NGHE ROCK Ở HÀ NỘI: THẬP NIÊN 2000S

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Ở HN, nhạc rock từ lâu đã lùi vào dĩ vãng. Đâu đó vẫn còn CLB rock trường ĐH hay một vài nhóm nhỏ sinh hoạt cùng nhau, nhưng nó chỉ là thứ lửa lay lắt luôn chực tàn, trái hẳn với cơn bão lửa rockmetal giật tung đầu óc giới trẻ thủ đô những năm đầu 2000.

Ngày nay thích band nhạc nào bạn chỉ việc lên Spotify hoặc Youtube nghe, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Nghe xong mà hâm mộ quá bạn lên mạng đặt merch của ca sĩ; rất nhiều đồ có sẵn ở VN hoặc nếu ship từ nước ngoài cũng chỉ 1 – 2 tuần đã đến tay. Hâm mộ nữa thì book vé ra nước ngoài nghe concert cho đã, căng lắm chỉ mất 1 tháng lương mà lại được mắt thấy tai nghe thần tượng, đời còn cái sướng nào dễ hơn nữa không?

Thế nhưng 20 năm trước, 8X với 9X hâm mộ nhạc rock khổ hơn nhiều. Trước hết là dù hâm mộ, chúng tôi không có nhạc mà nghe. Băng đĩa nhập khẩu không dành cho bình dân, còn mạng internet mới chỉ xuất hiện dưới dạng dial-up, tức là nối chung với dây điện thoại, không thể nghe nhạc qua đó được.

Nguồn nhạc duy nhất là radio. Không có chương trình nào chuyên về rock, nhưng thi thoảng sẽ có thính giả yêu cầu một bài hát của Scorpion hoặc Guns n’ Roses, chúng tôi phải rình thu lại vào băng trắng, hoặc nghèo hơn thì thu vào một cuộn băng vứt đi, nhưng âm thanh sẽ không tốt bằng. Vì phải rình bấm tay thủ công nên nhạc kiểu này thường không bao giờ bắt đầu một cách bình thường. Hoặc nó lẫn mấy câu nói của phát thanh viên giới thiệu bài hát, hoặc chỉ thu từ giữa bài vì bài hát xuất hiện bất ngờ chưa kịp nạp băng. Đáng kể là một số radio có nút bấm kêu to thì trong bài hát sẽ có hai tiếng “cạch” ở đầu và cuối bài hát do bấm nút. Do ít nhạc và thu mất công như thế nên chúng tôi nghe rất kỹ, dù không biết tiếng Anh vẫn có thể hát lơ lớ được điệp khúc. Hạn chế lớn nhất là chỉ nghe được một số bài rock ballad hoặc nói cách khác là “rock nhẹ”; chớ không ai chơi metal trên đài nhà nước cả.

Sau thời kỳ băng cát xét là thời kỳ burn đĩa CD. Mạng dial-up chậm như con rùa bị thế chỗ bởi mạng cáp đồng ADSL, cho đường truyền internet nhanh hơn đủ để nghe nhạc trực tiếp và xem phim 480p. Từ đây một chân trời mới mở ra với người nghe nhạc nói chung và fan nhạc rock nói riêng. Với một cái máy tính kết nối ADSL, chúng tôi có thể nghe mọi band nhạc trên đời, từ sến như Bức Tường đến mạnh mẽ như Metallica, từ du dương như Stratovarius đến cục mịch như Iron Maiden. Đã vậy còn được thấy mặt cả ban nhạc, chứ thời kỳ radio chỉ được nghe thôi chứ không thấy hình.

