Mục lục bài viết
Kinh Thánh là gì?
Kinh Thánh (Bible) là một cuốn sách dày khoảng 1000 – 3000 trang tùy cỡ chữ và khổ giấy, chia làm 2 phần: Tân Ước (New Testament) và Cựu Ước (Old Testament). Ước ở đây nghĩa là Giao Ước, giao ước giữa con người và Thiên Chúa.
Cựu Ước dày khoảng 1500 trang, bao gồm 46 cuốn sách nhỏ (phe Kháng Cách chỉ công nhận có 39 sách, về các nhánh của đạo Thiên Chúa tôi sẽ nói thêm ở sau). 46 sách này thường được chia thành 4 nhóm:
- Ngũ Thư (còn gọi là Torah, gồm 5 sách rất quan trọng: Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, và Đệ nhị luật). Câu chuyện Adam – Eva và nhiều điển tích nổi tiếng khác đều bắt nguồn từ sách Sáng thế.
- Các sách lịch sử (kể về việc người Do Thái chiếm đất Canaan, sau đó lại bị đánh bại và thời kỳ dân tộc này bị lưu đày ở Babylon)
- Các sách khôn ngoan (răn dạy về thiện – ác)
- Và các sách tiên tri.
46 sách Cựu Ước được viết từ xa xưa bởi người Do Thái (Jew). Do Thái là một dân tộc sinh sống tại nơi ngày nay là Israel. Sau nhiều biến cố lịch sử, dân tộc này bỏ quê hương tản mác ra khắp thế giới nhưng vẫn nhận ra nhau nhờ giữ nghiêm ngặt những truyền thống của Do Thái giáo. Vào giữa thế kỷ 20, một phong trào hồi hương được phát động mạnh mẽ trong cộng đồng Do Thái và từ khắp thế giới, họ quay về đất Israel để thành lập quốc gia Israel hiện đại. Cựu Ước là nền tảng của cả Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo.
Tân Ước mỏng hơn, chỉ khoảng 500 trang, gồm:
- 4 sách Phúc Âm (kể về cuộc đời của ông Jesus dưới góc nhìn của bốn môn đệ là Mátthêu, Máccô, Luca, và Gioan)
- Rất nhiều thư tín của Giáo hội thời sơ khai (nhiều nhất là thư của Phao-lô)
- Và một cuốn sách với lời lẽ rất bí ẩn có tên Khải Huyền.
Các nhánh Thiên Chúa giáo
Thiên Chúa giáo có nhiều nhánh khác nhau, và Kinh Thánh của các hệ phái có sự khác biệt nhỏ về số lượng sách được tuyển chọn, thứ tự sắp xếp cũng như cách hiểu các bản văn. Nhưng nhìn chung Ki-tô giáo có 3 dòng chính:
- Công giáo (Catholic): thường được hiểu là Công Giáo Roma, với người đứng đầu là Giáo Hoàng ngự ở Vatican (đương kim Giáo hoàng là Francisco). Người Công giáo tin rằng giáo hội của họ là giáo hội duy nhất do chính Chúa Jesus thiết lập. Đây là hệ phái lớn nhất. Ở Hà Nội, nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long đều thuộc nhánh này. Các nhà thờ Công giáo có đặc điểm chung là trang hoàng lộng lẫy, bên trong thờ rất nhiều tranh, tượng hình Đức Mẹ và các thánh tông đồ.
- Chính Thống giáo Đông phương (Orthodox): vào thời Trung Cổ, Ki-tô giáo trải qua một cuộc mâu thuẫn nội bộ lớn, gọi là Đại ly giáo. Sự kiện này chia rẽ một giáo hội duy nhất thành hai phe: giáo hội phương tây với trung tâm là Roma và giáo hội phương đông với trung tâm là Constantinople, tức Istanbul ngày nay. Người đứng đầu Chính Thống giáo là Thượng phụ, ngự ở Istanbul, Thượng phụ hiện nay là Bartholomew I. Chính Thống giáo hiện diện mạnh nhất ở Nga và các nước Đông Âu. Chính Thống Giáo không có mặt ở Việt Nam.
- Kháng Cách (Protestantism) hay còn gọi là Tin Lành: đây là kết quả của cuộc ly giáo thứ hai trong nội bộ Giáo hội Roma. Thế kỷ 16, một giáo sĩ có tên Martin Luther đứng dậy kêu gọi cải cách lại Giáo hội Roma. Ý tưởng của ông không được chấp nhận và Luther tách ra thành lập hệ phái riêng. Nhiều người bất đồng quan điểm với Roma cũng lần lượt từ bỏ Công giáo, và những người này được gọi chung là phái Kháng Cách. Kháng Cách được truyền tới Việt Nam dưới tên gọi Tin Lành. Nhà thờ Tin Lành đầu tiên của Việt Nam nằm ở phố Ngõ Trạm, Hà Nội. Họ tự gọi mình là “Cơ Đốc nhân”. Các nhà thờ Tin Lành luôn trang trí đơn giản, bên trong chỉ có ghế băng dài và bục giảng, không thờ tranh tượng như Công Giáo.
Công Giáo và Tin Lành khác gì nhau?
Vì Chính Thống giáo không xuất hiện ở Việt Nam nên tôi tạm bỏ qua, chỉ xin phân biệt sơ lược giữa hai nhánh Công giáo và Tin Lành.
