Bây giờ ai đi mua ai phôn trả góp chắc cũng tưởng chỉ mình mới biết sống “on credit”, tiêu trước trả sau như tây. Họ quên là người VN đã biết sống lối “credit” từ hai chục năm trước, dưới một hệ thống tín dụng gọi là CHỊU.
Bán chịu, mua chịu, ăn chịu, uống chịu, hút chịu. Cái gì cũng chịu được. Từ “chịu” đã biến mất khỏi tiếng nói hàng ngày quá lâu, cho nên năm 2019 khi người ta dịch cuốn Mort à crédit của Céline thành “Chết Chịu”, tôi chịu ông nào dịch là giỏi quá! (Đi mua sách mới biết là ông Dương Tường).
Bây giờ mua trả góp phải cầm chứng minh theo và bị tính lãi, nhưng ngày xưa đã “chịu” thì chỉ cần nói mồm là xong, và chẳng tính lãi bao giờ. Đến cả trẻ con cũng có thể mua chịu. Ký ức sớm nhất của tôi về vụ này là đi mua kẹo mút chịu của bà hàng nước đầu ngõ hồi 5 tuổi. Kẹo mút không phải loại ngon lành như Chúp-pa-chúp bây giờ đâu, mà chỉ là mẩu nhựa rởm hình thanh kiếm, ở trên đắp một cục kẹo màu xanh đỏ bọc đường, giá 100đ. Bà hàng nước đồng ý bán chịu cho tôi nhưng đến chiều lại mách lẻo cho bố mẹ, làm tôi ăn kẹo xong phải ăn thêm một trận dép vãi đái.
Người ta có thể cho nhau “chịu” bất cứ thứ gì, từ mua quà ăn sáng, uống cốc nước chè, cho đến bữa cơm bụi, cái bòng đèn, cái quạt Điện Cơ… Nếu xem lại bộ phim Phía Trước Là Bầu Trời, bạn sẽ thấy cảnh các ông sinh viên ngày xưa đi ăn cơm chịu đến cả nửa tháng được. Tất nhiên họ chỉ bán chịu cho người quen, nhưng phạm vi quen hồi xưa khá rộng. Mọi người trong bán kính 1-2km vẫn có thể biết mặt biết tên nhau, vì chỗ giao lưu chưa nhiều và công việc mọi người hay phải đi ra đường hơn nên gặp nhau suốt (bây giờ ông hàng xóm tên gì chúng ta cũng chả quan tâm). Trong vòng tròn xã hội được định hình bởi khoảng cách đi bộ và đi xe đạp, bạn có thể “sống chịu” khá dễ dàng. Người bán người mua tính bằng mồm với nhau, ta chỉ viết sổ hoặc ký tên với những ông mua chịu dai quá, hoặc có tiền sử “bùng”, hoặc với những món hàng lớn như cái quạt. Còn lại hệ thống credit CHỊU của người VN chủ yếu hoạt động bằng mồm và bằng trí nhớ.
Hệ thống CHỊU là di sản đẹp của một thời kỳ con người còn tin nhau và tin vào danh dự cá nhân.