Tuy nhiên mạng internet hầu như không nhà nào có vì đắt, tất cả phải ra quán net. Quán net thì hoặc không có tai nghe hoặc tai nghe tậm tịt, vì thế phát sinh một nhu cầu mới là ghi (burn) nhạc mp3 ra đĩa cầm về nhà nghe. Nhạc trên internet lúc này chỉ có loại chất lượng thấp, từ 64kbps cho đến 128kbps. 360kbps đã là loại xa xỉ khó tìm, còn lossless phải đến tầm 2008 mới có. Đầu tiên phải dùng IDM tải trộm từ mấy trang nước ngoài, sau đó burn vào đĩa CD trắng (giá 3-5k, hoặc 25k nếu là đĩa Maxell xịn), cầu kỳ nữa photo thêm cái bìa đĩa đen trắng cài ở ngoài. Chỉ vài bước là bạn có ngay 60 phút âm nhạc mang về đầu đĩa ở nhà nằm nghe. Trò burn đĩa này phổ biến trong giới nghe rock đến mức có một anh tên là Trường cung cấp dịch vụ bán đĩa nhạc burn, chỉ 8-10k/ đĩa, nhạc gì cũng có, chính anh này đạp xe đạp ship khắp HN luôn. Anh Trường nếu có đọc được bài này xin hãy nhắn tin để cùng tri ngộ.

Ai có tiền hơn và chơi hơn có thể mua đĩa nhập khẩu. Loại này có trên hàng CD Tự Lập 36 Hàng Bông hoặc Victoria Hàng Bạc. Đĩa luôn có chữ Trung Quốc nhằng nhịt, giá tới 50-100k, một số tiền khá to thời ấy.

Bây giờ đu idol các bạn có thể mua merch rất dễ dàng, nhưng hồi 2000 không có cách gì mua được merch của các band nhạc ở tận bên Tây cả. Để thỏa lòng hâm mộ, chúng tôi cúng tiền cho một hàng “áo rock” tên là Còi Xương trên phố Đội Cấn. Toàn áo phông áo nỉ in hình các ban nhạc với đầu lâu xương sọ rồi máu me. Nhưng không phải band nào cũng có áo. Nirvana còn dễ mua, chứ Opeth hay Death chả ai bán, thế nên lại sinh ra một bọn khéo tay dùng sơn acrylic vẽ tên band nhạc lên áo để bán.

Nghe nhạc đã vất vả, mà anh chị em sinh hoạt với nhau cũng chưa tiện lợi như bây giờ. Lúc đó phây búc chưa xuất hiện, chúng tôi giao lưu với nhau qua một forum có tên là rockviet.vn hay đại loại thế không nhớ nữa. Tôi chỉ nhớ giao diện của nó màu nâu, forum chia đủ topic các dòng nhạc để mọi người thảo luận cùng nhau. Cũng vì internet chưa phổ biến, không phải ngày nào chúng tôi cũng có thể “lên mạng”, nên mỗi tin nhắn hỏi xin link nhạc hay bình luận phải mất vài ngày mới được hồi âm. Không có nhiều người giỏi tiếng Anh, Google translate cũng chưa ra đời nên thi thoảng có ai dịch được một bài giới thiệu kiến thức âm nhạc thì chúng tôi ngấu nghiến đọc. Không khí rất xây dựng, hầu nhủ không thấy chửi bới hay tranh luận vớ vẩn như sinh hoạt mạng bây giờ.

Nói chuyện trên mạng chưa đã, chúng tôi còn tụ tập bên ngoài. Chưa có tổ chức gì cả nên rock fan tụ nhau hết trên café Đinh với Holyland ở Đặng Tiến Đông. Holyland hay chơi nhạc nên đắt hơn, dành cho những ngày có tiền hoặc muốn dẫn bạn gái lên để thể hiện. Rất kỳ lạ là quán Đinh không có liên kết gì với nhạc rock nhưng tất cả đều kéo lên đó. Có lẽ vì cốc cà phê chỉ 5k-8k, rất phù hợp với học sinh sinh viên. Tới khoảng 2010 phây búc phổ biến và tự dưng mọc ra một hội hâm mộ café Đinh khiến quán trở nên đông kín người lạ mặt, rock fan chúng tôi không bao giờ quay lại đó nữa.

XEM TIẾP KỲ SAU

Presto - 29 November 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link