Chỗ ăn uống vỉa hè như hàng ốc, hàng bún, quán café thường bị bủa vây bởi những người xin tiền. Họ có thể là ăn mày, có thể bán tăm, cũng có thể là mấy anh vác loa thùng đi hát để bán kẹo cao su. Dù bán hay xin gì đi nữa, tôi luôn thấy rất khó xử khi đứng trước những người này, bởi vì trong lòng tôi luôn tự hỏi tôi đang bố thí cho người nghèo khổ hay đang bị lợi dụng.
Hồi xưa đọc báo tôi có biết những đường dây đánh đập trẻ em và người già để ép họ đi ăn xin. Vậy nếu tôi cho tiền họ, chẳng phải tôi đang tiếp tay cho kẻ xấu ư? Vả lại ăn xin không phải ai cũng khổ. Có những người trẻ khỏe mà lười lao động; ăn xin với họ là nghề kiếm bộn tiền, chẳng khác gì lừa đảo. Hồi còn làm trông xe cho quán bar, chính mắt tôi đã trông thấy những người ăn xin giả vờ. Tôi nhớ nhất một ông bán tăm ngồi xe lăn lăn đi lăn lại dọc Mai Hắc Đế chán ra không ai mua. Được một lúc thì ông QUÈ này ĐỨNG THẲNG DẬY, gập gọn xe lăn xách bên hông rồi bắt taxi bỏ đi chỗ khác!
Về sau có người bảo tôi rằng người ta xin ăn thật hay giả vờ không quan trọng. Quan trọng là mình đã phát tâm từ thiện và giúp đỡ, còn họ lừa dối thế nào kệ thôi. Nhưng ngay cả khi nghĩ được như thế, sự sỗ sàng và dọa nạt của nhiều người ăn xin lại khiến tôi không muốn giúp nữa.
Ai hay đi dạo bờ hồ chắc sẽ nhớ hồi 2010s ở hồ gươm có một bọn ăn xin cực lưu manh. Bọn này cố làm cho mặt trông gớm ghiếc rồi xin tiền bằng cách quỳ xuống ôm chân hoặc dí sát mặt nó vào mặt mình kêu van. Nếu không cho, nó sẽ gằn giọng chửi bậy và nhổ nước bọt vào người. Chiêu doạt nạt xin tiền này nhiều người dùng lắm. Có hôm tôi đang ăn bún ở Bạch Mai thì một bà già làm mặt khổ sở mời tôi mua kẹo. Nài 3 lần tôi không mua, mặt bà già đanh lại rồi giơ nắm đấm vào mặt tôi mà bảo “Mày là con chó”. Thử hỏi bị như thế thì còn ai muốn đồng cảm với ăn xin?
Vậy bạn thì sao? Bạn có cho tiền những người xin ăn ở hàng quán không, và lúc đó bạn nghĩ gì?