TÂN GIA BA KHÔNG NGỒI

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Ngày xưa ông Trịnh Công Sơn sáng tác bài hát Ngẫu Nhiên có câu “Mệt quá đôi chân này/ tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”. Trịnh Công Sơn hát được thế là vì ông sống ở Sài Gòn, nơi có nhiều ghế đá khắp nơi. Chứ đẻ lệch đi vài vĩ tuyến xuống Tân Gia Ba (Singapore ngày nay) thì ông ấy sẽ phải hát “Mệt quá đôi chân này/ đếch có ghế phải đi tiếp thôi”. Thật vậy; ai tinh ý sẽ thấy người Singapore không hề lắp ghế ngoài đường.

Tôi phát hiện ra chuyện này trong chuyến đi từ Thái Lan sang Singapore năm 2016. Đi đâu tôi cũng thích tản bộ ngắm phố. Mà đã cuốc bộ thì sẽ có lúc mỏi chân muốn nghỉ. Mà muốn nghỉ phải có ghế để ngồi. Ở khắp Thái Lan, tôi dễ dàng thấy ghế băng trên phố, ở bến tàu hay ở những nơi nhiều người đi bộ. Như ở mall chẳng hạn. Ở Siam Centre, MBK hay Terminal 21, người Thái luôn lắp ghế băng trên lối đi để khách mua sắm ngồi cho đỡ mỏi chân hoặc sắp xếp lại đồ đạc túi xách. Ở Thái Lan suốt 1 tháng trời, đi đâu tôi cũng có thể nhìn thấy ghế ngoài đường. Nếu bí quá, tôi có thể ngồi phệt đít trước cửa một cái 7 Eleven bất kỳ mà không bị ai nhìn với ánh mắt kỳ quặc. Ở HN, những chỗ hay có người đi bộ như hồ hay công viên luôn có rất nhiều ghế đá. Ở SG hình như ít ghế hơn nhưng người dân cũng thoáng hơn và sẵn sàng trải giấy báo trên nền đất để uống cà phê. Tóm lại là được ngồi.

Nhưng một lữ khách đi dạo Singapore không bao giờ được ngồi. Khắp cả Singapore tôi không thấy một cái ghế băng nào từ ngoài phố, ga tàu cho đến shopping mall. Người Singapore ai cũng đang đứng hoặc đang đi. Không có ai ngồi nơi công cộng. Nếu muốn ngồi, bạn chỉ có cách ghé vào một quán café hoặc một food court để mua đồ ăn uống, tức là phải trả tiền để được đặt mông xuống ghế.

Có lẽ bạn đang nghĩ nếu không có ghế thì cứ ngồi tạm lên miệng bồn hoa hay bậc thang là được, hoặc cùng lắm ngồi xổm đi. Nhưng nếu bạn làm thế ở Singapore, tất cả sẽ nhìn bạn như thể bạn quên mặc quần. Không ai ngồi ngoài đường cả. Dù là chờ vào nhà hàng hay chờ tàu MRT, tất cả đều đứng. Ngồi ngoài đường có vẻ là một tư thế nhếch nhác trong mắt người Singapore.
Hồi ấy vừa từ Thái sang nên chỉ đi chơi một ngày ở Singapore tôi đã phát hiện ra chuyện “seatless” này. Tôi kể cho một người bạn sống ở Singapore lâu năm nhưng chính bạn tôi lúc ấy cũng mới để ý rằng Singapore quả thực không có ghế nơi công cộng. Thế là chúng tôi nghĩ ra vài giả thuyết.

Bạn tôi cho rằng không có ghế là để triệt tiêu người vô gia cư. Ghế đá là chỗ ngủ cho những người lang thang không nhà cửa; khắp thế giới đều như thế. Bỏ ghế đi thì họ hết chỗ ngủ, và như thế người vô gia cư khó sống nổi ở Singapore; họ buộc phải đi nơi khác. Rồi chúng tôi lại nghĩ tiếp là cha lập quốc của Singapore, ông Lý Quang Diệu, là một người rất chăm chỉ và quy củ; có thể ông cố tình tạo nên một quốc gia seatless để bắt người dân phải đi bộ nhiều…cho khỏe và đỡ béo phì.

Một nhà báo Úc đến thăm Singapore năm 2010 cũng phàn nàn về chuyện nước này không có ghế, nhưng bà cao kiến hơn chúng tôi. Bà cho rằng tình trạng seatless ở Singapore là một dạng kiểm soát xã hội. Không có ghế ngồi ngoài trời buộc người ta phải ra đường có mục đích. Hoặc đi ăn uống, hoặc đi mua sắm, hoặc đi học đi làm. Singapore không khuyến khích công dân ngồi thẩn thơ ngoài đường. Không có chiếc ghế nào cho người nghệ sĩ ngồi bên lề đường chiêm nghiệm về cuộc sống hay để người bộ hành dừng lại ngắm ánh hoàng hôn. Một quốc gia seatless là một quốc gia purposeful. Có lẽ đó là thâm ý của người Singapore chăng? Tôi không biết, nhưng đột nhiên tôi thấy hạnh phúc vì được sinh ra ở một nơi chính phủ cho phép tôi ngồi ngoài đường mà chẳng làm gì cả.

Presto - 29 November 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link