Jane và bầy tinh tinh

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

“Tôi muốn đi giữa bầy tinh tinh mà không sợ hãi, giống như Tarzan”

– Jane Goodall

Tôi biết đến Jane lần đầu tiên qua bài báo “Becoming Jane” trên tạp chí National Geographic. Hôm ấy là khoảng năm 2015, lúc tôi đang tìm bài đọc cho một lớp Méo. Bài báo nói gì tôi không nhớ nữa, chỉ thấy ấn tượng với bức ảnh minh họa rất đẹp.

Cuối năm ngoái, trong lúc ăn cơm trưa tôi lại tình cờ nhìn thấy Jane một lần nữa trên kênh NatGeo: lần này bà là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Jane” (2017).

Phim kể về cuộc đời của Jane Goodall, cô gái 26 tuổi một mình sống trong rừng Tanzania với lũ tinh tinh hoang dã. Cô gái trẻ không bằng cấp này được cử vào rừng sâu chỉ với nhiệm vụ đơn giản là ghi chép lại đời sống tinh tinh, nhưng phát hiện của Jane trong rừng Gombe lại làm cả thế giới chấn động.

Vào những năm 1960, giới khoa học tin rằng chỉ con người mới biết tư duy, và chỉ con người mới biết biết làm ra dụng cụ. Họ định nghĩa con người là “tool makers”. Tuy nhiên quan sát của Jane đi ngược lại thành kiến này: bà tận mắt thấy những con tinh tinh trong tự nhiên chế tạo dụng cụ bắt mối, và do vậy, buộc khoa học phải định nghĩa lại loài người. Kết luận của bà tất nhiên gặp phải phản ứng dữ dội, vì Jane chỉ là một cô gái trẻ và không có bằng đại học. Nhưng chính vì không học đại học, Jane đã dễ dàng vượt qua những thành kiến lỗi thời của giới hàn lâm. Trong phim bà nói rằng “Thật may mắn mắn rằng tôi đã không đi học.”

Phim có hai mạch truyện: cuộc đời của đàn tinh tinh mà Jane quan sát qua nhiều thế hệ, và tình yêu của Jane với Hugo, một nhà quay phim hoang dã được cử đến để hỗ trợ bà.

“Jane” được dựng dựa trên 140 giờ phim bị lãng quên trong kho lưu trữ của National Geographic. Đạo diễn Brett Morgen đã phải xem kỹ từng thước phim để phân biệt và nhận dạng 160 con tinh tinh, sau đó lọc ra 3 con xuất hiện nhiều nhất để dựng thành cốt truyện.

Nội dung phim hấp dẫn đã đành rồi, nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn cả là màu phim: màu sắc rực rỡ khiến người xem như được ngồi lên cỗ máy thời gian quay ngược về thời kỳ Technicolor. Tuy nhiên đây không phải màu tự nhiên của các cuộn phim lưu trữ. Khi đến tay đạo diễn Brett Morgen, hơn một trăm giờ phim Kodak 16mm đã bị hư hại nhiều. Ảnh ngả màu cam và tím, bị sạn (grainy) mạnh đến mức khó coi, ngay cả với tiêu chuẩn của năm 1960.

Ngân sách làm phim tài liệu thường không đủ để tiến hành chỉnh màu, nhưng với “Jane”, National Geographic đã cử hẳn chuyên gia màu sắc Tim Stipan tới cứu các băng ghi hình cũ. Để làm lại màu cho 90 phút phim, Tim phải dành 250 giờ làm việc miệt mài, với công đoạn quan trọng nhất là tăng saturation lên hết mức có thể, vì trong nguyên bản màu phim rất nhạt.

Nếu bạn yêu thích thế giới động vật và mê điện ảnh, “Jane” chắc chắn là bộ phim bạn phải xem ít nhất một lần trong đời.

 

 

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link