Tôi không có thiện cảm với những ngày lễ như 8/3 hay 20/10. Vào những ngày ấy tôi có cảm giác đàn ông bị ép phải tặng quà “phát chẩn” còn phụ nữ sẽ thấy tủi thân nếu không được quà, mặc dù ngày thường không nói chúng tôi vẫn tặng đầy thứ.
Tặng quà vào sinh nhật thì rất hợp lý; nhưng 8/3 là ngày gì mà tặng quà?
Nó là ngày do phụ nữ phương tây đặt ra để kỷ niệm dấu mốc cho cuộc đấu tranh đòi bình đẳng trong xã hội của họ, bao gồm quyền bầu cử và cải thiện điều kiện lao động. Phụ nữ VN đã góp phần gì vào cuộc đấu tranh ấy? Nếu có một người ngoài hành tinh xuống đây chơi đúng ngày 8/3, người này có lẽ rất ngạc nhiên khi được giải thích rằng nữ giới VN hôm nay phải đi ăn uống và nhận quà để kỷ niệm công lao đấu tranh của…những người phụ nữ nước khác(!?).
Trên thực tế, các cuộc đấu tranh nữ quyền ở tây chưa bao giờ diễn ra vào ngày 8/3. Chỉ sau khi người ta thống nhất chọn nó làm ngày kỷ niệm (năm 1914) thì họ mới hay đi biểu tình vào ngày ấy. Ngày 8/3/1917 ở Saint Petersburg, cuộc biểu tình của phụ nữ Nga khiến Sa Hoàng phải thoái vị, góp công rất to vào Cách Mạng Tháng Mười. Vì thế sau khi giành thắng lợi, những nhà cách mạng của Liên Bang Xô Viết đã đặt 8/3 là ngày lễ, và các nước chịu ảnh hưởng Nga Sô cũng bắt chước theo. Hiện tại chỉ còn rất ít nước công nhận ngày này, bao gồm VN và một số quốc gia lẩm cẩm như Campuchia hay Belarus. Còn ở phương tây, tuy 8/3 do họ nghĩ ra, từ lâu họ đã chẳng nhắc đến nó nữa. (Nhưng chúng ta chẳng có công gì lại cứ nhắc suốt).
Vậy ngày 8/3 chẳng liên quan gì đến phụ nữ VN cả, chúng ta chỉ ăn theo. Nhưng ăn theo cũng không sao. Nước ta được bao nhiêu người theo đạo Thiên Chúa? Nhưng Noel ta vẫn ra đường ăn uống và tặng quà nhau bình thường. Nếu coi nó là cái cớ để trong năm có thêm một ngày ăn uống vui vẻ và tặng quà thì ok. Nhưng truyền thông VN hay đặt vấn đề 8/3 là ngày tôn vinh phụ nữ hay đấu tranh quyền lợi này nọ thì hơi quá. Ở những đô thị lớn như HN hay SG, nơi người ta ăn mừng 8/3 cực to, phụ nữ có lẽ không bị đối xử tệ đến mức phải đấu tranh. Trên thế giới vẫn có những nơi phụ nữ không được học chữ, không được ra đường hoặc phải che kín cơ thể; họ có lẽ cần 8/3 hơn chúng ta nhiều.