Tôi bắt đầu học tiếng Anh vào năm 2005 và tự học, không có người hướng dẫn. Sau khoảng hơn nửa năm miệt mài, một hôm tập nghe BBC, tôi phát hiện mình đọc sai gần như toàn bộ những từ đã học. Vô cùng cay đắng (gần như phát điên), tôi đi tìm nguyên nhân, cuối cùng phát hiện ra lý do là vì quyển từ điển tôi dùng người ta viết sai ký hiệu ngữ âm của gần như tất cả các từ trong đó. Đây là thủ phạm làm lãng phí nửa năm của tôi:
Ai từng học đàn guitar đều biết chỉ cần bấm dây sai cách trong vài tuần thì đến lúc sửa lại để ngón tay vuông góc với cần đàn, tay sẽ đau vô cùng và những lúc vô thức, bao giờ các bạn cũng tự động trở về kiểu bấm sai.
Tại Chiếp’ Class, trước khi bắt đầu mỗi khóa học, việc đầu tiên tôi làm là hướng dẫn các bạn chọn một quyển từ điển tốt. Vậy một quyển từ điển như thế nào được gọi là tốt?
Anh –Anh hay Anh – Việt?
Sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải khi khởi sự học tiếng Anh, đó là đi ra hiệu sách mua ngay một quyển từ điển Anh – Việt.
Đời tôi chưa gặp ai dùng từ điển Anh – Việt mà nói tiếng Anh ra hồn.
Đây là hai lý do:
i) Thiếu chính xác.
Từ điển AV có vẻ luôn luôn in sai ký hiệu ngữ âm.
Bạn nào đi học lớp Méo rồi thì sẽ biết tiếng Anh là thứ tiếng không thể đánh vần, và cách duy nhất để đọc chuẩn một từ mới là tra từ điển để xem ký hiệu ngữ âm. Thế nhưng trong số các từ điển AV mà tôi được đọc, không có cuốn nào in chuẩn chi tiết này. Ký hiệu luôn luôn không đồng nhất và trọng âm bị đánh sai tùm lum.
Hiện nay phần lớn các từ điển nước ngoài đều dùng bảng ký hiệu IPA (cũng là bảng tôi dùng tại lớp Méo), nhưng đọc từ điển AV thì không hiểu các ông ấy dùng bộ ký hiệu gì? Ngoài ra, nghĩa của từ không đầy đủ, không chính xác hoàn toàn và các cụm phrasal verbs được giải thích rất cẩu thả.
ii) Ngăn cản tư duy tiếng Anh
Có một lần tôi đọc bài báo của Lý Lan (dịch giả bộ Harry Potter) đăng trên SVVN, chị nói rằng người giỏi tiếng Anh không phải người có thể phân biệt ý nghĩa tinh tế giữa các từ na ná nhau hoặc làm chính xác các bài tập ngữ pháp.
Giỏi một ngôn ngữ gì tức là phải suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó. Suy nghĩ bằng tiếng Anh tức là khi nghe thấy từ “cat”, đầu các bạn sẽ không nghĩ đến chữ “mèo” mà nghĩ ngay đến hình ảnh một con bốn chân nhiều lông. Các bạn không thể luyện được cách suy nghĩ như vậy nếu cố dịch mọi từ ra tiếng Việt.
Tuy nhiên, nếu bạn mới bắt đầu và vẫn muốn sử dụng từ điển AV, tôi khuyên bạn chỉ nên dùng cuốn này: Collins GEM Vietnamese Dictionary. Từ điển Collins đối với người học ngôn ngữ cũng giống như hiệu Behike đối với người hút xì gà: cái tên cũng đủ nói lên đẳng cấp.
Sách tương đối mỏng vì mới được nghiên cứu và biên soạn chưa lâu. Ở Hà Nội, các bạn có thể mua tại Nhà sách Xunhasaba, 32 Hai Bà Trưng, giá chắc tầm 100k.
Nếu dùng điện thoại, đây là địa chỉ download
Từ điển dày hay mỏng?
Sau khi đã quyết tâm mua một quyển từ điển Anh-Anh, việc tiếp theo bạn phải cân nhắc là mua một quyển từ điển to cỡ nào? Lát nữa tôi sẽ bàn đến các nhà xuất bản, trong mục này chỉ bàn đến độ dày mỏng thôi. Nhà sách gần các trường đại học và trên Đinh Lễ thường bán những cuốn từ điển rất xinh của Oxford, nhỏ gọn cho vào túi được và giá phải chăng, cỡ 100k.
Lợi ích: bạn có thể mang nó ra hàng café, bày lên bàn và ngồi lướt facebook trên điện thoại, tất cả mọi người sẽ nghĩ “Trông kìa, cô ấy thật hiện đại, năng động, và cô ấy đang học tiếng Anh nữa chứ!”
Từ điển mỏng đồng nghĩa với: ít từ, không đủ nghĩa cho mỗi từ, và thiếu các phụ lục quan trọng (như cách đọc số, đơn vị đo lường, các mẫu câu thông dụng, etc.)
Đừng bao giờ mua những cuốn từ điển mỏng, vì sau khoảng 3 tháng bạn sẽ lại tốn tiền mua một cuốn dày hơn. Tôi đã từng thử học qua 6 ngoại ngữ (giờ chỉ còn nhớ tiếng Anh) là Anh, Nhật, Trung, Tây Ban Nha, Đức và Latin, chỉ duy nhất có tiếng Latin là phải mua từ điển loại nhỏ vì bộ to giá khoảng 5 triệu và rất hiếm, ngay cả ở Mỹ cũng khó mua được.