Antilibrary: Bạn chưa đọc bao nhiêu cuốn sách?

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Hồi Chiếp Class vẫn còn là một phòng học nhỏ tại gia, chỗ các bạn ngồi học cũng chính là phòng tôi làm việc (ở một thời xa xưa hơn, nó kiêm luôn…phòng ngủ; học sinh nằm bò ra giường tôi học là chuyện bình thường). Ở cuối lớp tôi kê một giá sách lớn phủ kín cả bức tường. So với một thư viện mini tại nhà, số sách thế cũng là kha khá. Nhìn cái giá ấy, học sinh cứ 10 người thì 11 người hỏi là anh đã đọc hết chỗ sách này chưa? Đây thực sự là một câu hỏi khó.

Phòng học cũ của chúng mình

Nếu trả lời là chưa, mọi người sẽ nghĩ tôi là một ông giáo sư dỏm, mua sách về bày để dọa trẻ con. Mà như thế thì các bạn sẽ không học tôi nữa, tôi sẽ không lấy đâu ra tiền mua cá ngừ cho mèo Sữa Chuauống Campari mỗi chiều. Nhưng trả lời là đọc hết rồi thì thành ra nói dối, vì rất nhiều sách tôi mua cất đó mà chưa có thời gian đọc, hoặc không bao giờ muốn đọc nữa.

Mà tình huống khó xử này không chỉ riêng tôi gặp phải. Những người sở hữu một giá sách đủ lớn sẽ luôn bị khách đến chơi hỏi như vậy. Giáo sư Umberto Eco, một học giả nổi tiếng uyên bác với kho sách hơn 30.000 cuốn, bị hỏi câu này hàng ngày, và ông nghĩ ra hai cách trả lời. Phương án một: “Không. Đây chỉ là những sách tôi sẽ đọc vào tuần tới thôi. Những cuốn tôi đã đọc nằm ở trường đại học cả rồi.” Phương án hai: “Tôi chưa đọc quyển nào cả. Nếu đọc rồi thì tôi còn giữ làm gì?” Và tất nhiên còn nhiều cách trả lời chua ngoa khác nữa, nếu bạn muốn vị khách của mình phải xấu hổ hoặc giận dữ ra về.

Mèo Sữa Chua của mình

Antilibrary là gì?

Sự thực là dù kho sách của bạn bé cỡ nào, sẽ luôn luôn có vài cuốn sách bạn chưa đọc, Và nếu giá sách của bạn đủ lớn, con số ấy có thể lên tới vài ngàn. Trong cuốn Thiên Nga Đen, Nassim Taleb đặt tên cho những cuốn sách chưa đọc là antilibrary (phản thư viện):


Nhà văn Umberto Eco thuộc vào một tầng lớp hiếm hoi gồm các học giả uyên bác, thâm trầm nhưng không bị tẻ nhạt. Ông sở hữu một thư viện cá nhân khổng lồ (gồm ba mươi nghìn cuốn sách), và ông chia khách đến nhà thành hai loại: những người nói “Woah! Thưa giáo sư tiến sĩ Eco đáng kính, ông có cái thư viện lớn ghê. Ông đã đọc bao nhiêu quyển trong số này rồi?” và một thiểu số khác, những người hiểu rằng thư viện cá nhân không phải một thứ để đem khoe nhưng là một công cụ nghiên cứu.

Những cuốn sách chưa đọc có giá trị cao hơn những cuốn đã đọc. Một thư viện riêng nên chứa càng nhiều kiến thức chưa biết càng tốt, miễn là khả năng tài chính  […] cho phép bạn làm điều đó. Càng già bạn sẽ càng tích lũy được nhiều sách và kiến thức, và đống sách chưa đọc phình ra theo năm tháng sẽ làm bạn phát sợ. Thật vậy, bạn biết càng nhiều thì số sách bạn chưa đọc càng tăng. Ta hãy gọi tập hợp những cuốn sách chưa đọc này là phản thư viện (antilibrary).”*

Nhà văn Umberto Eco

Có bao nhiêu cuốn sách trên trái đất?

Bạn không nên cảm thấy tội lỗi vì còn quá nhiều sách mình chưa đọc.

Thứ nhất, về mặt lý thuyết, bạn không thể nào đọc hết tất cả sách trên đời. Năm 2010, khi bắt tay vào dự án Google Books, hãng Google đã sử dụng thuật toán để kiểm kê số lượng tất cả sách từng được xuất bản trên toàn thế giới. Kết quả là tính đến 2010, có khoảng 130 triệu cuốn sách trên trái đất (chính xác là 129,864,880). Nhưng chúng ta cần nhớ rằng thuật toán này chưa chính xác 100%, và đây là số liệu của 8 năm trước. Google không tiên đoán được xu hướng tự xuất bản (self publishing) nở rộ sau đó: chỉ riêng năm 2013 đã có khoảng nửa triệu đầu sách tự xuất bản ra đời. Vậy chúng ta có thể thoải mái cộng thêm vài triệu vào con số trên và làm tròn thành 150 triệu.

