Processed with VSCOcam with hb1 preset

Tầm quan trọng của một cây bút đẹp (I)

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Hồi mới làm blog cho Chiếp Class mình có viết hai bài về sổ tay và phương pháp ghi chép: Tầm quan trọng của một cuốn sổ tay đẹpBạn đã có Bullet journal chưa? Sau 3 năm nhìn lại, đây là những bài viết được chia sẻ và quan tâm nhiều nhất (độ hot chỉ sau bài Chuyện cây bạc hà của tôi), đồng thời gây ra…nhiều yêu cầu nhất: ai cũng muốn biết có sổ đẹp rồi thì phải viết bút gì?

Bút là chuyên môn của tôi mà tôi ngồi im thì thật là áy náy. Vậy xin trả lời cho câu hỏi “Nên viết bút gì” bằng bài viết ngắn sau đây.

Bút chì

Bút chì là công cụ viết cổ xưa nhất của loài người. Nó hoạt động cùng cơ chế với mấy que củi mà người nguyên thủy sống trong hang đá dùng để vẽ. Vì lâu đời và thiết kế quá sức đơn giản, số hãng sản xuất bút chì gần như không thể đếm được.

Vậy bạn phải chọn một cây bút chì như thế nào?

Trước hết bạn cần để ý tới độ chì. Độ chì chính là những chữ ghi ở đuôi bút như: HB, 2B, 6B…

Chì H cứng và viết mờ (9H cứng hơn và mờ hơn 2H), chì B mềm và viết đậm (6B mềm và đậm hơn 2B). Dưới đây là một bảng so sánh cơ bản các độ chì để bạn tham khảo:

Nói chung chì H có ưu điểm không bị dây bẩn (smudge-resistant), đường nét sắc gọn, phù hợp cho việc vẽ kỹ thuật. Khi viết cho cảm giác cứng và nét mờ.

Mình không khoái viết bằng các loại chì H lắm vì khi viết phải ấn rất mỏi tay (không dùng lực nét bút sẽ mờ tịt không nhìn được). Nhưng cái sự mờ tịt này lại hóa ra một ưu điểm nếu bạn dùng đúng chỗ: chì H, đặc biệt là những cây như 6H trở lên, rất thích hợp để phác họa một vài đường đơn giản trước khi vẽ màu nước (chia bố cục hoặc đặt perspective…). Tô màu xong nét chì mờ gần như không còn thấy được nữa, vậy là khỏi mất công tẩy.

Ở thang giữa là chì F và HB. Hai loại này vẫn cứng nhưng cho nét đủ đậm.
Nếu dùng chì HB trở lên trên, bạn nên chọn loại giấy nhiều tooth (độ sần cao) để chì bám tốt hơn vào mặt giấy.

Chì B cho nét đậm, cảm giác viết trơn mượt như bơ. 2B vẫn là loại chì viết được vì mềm và độ dây bẩn nằm ở mức chấp nhận được. Nhưng chì từ khoảng 5B trở lên chỉ hợp để vẽ thôi vì nó dây bẩn đen sì cả trang nếu bạn trót quệt tay vào, và ngòi mòn rất nhanh.

Độ mòn ngòi (nib retention) cũng là một yếu tố bạn cần cân nhắc khi chọn bút. Xét về độ chì, chì H càng cao sẽ càng bền ngòi. Một cây 6H có thể viết vài ngày không cần gọt. Ngược lại, độ B càng cao chì càng nhanh hết. Dùng một cây 10B để viết thì bạn sẽ phải dừng lại gọt 2-3 lần trước khi viết hết một trang A4.

Tuy nhiên độ chì (và do vậy, cả độ mòn ngòi nữa) của các hãng không giống nhau. Ví dụ một cây Faber Castell 2B sẽ cứng như một cây Staedler HB. Chì Koh-I-Noor mềm hơn các loại chì thường, 2B của nhà này sẽ mềm bằng 4B các loại khác.

Một tiêu chí nữa là chất lượng gỗ. Bạn chỉ cần nhìn vào phần gỗ đã được gọt sẽ biết gỗ tốt hay không: gỗ tốt sẽ liền một khối, bề mặt mịn như sáp, có mùi thơm dịu. Gỗ dỏm khiến ruột chì mau gãy và gây khó khăn khi gọt.

Chất lượng gỗ tồi của những cây bút chì phổ thông

Gọt bút chì có rất nhiều loại đẹp và xịn, ở Việt Nam mình không thấy bán bao giờ. Chắc các bạn phải nhờ bạn bè ở nước ngoài cầm về giùm. Ở đây có vài mẫu đẹp để tham khảo:


Mình không thích dùng gọt vì ngòi chì nhìn không có hồn vía. Gọt bằng dao vừa tiết kiệm chì, mà sản phẩm có vẻ…rất là nghệ sĩ.

Ok cái này chưa nghệ sĩ lắm nhưng tập dần sẽ quen

Tóm lại, để viết bạn nên mua chì HB – 2B. Để phác họa trước khi tô màu nước: HB – 10HB. Để vẽ chì đơn thuần/ cần vẽ các khối đậm: 2B – 10B.

Bút chì là một công cụ viết có nhiều ưu điểm: giá rẻ (không lo mất), chịu được mọi thời tiết nóng lạnh ẩm thấp (khoản này bút mực phải chịu thua), viết được dưới nước (các nhà nghiên cứu hải dương cần ghi chép số liệu trong lúc lặn sẽ viết bằng chì, sau đó phơi khô giấy), có giá trị lưu giữ vĩnh cửu nếu không bị tẩy (mực xịn đến mấy đều có lúc phải bay màu, riêng chữ viết bằng chì sẽ chỉ mờ đi do các trang giấy cọ vào nhau nhưng không bao giờ biến mất hoàn toàn).

