cùng một bức tranh), nhưng phần lớn thế giới quan của chúng ta được hình thành qua trải nghiệm – và trải nghiệm ấy bao gồm cả những cuốn sách ta đọc.
“Thế giới quan của bạn là sự kết hợp giữa những gì bạn đọc và bạn đã trải qua. Ngay cả khi bạn quên, ảnh hưởng của nó đối với thế giới quan trong bạn vẫn tồn tại. Đầu óc bạn khi ấy giống như một phần mềm bạn viết ra nhưng đã quên mất code. Nó hoạt động, nhưng bạn không hiểu tại sao.”
Lấy Sherlock Holmes làm ví dụ. Tôi không nhớ được gì nhiều từ các câu chuyện, ngoài hình ảnh rời rạc về ma túy, chó…Tôi không nhớ ai giết ai hoặc Sherlock nói gì, nhưng cuốn sách cho tôi một điều: nó dạy tôi cách suy nghĩ.
Đọc Để Tạo Model
Không phải cuốn sách nào cũng giống nhau, từng trang trong cuốn sách cũng vậy.
Khi chúng ta đọc, có những câu hoặc ý tưởng nổi bật lên so với những cái khác.
Lăng kính tâm hồn của chúng ta sẽ lựa chọn và gạch chân nội dung phù hợp nhất vào thời điểm đó.
Dù mắt đọc tay giở từ trang đầu đến trang cuối nhưng thực ra chúng ta không bao giờ đọc được toàn bộ một cuốn sách – mental model đảm bảo rằng chỉ những thông tin phù hợp mới được tiếp nhận.
Khi tôi đọc sách, tôi tin tưởng vào cảm giác này.
Nếu có thông tin nào hiện rõ trong đầu tôi, khả năng cao là thông tin đó quan trọng. Vì vậy tôi viết ghi chú ra lề. Việc này giống như trò chuyện với tác giả, và nó giúp cập nhật model sẵn có trong đầu tôi.
Đọc Lại
Đọc lần thứ hai mà thấy hay hơn lần trước thì là sách tốt. Đọc lần thứ ba mới thấy hay hơn là sách vĩ đại. Sách nào không đáng đọc đi đọc lại thì không đáng đọc ngay từ đầu. – Nassim Taleb
Đây là mẹo thứ hai.
Nếu não chúng ta liên tục nâng cấp mental model, vậy thì chúng ta hóa ra không bao giờ nhìn thực tại theo một cách nhất định. Điều này cũng có nghĩa là bất cứ cuốn sách nào cũng sẽ khác đi nếu bạn đọc lại nó.
“Đọc và trải nghiệm luôn luôn được “lập trình” tại thời điểm nó xảy ra, sử dụng trạng thái của não vào thời điểm đó. Cùng một cuốn sách được đọc tại những thời điểm khác nhau sẽ được não tiếp nhận theo những cách khác nhau. Vậy thì những cuốn sách quan trọng cần phải được đọc lại rất nhiều lần. Trước kia tôi luôn luôn cảm thấy khó chịu khi phải đọc lại một cuốn sách. Tôi đã vô tình coi đọc cũng như những công việc khác, nghề mộc chẳng hạn, nơi mà “làm lại” chứng tỏ bạn đã làm sai nó lần đầu.” – Paul Graham
Seneca đã viết từ hơn 2000 năm trước:
“Người có vấn đề tiêu hóa thì chấm mút mỗi thứ một tí; thức ăn phong phú quá khiến dạ dày bị mệt mỏi chứ không được nuôi dưỡng. Vậy hãy luôn đọc những tác giả uy tín, và ngay cả khi bạn muốn quay ra đọc người khác, hãy cứ quay lại với những tác giả này. Mỗi ngày học một chút để tránh nghèo khổ, tránh cái chết, và cứ như thế, tránh mọi tai họa trên đời. Và khi bạn đã lướt qua nhiều đề tài, hãy chọn một thôi để suy nghĩ và tiêu hóa nó trong ngày hôm đó.”
Sau khi chán lang thang giữa hàng chồng sách trong thư viện, tôi luôn luôn quay về với một vài tác giả mà thôi. Và dù cho có quay lại bao nhiêu lần, họ luôn luôn nói với tôi những điều mới mẻ.
Chiếp dịch từ “It’s Okay to “Forget” What You Read” – Charles Chu