Một cái chết nhẹ nhàng có lẽ là ước mơ của những ai từng chứng kiến người thân qua đời hoặc tự mình đang trong cơn nguy kịch. Người VN luôn quan niệm rằng ai có phúc lắm mới được chết không bệnh tật hay đau đớn. Cụ ngoại tôi ở quê là một người được cái phúc ấy. Tôi nghe kể là cụ mất trong giấc ngủ trưa: cả làng ai cũng nói phải ăn ở tốt lắm mới được ra đi nhẹ nhàng như thế.
Thật vậy. Cái chết luôn đến với chúng ta bất thình lình. Nào đâm xe, nào đuối nước, nào súng đạn dao kiếm, nào bệnh tật hiểm nghèo, nào kẻ khác hãm hại…Không chỉ bất ngờ, những cái chết ấy thường còn đau đớn.
Đối diện với cái chết và đạt tới cái chết nhẹ nhàng là một nội dung lớn trong nhiều tôn giáo. Nhưng để đạt tới tình trạng đó, tín đồ cần nỗ lực rất nhiều. Hoặc phải tu tập, hoặc làm việc tốt, giữ đạo đức, để vui lòng đấng tối cao của đạo mình hay để chứng đắc một đạo quả. Đạt tới giác ngộ hoặc những tình trạng siêu thoát tương tự là điều ít người phàm tục có thể làm được, cho nên nhiều người bắt đầu nghĩ về phương án trợ tử thông qua y học, để sự ra đi của mình bớt đáng sợ hơn.
Về lý thuyết thì rất dễ. Chỉ cần bạn đồng ý và một bác sĩ đồng ý giúp, thế là xong rồi. Nhưng thực tế sẽ có quá nhiều thứ ngăn bạn và bác sĩ lại. Thứ nhất là bạn. Lúc đó bạn còn dám kiên quyết chết hay không? Bản năng sinh tồn có lẽ sẽ khiến ta đổi ý vào phút chót, dù đang trong cảnh đau đớn đến mấy. Tôn giáo cũng là một rào cản. Theo tôi biết, không một tôn giáo lâu đời nào cho phép tự t.ử, và hành động gi.ết người dù vì lý do gì đều bị cấm tuyệt đối. Luật pháp trên khắp thế giới cũng cấm gi.ết người, dù với mục đích gì chăng nữa. Vì thế, dù muốn giúp, người hỗ trợ cũng khó dám bước qua lằn ranh tín ngưỡng và pháp luật.
Ngay cả khi bạn đồng ý và bác sĩ là một người vô thần sống trên một hòn đảo hoang không luật pháp, đạo đức con người cũng ngăn chuyện này xảy ra. Tôi tin ít có bác sĩ nào đủ dũng khí để kết thúc mạng sống của người khác, vì việc này có thể ám ảnh họ suốt phần đời còn lại, dù đúng hay sai. Ngay cả trong trường hợp thực thi luật pháp, người ta còn phải tìm đủ cách giảm bớt gánh nặng đạo đức cho người ra tay. Mẹ tôi kể ngày xưa ở quê xem xử bắn tội phạm, người ta bố trí tới 5 ông bắn, để không ai phải dằn vặt rằng phát súng của mình đã giết chết một con người, kể cả khi người ấy đã phạm tội. Các bác sĩ mang thề cứu người của Hippocrates có lẽ còn dằn vặt gấp trăm lần nếu họ buộc phải chấm dứt một mạng sống.
Vì bản chất phức tạp liên quan đến đạo đức, tôn giáo và pháp luật nên trên thế giới hiện chỉ có 4 quốc gia Châu Âu, Canada và một số bang ở Mỹ cho phép trợ tử. Thụy Sĩ là nơi duy nhất cho phép việc trợ tử được thực hiện bởi một người không phải là bác sĩ. Ngay cả ở những nơi đã được công nhận, nó vẫn là đề tài tranh cãi lớn trong xã hội. Phương Tây đi trước chúng ta hàng trăm năm còn thế; vậy ở VN chuyện hợp thức hóa trợ tử, hay thậm chí chỉ là một cuộc tranh luận trong xã hội để xét tính đúng đắn của nó, còn nằm ở tương lai rất xa. Một giải pháp được tất cả đồng tình có lẽ cũng không bao giờ xuất hiện. Vậy chúng ta chỉ còn biết sống cho trọn vẹn mỗi ngày, để nếu ngày mai không được dậy nữa, ta cũng không còn gì ân hận vậy.