Nghe một bài hát hay rồi táy máy đi tra lyrics là sai lầm chết người mà ai cũng từng mắc phải. Vì sao lại sai lầm? Vì trường hợp lyrics hay và làm tăng ý nghĩa bài nhạc rất hiếm, đa phần nó dở, và khi đã biết lyrics, ta sẽ thấy bài hát kém hay đi.
Có một bài hát Tây Ban Nha tôi rất thích tên là Nunca Vas A Comprender của Rita Payes. Tôi nghe nó 3 năm nay nhưng chưa bao giờ hiểu hết phần lời, thế là hôm trước tôi tra thử, để hát theo. Nhưng biết lời bài hát rồi tôi lập tức không thấy nó hay nữa: lời hóa ra nhạt nhẽo quá.
Nghĩ lại thì lời bài hát, nhất là lời bài hát nhạc pop, thường chả quan trọng mấy. Trước giờ chúng ta đều nghe nhạc mà có ai hiểu lời đâu.
Ví dụ như K-Pop Gen 1 chẳng hạn. Làm gì có ai hiểu H.O.T với Baby Vox hát tiếng Hàn Quốc nói những gì; muốn biết đi nữa cũng chưa có mạng để tra. Thế mà vẫn thích như thường. 8X-9X đời đầu mê mệt Britney Spears, nhưng thời đó có mấy người hiểu được tiếng Anh để biết lyrics nói gì? Kể cả biết tiếng Anh, tôi cá là đa số không hiểu ý nghĩa thực sự của câu “Hit me baby one more time”. Thế mà vẫn thích như thường. Rock fan Việt Nam thời 2000s có ai hiểu các band nhạc metal gào rú cái gì không? Chắc là không. Cùng lắm chỉ có thể hiểu mang máng mấy bài ballad của Bon Jovi hoặc Guns ‘n Roses, nhưng hiểu cũng nhờ tra lyrics trên mạng rồi lại tra nghĩa từng từ thôi, chứ không phải nghe ra được. Quá trình đọc hiểu một cái lyrics như thế có khi mất cả ngày và ít người chịu mất công đến thế. Thế mà vẫn thích như thường.
Mà nói gì nhạc tây, ngay đến nhạc Việt nhiều khi tôi cũng không hiểu họ hát gì nữa. Ví dụ như nhạc của những ca sĩ bán chuyên với phong cách ê a thều thào như ông cụ non sắp về cõi thọ chẳng hạn.
Nói như vậy để thấy rằng lyrics không quá quan trọng trong việc cảm thụ một nhạc phẩm. Chúng ta thường ở một trong ba tình huống thôi: hoặc lyrics là một ngoại ngữ ta không biết, hoặc tiếng mẹ đẻ nhưng ta không nghe ra, hoặc nghe thấy nhưng lyrics tối nghĩa quá chả hiểu nói gì (VD như nhạc Trịnh Công Sơn). Và như đã nói, việc biết lời nhiều khi còn khiến bài hát kém hay đi.
Có nhiều cách nghĩ về chuyện này. Lyrics không quan trọng lắm vì hầu như đều là những câu sáo mòn nhàn nhạt, cùng lắm được một hai từ catchy mang lại ý nghĩa cho cả bài. Lyrics hay và đóng góp sâu vào ý nghĩa nhạc phẩm như nhạc Văn Cao, Phạm Duy hoặc The Beatles cực hiếm.
Cũng có thể nhạc và lời nên được xem như hai bộ phận riêng biệt, liên quan đến nhau nhưng không nhất thiết phải phụ thuộc vào nhau. Tự giai điệu đã mang trong mình hình ảnh và cảm xúc riêng rồi, như ta có thể thấy trong nhạc jazz hoặc cổ điển, nơi thính giả chủ yếu dựa vào tên nhạc phẩm hoặc những miêu tả chung chung của nhạc sĩ để tự hình dung nốt. Nhạc Hoa lời Việt những năm 90 là điển hình cho suy nghĩ này. Nhạc Hoa thời đó quá hay nên chúng ta đã chế thêm phần lời Việt (chẳng còn liên quan gì đến lời gốc) để ca sĩ Việt có thể hát và người bình dân nghe dễ hơn. Tuy nhiên vì nhạc sướt mướt quá nên lyrics Việt dù là chế ra cũng không vui được mà chỉ có thất tình buồn bã. Đó là sức mạnh của âm thanh.
Lý do cũng có thể bởi bộ não của chúng ta. Đôi khi dù lời hay nhưng việc tập trung vào lời lại khiến chúng ta bớt đi sự tập trung vào phần nhạc, và pha loãng óc tập trung cũng pha loãng luôn cả chất lượng bài hát. Ở điểm này âm nhạc gần với tôn giáo. Trong đạo Phật, có một trường phái dịch kinh theo kiểu không dịch nghĩa (translation) mà chỉ chép lại âm thanh (transliteration). Ví dụ những từ được cho là thần bí hoặc đa nghĩa sẽ chỉ dùng phương pháp transliteration: dhārani = đà-la-ni, arhat = A-la-hán, prajñā = bát-nhã. Rồi đến lượt người Việt dịch kinh từ tiếng Trung ra tiếng Việt, chúng ta lại transliteration nguyên tiếng Hán, nên thành ra các cụ già tụng những câu vô nghĩa (với tai người Việt) như “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”. Cách dịch này không chú trọng vào nội dung mà chỉ chú trọng tới vỏ âm thanh, giúp cho việc tụng chú sát với câu chú gốc và nghe hay hơn so với dịch hẳn nghĩa sang tiếng Việt, vì nó mang theo lớp áo huyền bí. Nghĩ đến đây tôi không khỏi mỉm cười khi nghĩ rằng lúc chúng ta hát phăm phăm nhạc Hàn hay nhạc Nhật mà không biết một chữ nào tiếng Hàn tiếng Nhật thì chúng ta cũng “tín” ngang hàng với các Phật tử mất rồi còn đâu!
Còn bạn, bạn có thường tra lyrics bài mình thích không, và lyrics nào từng làm bạn ấn tượng nhất?