Tuy nhiên bút chì có một nhược điểm rất khó chịu là ghosting: nét chì bị lem sang trang đối diện, vừa mất thẩm mỹ vừa gây khó khăn khi đọc chữ (nhất là nếu chữ bạn xấu như chữ tôi). Cách giải quyết đơn giản nhất là dùng chì độ H cao. Nếu vẫn muốn dùng chì 4B để viết, bạn phải lấy một tờ giấy dày kê giữa hai trang để chì không làm bẩn sang trang đối diện.

Vết bút chì dây bẩn sang trang đối diện rất khó chịu

Sự lựa chọn bút chì ở Việt Nam chưa phong phú lắm. Một số bút chì mình từng dùng qua để bạn tham khảo: Staedler, Faber Castell, Mitsu-Bishi, Stabilo, Koh-I-Noor.

– Staedler phổ biến và dễ mua nhất nhưng không có gì đặc sắc. Riêng cây Mars Lumograph màu xanh da trời chất lượng tốt hơn, ở Việt Nam các bạn mỹ thuật hay dùng loại này, có lẽ vì nó tốt nhất trong những loại chì dễ mua.

–  Stabilo mấy năm trở lại đây bán khắp nơi, màu sắc lẫn ngòi đều chán, giá cũng không rẻ.

– Mitsu-Bishi cũng thuộc loại chì mới được bán rộng rãi ở Việt Nam. Hãng này của Nhật, mình đánh giá cao vì màu sắc đẹp (chữ in trên thân không hề bị mờ đi như các hãng khác), chì tốt, cả viết và vẽ đều thích. Giá cỡ mười mấy nghìn một cây không nhớ lắm, ở Việt Nam phổ biến 2 loại là 9800 màu xanh lá và Uni màu nâu đỏ (phổ biến với các bạn hay vẽ manga).

– Koh-I-Noor, dân mình thường gọi là chì Tiệp, phổ biến nhất là cây màu nâu vàng. Gần đây thấy có chỗ nhập thêm loại Toison D’Or màu đen. Cây này mình khuyên mua: phối màu đẹp (nền đen, chữ vàng), gỗ rất xịn (màu đỏ nhạt như có máu chảy ở trong, thơm dịu), chì viết rất thích.

– Faber Castell nổi tiếng ở Việt Nam nhờ dòng chì màu Polychromos dành cho họa sĩ. Nghe đồn tô phê lắm nhưng chưa được thử bao giờ.

Chì Faber Castell mình thích nhất cây 9000 màu xanh lá, hiện bán rộng rãi, dễ mua hơn ngày xưa nhiều. Đây là cây chì tốt nhất có thể mua trực tiếp ở Hà Nội: màu sơn đẹp (chữ vàng trên nền xanh lá đậm), gỗ thơm và mịn, độ mòn ngòi không thể chê vào đâu được: một cây 6B vót nhọn có thể viết đến vài trang A4 mà không cần gọt tiếp. Chì không bao giờ bị vụn hay gãy lung tung như hãng khác. (Faber Castell là hãng bút chì yêu thích của Van Gogh – điều đó đã nói lên tất cả). Nếu có dịp đi chơi Bangkok bạn hãy mua luôn vài cân chì Faber Castell về dùng dần, giá bên đó rẻ hơn khá nhiều, chủng loại phong phú nữa.

Faber Castell 9000 là loại bút chì tôi thích dùng nhất

– Một hãng khác rất nổi tiếng nhưng chẳng thấy nhắc ở Việt Nam bao giờ: Blackwing (Mỹ).

Cũng giống như sổ Moleskine, Blackwing nổi tiếng vì nó có những người dùng nổi tiếng.

Đội ngũ fan hâm mộ của bút chì Blackwing bao gồm những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 20: nhà văn John Steinbeck (Nobel Văn học 1962, tác giả Chùm nho phẫn nộ, Của chuột và người), nhạc trưởng Quincy Jones, nhà văn Truman Capote (tác giả In Cold Blood, Breakfast at Tiffany’s), nhạc sĩ Stephen Sondheim, huyền thoại nhạc jazz Duke Ellington, và rất nhiều họa sĩ/ nhạc sĩ của nhà Walt Disney.

Kịch bản phim Lolita của Stanley Kubrick được chính tay Vladimir Nabokov viết bằng cây chì Blackwing , “trên một chiếc ghế xếp, giữa những khóm hồng và mấy con chim nhại”. Chuột Mickey nổi tiếng, cùng với Tom & Jerry, đều được vẽ bằng Blackwing.

Về mặt kỹ thuật, bút chì Blackwing có điểm đặc biệt là đầu tẩy thiết kế hình chữ nhật dẹt chứ không phải hình tròn, tẩy không bị gắn chết vào đầu bút mà có một kẹp sắt rút ra được để điều chỉnh độ dài. Ngoài ra tẩy dẹt còn giúp bút không bị lăn rơi xuống đất. Chất lượng chì tất nhiên rất xịn.

 

Phùuuu, mới viết sơ lược chút về bút chì mà hơn 1500 chữ rồi, thôi hẹn các bạn ở Phần II – Bút máy nhé.

 

(Còn nữa)

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link