Giả sử bạn là một người đọc hoàn hảo (a perfect reader), tức là bạn không làm gì cả, chỉ đọc sách từ sáng đến tối thôi, và mỗi ngày bạn đọc được một cuốn sách (cuốn dày bù trừ cho cuốn mỏng, Chiến Tranh và Hòa Bình của Leo Tolstoy bù cho Hóa Thân của Kafka chẳng hạn), thì nếu bạn bắt đầu đọc mỗi ngày, từ năm 10 tuổi cho đến năm 90 tuổi, bạn chỉ đọc được 365 x 80 = 29.200 cuốn, tức là 0.019% số sách trên toàn thế giới. Bạn đọc lại nhé: 0.019%, tức là 1/5o của 1% ! Phần lớn chúng ta không phải người đọc hoàn hảo, vậy số sách chúng ta đọc thậm chí còn ít hơn rất nhiều.

Độ dày của Chiến Tranh và Hòa Bình

Nhưng bạn không nên tự ti về điều này. Một người nổi tiếng uyên bác như Umberto Eco cũng phải công nhận rằng có quá nhiều sách, ngay cả việc đọc hết những sách quan trọng của chỉ một nền văn hóa thôi cũng là bất khả thi. Chưa kể có những cuốn sách rất dài. Ai dám nhận mình đã đọc Finnegans Wake từ trang đầu đến trang cuối? Ai đã đọc hết Kinh Thánh, từ Sáng Thế cho đến Khải Huyền? Umberto Eco nhận xét là ngay cả những người có vẻ uyên bác như các giáo sư đại học, nhiều khi chưa từng đọc những sách mà họ vẫn giảng cho sinh viên nghe.**

Ở giả định về perfect reader, chúng ta mới tính tới thời gian đọc sách mà chưa tính tới yếu tố ngoại cảnh: dù bạn có thể sống cả ngàn năm, bạn cũng không thể đọc hết sách trên đời được, vì có những cuốn sách mà bạn khó chạm tới (sách trong thư viện của nhà Rothschild hoặc thư viện riêng của sử gia Gibbon chẳng hạn) hoặc bạn không hề biết nó tồn tại.

Hồi Emmanuel Le Roy Ladurie còn điều hành Thư viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale), ông cho tiến hành một cuộc kiểm kê lớn và phát hiện ra hơn 2.000.000 cuốn sách chưa hề được hỏi mượn một lần nào kể từ khi chúng được in ra khoảng năm 1820, tức là từ thời Cách Mạng Pháp. Chúng là những cuốn sách bị cả loài người lãng quên.

 

Mua sách để làm gì?

Vậy bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi về việc mua sách mà không đọc. Nếu đủ tiền và cảm thấy thích, bạn cứ việc mua và chất đầy ra đấy như tôi thôi, chả sao cả. Nó cũng giống như sưu tầm rượu vang vậy: bạn xây một hầm rượu và gom về đủ loại rượu thượng hạng, nhưng bạn không nhất thiết phải uống hết tất cả chỗ rượu đó. (Uống hết để làm gì, khi mà chỉ cần biết mình đang sở hữu một hầm mỹ tửu đã đủ khiến cho bạn phê rồi.)

 

Phòng sách của tôi, ảnh chụp thời sinh viên

Chưa kể rằng việc mua sách thường xuyên còn dẫn đến những phần thưởng bất ngờ. Trong cuốn How to Write a Thesis, Umberto Eco kể rằng hồi đang làm luận án tiến sĩ, ông bị kẹt ở một vấn đề khó giải quyết. Umberto đi chợ và tình cờ nhìn thấy một cuốn sách đóng bìa đẹp nên mua. Tác giả là một tu sĩ vô danh và cuốn sách chẳng liên quan gì đến đề tài ông đang nghiên cứu, nhưng ông mở nó ra, đọc một dòng vu vơ và bỗng vấn đề hóc búa được giải quyết. Hai mươi năm sau, Umberto Eco muốn chỉ cho một người bạn đoạn văn khai sáng trí tuệ đó. Umberto mời bạn về nhà, rót hai ly whiskey, bắc thang trèo lên giá sách, phủi bụi và mở trang sách định mệnh ấy ra khoe. Ông đọc một lần, và quá ngạc nhiên, ông đọc lại: Umberto không thấy đoạn văn mà ông “nhớ như in” đâu nữa. Hóa ra vị tu sĩ vô danh kia không hề viết bất cứ thứ gì trực tiếp giúp Umberto giải quyết vấn đề, nhưng việc mua cuốn sách kỳ cục đó và mở nó ra đọc vào một ngày định mệnh nào đó đã khiến ông có một ý tưởng xuất thần.

Vậy bạn cứ mua sách và cất vào đó thôi. Hãy coi nó như một món đầu tư dài hạn: sẽ có ngày bạn mở vu vơ một cuốn sách bị lãng quên và phát hiện ra những ý tưởng đắt giá vô cùng.


 

*Đoạn này do tôi tự dịch từ cuốn The Black Swan. Bản dịch tiếng Việt quá kém, tôi không muốn dùng.

**Để đúng với tinh thần bài viết, tôi xin thú nhận là tôi chỉ đọc vài trang đầu cuốn Thiên Nga Đen.

 

Tài liệu tham khảo:

The Black Swan: The Impact of the Highly Improbable (Nassim Nicholas Taleb. Random House, 2007)

This is Not the End of the Book (Umberto Eco – Jean-Claude Carrière. Harvill Secker, 2011)

How to Write a Thesis (Umberto Eco. MIT Press, 2015)

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link