Tại sao bạn không nên làm giàu?

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Có những người không thể làm giàu được, hoặc thật sự không nên làm giàu. Rất có thể bạn nằm trong số đó.

 

TV và sách vở ngày nay dễ làm cho người ta hiểu lầm về tiền bạc.

Hàng ngày bạn được đọc những tin có dạng như: “Tỷ phú A. mới xx tuổi đã sở hữu số tài sản khổng lồ lên tới xxxxxxx USD”, “Đại gia B. khoe chiếc xe Bentley biển đẹp cùng cô vợ người mẫu”, “Công ty C. từ một startup nhỏ nay đã được rót vốn xxxxxx USD”, vân vân.

Giàu có và thành đạt dường như là mẫu số chung của tất cả mọi người (trừ bạn).

Đấy là còn chưa kể sách dạy làm giàu bán chạy như bao cao su.

Truyền thông làm chúng ta tưởng rằng

  • ai cũng làm giàu được (ông Napoleon Hill bảo cứ nghĩ rằng mình giàu ắt sẽ giàu ú ụ)
  • làm giàu là việc tương đối dễ (nặn ra một ý tưởng hay, lập công ty, làm bài bản như quyển sách 50k ngoài Đinh Lễ nó bảo, chỉ vài năm là vào list Forbes chứ có gì)
  • làm giàu là mục đích cao cả nhất

 

Trước hết ta cần biết những loại người nào có thể làm giàu?

Tôi biết sách self-help thường lôi ra rất nhiều dẫn chứng hùng hồn rằng người tầm thường nhất cũng có thể trở nên tỷ phú. Nhưng theo chính tỷ phú Felix Dennis (ông trùm ngành xuất bản Anh), hạng người thứ nhất có thể làm giàu được là những người dám đánh đổi.

Sự đánh đổi lớn nhất có lẽ là về mặt tinh thần.

Tỷ phú Felix Dennis thời trẻ (giữa)

Trong phần mở đầu vở kịch “Người lái buôn thành Venice”, Shakespeare để cho hai anh thương gia tâm sự với nhau. Một anh kể rằng không lúc nào anh thôi nghĩ đến những tàu chở hàng của mình: thấy gió thổi làm gợn nước trong bát canh thì anh nghĩ ngoài biển gió to thế này khéo lật hết cả tàu bè; đi nhà thờ thấy nó xây bằng đá tảng, anh liền nghĩ cục đá to thế này mà ở biển khéo tàu mình va phải sẽ vỡ làm đôi.

Nếu đã dấn thân vào sự làm giàu, trí óc bạn sẽ ngày đêm nghĩ đến việc ấy mà thôi. Sẽ không còn nhiều thời gian cho gia đình hay những thú vui cá nhân nữa.

Trong kinh Tân Ước, Jesus có răn dạy các môn đệ rằng “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 21). Câu ấy quả không sai.

Hậu quả đáng kể thứ hai của việc dành hết tâm trí cho kiếm tiền là gia đình tan vỡ.

Felix Dennis nói rằng ông chưa từng gặp một người nào lao vào con đường làm giàu, cho dù chỉ là giàu một chút thôi, mà gia đình lại không tan nát. Những vấn đề thường đi kèm với việc làm giàu: hôn nhân sóng gió, không có thời gian cho con cái, dùng những món quà đắt tiền để bù cho việc họ không bao giờ có mặt ở nhà, nỗi lo lắng rằng các con sẽ lớn lên mà không được giáo dục tốt hoặc không có ý chí tự lập.

Ông cho rằng không bao giờ có ngoại lệ cho những đau khổ này, cho dù ai cũng nghĩ rằng mình sẽ là ngoại lệ. Đây có phải cái giá bạn sẵn sàng trả hay không?

Nhưng cầm một nắm tiền với một gia đình tan nát chưa phải là kết cục xấu nhất, vì ít ra bạn cũng được an ủi bởi tiền. Kinh khủng nhất là khi bạn dành cả đời để kiếm tiền và làm cho gia đình tan vỡ, nhưng kết cục bạn thất bại và chẳng có xu nào. – Felix Dennis

Dấn thân làm giàu tức là bạn đặt cược vào một trận tá lả mà khả năng thua là 99%.

 

Lý do thứ hai là định hướng nghề nghiệp.

Có những nghề không tương thích với sự giàu có.

Nếu muốn trở thành họa sĩ hay nhà văn thì tốt nhất bạn nên gạt ý nghĩ làm giàu ra khỏi óc. Tất nhiên bạn có thể giàu nhờ bán tranh hoặc sách. Nhưng nếu bạn thật sự là một nghệ sĩ giỏi và thật sự đưa ra thứ gì mới mẻ, sản phẩm của bạn sẽ đi trước thời đại quá xa và chỉ khi bạn xuống mồ xã hội mới nhận ra giá trị của nó.

Dostoyevsky suốt đời sống trong nợ nần và cờ bạc. (Ông còn thêm tật nghiện gái mại dâm.) Van Gogh nghèo đến mức mỗi tuần có đến hai, ba ngày phải nhịn ăn uống. Van Gogh vẽ nhiều tranh tự họa và phong cảnh, đơn giản vì ông không có tiền thuê mẫu vẽ.

Nhà văn Dostoyevsky

Paul Gauguin mất cả hai đứa con vì không có tiền chữa bệnh. Ông chết vào một buổi sáng tháng 5 tại một hòn đảo trên Thái Bình Dương, trong cô đơn và nghèo túng. Franz Kafka, vì đi trước thời đại, hoàn toàn không được thế giới công nhận. Ông chết như một người vô danh.

