Cứ khi nào không viết được, writer sẽ đổ tại bí ý tưởng (writer’s block). Nhưng theo Andre Gide, nhà văn không viết được là do chưa thành thật với chính mình.
Câu ấy nghe thật vô lý. Tôi mà lại không thành thật với tôi à? Tôi lừa tôi để làm gì?
Tuy nhiên nghĩ kỹ bạn sẽ thấy quả thực bạn không phải lúc nào cũng thành thật với lòng mình đâu. Giả dụ khi bạn nhìn thấy một cô gái đẹp và khen cô ấy “xinh như tiên” thì bạn có nói thật với lòng mình không? Bạn chỉ thành thật một nửa: chữ “xinh” là thật, còn “như tiên” thì không, vì làm gì có chuyện bạn nghĩ ra cô tiên lúc ấy! “Như tiên” là cái bạn bắt chước người khác rồi tiện mồm nói ra thôi. Như thế là không thành thật.
Vậy tả thế nào mới thành thật?
Trần Dần tả gái đẹp thế này:
“Em đẹp như em vừa mới nở
Rét đài nưn nứt lụa
Đùi hoa cau ướt sữa.
Ô hay! Tay non che bẹ nhỏ
Không lẽ sương tươi vừa nhu nhú nụ
Tụ ra em…”
Tả được như thế không phải vì tác giả cố nặn ra hình ảnh hoa lá để ghép cho con người đâu; vì nếu để chúng ta so người đẹp với hoa, chúng ta cùng lắm chỉ nói “Em đẹp như bông hoa đọng sương nở lúc ban mai”.
Chỉ viết được như thế vì “đẹp như hoa” là chúng ta nói do quen miệng, mà quen miệng là do bắt chước người khác. Chúng ta không thành thực nghĩ cô gái đẹp như hoa. Trần Dần chắc phải hứng tình lắm mới nghĩ ra đùi cô gái trắng và ướt át như hoa cau ướt sữa. Hứng tình quá mà tả, như thế là thành thật với bản thân.
Một ví dụ khác. Nếu tả cảnh mặt trời lặn bạn sẽ tả thế nào? Chúng ta dễ nghĩ ra cảnh mặt trời lặn xuống như hòn lửa thế này thế nọ. Xuân Diệu bảo: “Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm”. Cảnh dễ thương như vậy xuất hiện trong một bài thơ viết cho người yêu, thế là thành thực chứ không phải cố tô vẽ mà ra.
Hoặc tả cảnh chiều ngả về tối thì ta nói thế nào? Ta sẽ tả theo kiểu “màn đêm buông xuống”, “chiều xuống”, “buổi chiều trùm lên cảnh vật”. Chắc thế. Duy có Xuân Diệu bảo “chiều lên”:
“Chiều lên dần dần. Tôi càng đi, trời càng tối. Những bước đi cũng đồng thời với triều bóng dâng, xúi cho tôi dễ tưởng rằng bước của tôi có quan hệ với thời giờ; thỉnh thoảng tôi đứng lại, tần mần xem thử họa chăng có liên lạc gì không…
Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng: tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần trong bóng tối, tợ hồ trong thành phố Huế là ngày, bên đàn Nam Giao là đêm.[…]
Vâng, chiều lên dần dần, chiều không xuống.”
Thế có phải Xuân Diệu cố nói ngược lại cho khác người, cho độc đáo không? Không phải. Nếu chỉ cố nói ngược lại thì không cách nào bạn tả được vào chi tiết như thế. Đoạn văn trên mà bịa thì chỉ nói được “Tôi thấy buổi chiều lên”, là hết.
Muốn nói được vào cụ thể, chỉ có cách nói những điều mình thực sự thấy trong đầu. Mà muốn thấy trong đầu rõ thế thì phải quan sát và suy ngẫm kỹ lưỡng về điều mình định nói. Đã nghĩ kỹ thì ta sẽ có chính kiến riêng về vấn đề, thường là một chính kiến không giống ai. Ví dụ như bạn thích ăn phở thì bạn có chính kiến riêng về việc thế nào là bát phở ngon và hàng nào bán phở ngon nhất. Ai nói khác đi bạn đâu chịu tin ngay.
Đáng tiếc là với nhiều sự việc khác trong cuộc đời, chúng ta lại không nỗ lực suy ngẫm để đạt tới cái chính kiến như vậy mà hay lười biếng ngả theo những gì người khác nói. Chính thói lười này khiến chúng ta “bí ý tưởng” rồi hay nói những câu mơ hồ nhạt nhẽo; không phải vì chúng ta là lũ buồn tẻ, mà chỉ vì ta chưa suy ngẫm đủ để đạt đến mức độ thành thật với lòng mình mà thôi.
_____________
Còn nhiều suy nghĩ về viết lách nữa sẽ được chia sẻ tại lớp viết văn 3 buổi Presto.
Đừng quên đăng ký lớp Presto Online ngày 8 Dec bạn nhé. Chi tiết xem tại: chiepclass.com