Tin lành phủ nhận thẩm quyền của Giáo Hoàng ở Vatican, cho rằng bất cứ ai cũng có thể tự đọc và diễn giải Kinh Thánh (trong khi Công giáo bắt buộc tín đồ phải hiểu Kinh Thánh theo cách diễn giải của Hội Thánh Roma). Do sự khác biệt này trong tín lý, người Tin Lành có thể tự lập hội thánh tư gia để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh ngay tại nhà theo nhóm nhỏ, trong khi Công giáo bắt buộc con chiên phải đến nhà thờ, và nhà thờ Công giáo chỉ được xây dựng dưới sự cho phép của Vatican.
Người Công Giáo, ngoài việc thờ Jesus, còn phong các môn đệ đầu tiên và Mẹ Maria là Thánh, tin rằng Mẹ đồng trinh trọn đời. Người Tin Lành phủ nhận điều này và chỉ tôn thờ duy nhất Chúa Jesus.
Các Cha đạo Công Giáo không được phép lấy vợ, còn Mục sư bên Tin Lành có thể lập gia đình như người bình thường. Phái Tin Lành nhấn mạnh việc tự học hỏi Kinh Thánh của mỗi cá nhân, vì thế người Tin Lành thường thạo Kinh Thánh hơn là người Công Giáo. Chuyện này thì tất nhiên ở đâu cũng có ngoại lệ.
Về giáo điển, Kinh Thánh của hai bên có vài điểm khác nhau về số lượng sách được tuyển chọn cũng như trật tự sắp xếp, tuy nhiên điều này không quá quan trọng với người đọc phổ thông.
Nên đọc Kinh Thánh theo thứ tự nào?
Kinh Thánh là một cuốn sách đặc biệt, cả về độ dày lẫn độ khó. Với người mới tìm hiểu, cách tốt nhất không phải là đọc từ đầu đến cuối cuốn sách, mặc dù điều này hoàn toàn có thể. (Với độ dày 2000 trang, nếu bỏ qua các chú thích, bạn có thể hoàn tất việc đọc toàn bộ Cựu Ước và Tân Ước chỉ trong 70 tiếng đọc liên tục).
Phương án đọc Kinh Thánh dễ nhất là khởi đi từ 4 sách Phúc Âm của Tân Ước, vì chúng tương đối ngắn, và được kể dưới dạng câu chuyện nên dễ hiểu và dễ nhớ. Bốn sách Phúc Âm giúp bạn làm quen với cuộc đời Jesus và hiểu các điển tích nổi tiếng như “Bữa tối cuối cùng”, “Tông đồ thứ mười ba”, “Của Xê-da thì trả cho Xê-da”…
Sau bốn sách Phúc Âm, bạn nên đọc tiếp các thư, đặc biệt là thư Phao-lô, vì lời văn rất hay và các ý tưởng thần học được diễn giải theo cách đơn giản. Khi mới tìm hiểu, nên bỏ qua Khải Huyền vì đây là sách thuộc thể văn huyền bí, câu chữ phức tạp và không giúp ích gì nhiều cho người mới đọc.
Hết Tân Ước, bạn có thể bắt đầu Cựu Ước bằng cách đọc Sáng Thế. Sách kể về việc Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và loài người. Các điển tích phổ biến như câu chuyện Adam – Eva, Abel – Cain, trận đại hồng thủy, con tàu Noah, thành Sodom… đều nằm trong sách này.
Tiếp đến nên đọc Samuel (quyển I và II) vì nó được viết dưới dạng truyện kể rất hấp dẫn. Đến lúc này, nếu niềm tin tôn giáo của bạn đủ mạnh, bạn có thể đọc sách Gióp, một cuốn sách rất đặc biệt trong Cựu Ước. Ông Gióp là một người ngay thẳng nhưng Chúa thử thách lòng tin của ông bằng cách giáng xuống đủ thứ tai họa; Gióp vượt qua tất cả và được Chúa ban thưởng vì sự kiên định của mình.
Sau khi hoàn thành các sách trên, bạn có thể thoải mái đọc phần còn lại theo bất cứ thứ tự nào mình muốn. Bạn cũng có thể tham khảo các chương trình đọc Kinh Thánh theo chủ đề hoặc theo mùa được cung cấp miễn phí rất nhiều trên internet.
Điều quan trọng nhất khi đọc Kinh Thánh lần đầu là không nên cố gắng hiểu mọi thứ.
Nếu gặp một từ nào khó hiểu, hay một tên riêng chưa nghe bao giờ, bạn chỉ nên đọc chú thích ngay trong sách. Nếu chú thích vẫn chưa giải đáp được, bạn nên bỏ qua và tiếp tục đọc. Việc dừng lại tra cứu sẽ làm ngắt quãng cảm hứng của bạn khi đọc Kinh Thánh, chưa kể là đối với người mới học, việc tra cứu sẽ chỉ dẫn bạn từ thắc mắc này đến thắc mắc kia mà không có câu trả lời thỏa đáng. Cách tốt nhất là kiên trì đọc hết các sách cơ bản (như đã nêu trên) để hiểu sơ lược về bộ sách đồ sộ này, những điều khó hiểu bạn có thể ghi chú lại và tra cứu sau.
(còn nữa)