Felix Dennis cho rằng nếu bạn có thiên hướng nghệ thuật và sợ rằng tiền bạc sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm hồn thì bạn không nên cố làm giàu.

Vì lý do của bạn hoàn toàn chính đáng. Bản thân Felix là một nhà thơ. Khi về già, ông ân hận vì đã kiếm tiền như một kẻ mất trí:

“Nếu có thể quay ngược thời gian, biết những gì hôm nay tôi biết, tôi sẽ chỉ kiếm đủ tiền để sống thoải mái, theo cách nhanh nhất có thể, hy vọng là trước tuổi 35. Sau đó tôi sẽ nghỉ hưu để làm thơ và trồng cây”.

Hiểm họa thứ ba của việc kiếm tiền là hy sinh tuổi trẻ.

Để có thành công tài chính nhất định, bạn buộc phải dành phần lớn quỹ thời gian cho công việc và không thể hưởng thụ cuộc sống như bạn bè. Mọi người đi chơi vào cuối tuần trong khi bạn ngồi một mình suy nghĩ cách trả lương nhân viên cuối tháng. Mọi người thong thả ăn uống và đi dạo với người yêu, trong khi bạn ăn vội vàng bát mỳ để quay trở lại bàn viết quảng cáo vì chưa có tiền thuê agency bên ngoài.

Triệu phú MJ DeMarco và chiếc xe Lamborghini màu cam nổi tiếng

“Mỗi tuần tôi làm việc 60 tiếng. Tôi chẳng còn có khái niệm cuối tuần. Trong khi bạn tôi ra ngoài ăn uống và nhảy múa, tôi phải gù lưng trong căn hộ tí hon của mình, nhai đi nhai lại từng đoạn code” – MJ DeMarco

Khi mới dấn thân vào con đường làm giàu, bạn sẽ không thể nào giàu bằng những người đi làm công ăn lương. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy trong đời sống cá nhân. Người yêu của Felix bỏ rơi ông vì Felix quá nghèo và thất bại liên miên. MJ DeMarco, triệu phú Mỹ, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người yêu lâu năm bỏ ông đi theo một giám đốc giàu có vì không thể hiểu nổi tại sao DeMarco không thể làm một công việc bình thường như bao người khác.

 

Trước khi hạ quyết tâm trở thành tỷ phú, hãy suy nghĩ về câu hỏi này: Bạn có cần rất nhiều tiền để hạnh phúc không?

Hãy nghe Felix, một trong những người giàu nhất nước Anh tâm sự:

“Hạnh phúc ư? Nực cười. Người giàu không bao giờ hạnh phúc. Tôi đã gặp rất nhiều người giàu nhưng chưa thấy ai hạnh phúc. […] Thế tôi có hạnh phúc không? Không. Thật ra đôi lúc tôi có thấy vui, chỉ đôi lúc thôi, khi tôi đi bộ trong rừng một mình, hoặc mải nghĩ một câu thơ, hoặc ngồi lặng im uống rượu với mấy ông bạn cũ. Hoặc lúc tôi cho mấy chú mèo hoang ăn. Tôi đã có thể làm tất cả những thứ ấy mà chẳng cần giàu.”

Xã hội hiện đại cố làm bạn tin rằng làm giàu là mục đích sống duy nhất. Nhưng thế giới sẽ nhàm chán và kém văn minh biết bao nếu Mozart mải buôn thịt lợn mà không viết nhạc, nếu Monet mải bán màu mà quên vẽ tranh.

Danh họa Claude Monet

Mỗi cá nhân được sinh ra với một tài năng nhất định. Rất có thể bạn không có tài làm giàu. Hoặc tệ hơn nữa, bạn chẳng có tài năng gì cả.

Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nuôi giấc mơ trở thành tỷ phú.

 

Vậy bạn có nên làm giàu không?

Sau khi đã xem xét tất cả những điều trên, nếu bạn vẫn cho rằng mình (1) có tài làm giàu và (2) sẵn sàng chấp nhận rủi ro (tài chính cũng như đời sống cá nhân), vậy bạn hãy dấn thân để thực hiện nó.

Nhưng đừng quên rằng bạn còn rất nhiều lựa chọn khác. Làm công ăn lương không phải một điều tồi tệ. Sáng tạo nghệ thuật và chịu nghèo trong nhiều năm cũng không phải một điều tồi tệ. Điều đáng chán là khi bạn coi làm giàu là mục đích tốt đẹp duy nhất và lao vào con đường ấy bất chấp tất cả. Rất có thể một ngày, khi tuổi trẻ – phần đẹp nhất của cuộc đời đã trôi qua, bạn sẽ nhận ra bạn thực sự không cần nhiều tiền đến vậy.

Phần lớn chúng ta chỉ muốn đủ ăn, mỗi tháng dư ra chút đỉnh để hưởng thụ cuộc sống và để dành lúc ốm đau. Hầu hết những việc làm công ăn lương đều giúp bạn đạt được mục tiêu này.

Công cuộc làm giàu mang đến thịnh vượng và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bản thân cũng như xã hội. Nhưng đó không phải con đường dành cho tất cả mọi người. Và cũng không phải con đường duy nhất để tạo ra giá trị cho cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

How to Get Rich – Felix Dennis (Ebury Press, 2007)

The Millionaire Fastlane – MJ DeMarco (Viperion Publishing Corp, 2011)

Thánh Kinh Tân Ước, bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ

 

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link