Hướng dẫn đọc Kinh Thánh cho người Việt Nam (III)

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Mục lục bài viết

Phần I

Phần II

Phần III


 

Bạn nên đọc bản dịch nào?

Sau khi biết cách tiếp cận Kinh Thánh, việc quan trọng tiếp theo là tìm một ấn bản Kinh Thánh đủ tốt để đọc. Vì bài viết dành cho người Việt Nam, tôi sẽ đưa ra nhận xét về các bản kinh tiếng Việt trước, và nói qua về bản tiếng Anh ở phần cuối.

Có nhiều bản dịch Kinh Thánh Tiếng Việt, nhưng đáng chú ý nhất là 3 bản sau:

  1. Kinh Tin Lành bản truyền thống (1926). Đây là bản kinh mà không Cơ Đốc nhân nào không biết đến. Bản dịch được thực hiện bởi Phan Khôi, học giả uyên bác bậc nhất Hà Nội thời bấy giờ, dưới sự giám sát chặt chẽ của ông bà mục sư Cadman. Phan Khôi kể lại như sau:

“Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà mục sư W.Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, – vì bà biết đến 13 thứ tiếng – để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành. Tôi kể việc ấy vào đây để cho thấy người ngoại quốc làm việc dịch kinh, coi là việc trọng đại lắm, không dám cẩu thả.”

Trong cộng đồng Tin Lành, bản truyền thống 1926 có giá trị tình cảm đặc biệt, các bản hiệu đính và dịch mới về sau đều không thể thay thế được. Xét về tổng thể, đây là một bản dịch xuất sắc. Tuy nhiên cách hành văn của bản 1926 quá cổ (tiếng Việt lúc đó vẫn đang trong giai đoạn hình thành), cộng thêm nhiều từ đã thay đổi nghĩa sau gần 100 năm, gây khó hiểu cho người đọc mới. Dù sao đây cũng là một bản dịch đáng đọc thử nếu bạn muốn tìm hiểu Kinh Thánh.

Bản Truyền thống có in phần Tân Ước dưới đạng sách bỏ túi rất xinh xắn và nhẹ, tiện cầm theo. Đây là sách tặng tín hữu, không bán.
  1. Kinh Công giáo, bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn (1976). Đây là bản được đánh giá cao nhất trong giới nghiên cứu Kinh Thánh, vì kinh được dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Híp-ri, A-ram và Hy Lạp. Cha Thuấn thông thạo nhiều ngoại ngữ, từng đi học ở Roma, sau đó tốt nghiệp trường Thánh Kinh Giêrusalem.

Do Cha Thuấn chủ trương dịch sát từng chữ so với nguyên văn, cộng với cách dùng Tiếng Việt hơi cổ xen lẫn tiếng địa phương nên câu văn nhiều khi trúc trắc khó hiểu. Bản dịch này cũng không giữ được chất thơ của các phần thi ca. Người học Kinh Thánh chuyên nghiệp đánh giá cao bản Cha Thuấn vì độ chính xác so với kinh gốc và phần chú thích đầy đủ, nhưng tôi cho rằng người đọc phổ thông khó mà thích được bản này.

Ở Hà Nội không thể mua được bản Cha Thuấn. Cách duy nhất là vào nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng (Sài Gòn) hỏi mua, nhưng sách in không đẹp: bản in ngày nay có lẽ là in từ ảnh scan bản gốc in năm 1976, chữ nhỏ li ti và mờ rất khó đọc.

Bạn có thể đọc thử bản dịch này tại đây.

  1. Kinh Thánh (2006) bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ở Việt Nam, đây là công trình dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên do một tập thể thực hiện.

 

Bản in năm 2011 của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Kinh được dịch từ nguyên văn Híp-ri, A-ram và Hy Lạp, có đối chiếu với bản Latin. Đây là bản được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Công giáo và cũng là bản tôi thích nhất, vì lời lẽ hiện đại, dễ hiểu, các phần thi ca dịch rất hay. Khi đọc chung trong các thánh lễ, bản dịch này toát lên âm hưởng tôn giáo vô cùng xuất sắc. Bản Giờ Kinh Phụng Vụ được in dưới dạng quyển lớn (đủ Tân Ước và Cựu Ước) và quyển bỏ túi (Tân Ước). Bạn có thể mua cả hai ở nhà sách trên phố Nhà Chung (Hà Nội), đối diện thư viện quận Hoàn Kiếm.

 

Nên đọc bản tiếng Anh nào?

Số ấn bản Kinh Thánh tiếng Anh không thể đếm xuể, tuy nhiên có hai bản nổi tiếng nhất là King James (KJV) và bản Geneva.

Năm 1604, Hoàng đế Anh James I quyết định rằng giáo hội Anh (Church of England, hay còn gọi tắt là C of E) phải có một bản dịch Kinh Thánh thật hoàn chỉnh. 47 học giả được triệu tập và làm việc ròng rã 7 năm để dịch trọn Kinh Thánh từ nguyên bản.

Bản King James nổi tiếng vì văn phong hoành tráng, dùng nhiều từ cổ (“cổ” ở đây không phải so với hiện đại mà so với chính tiếng Anh thế kỷ 17. Các dịch giả của bộ King James hầu hết đều thông thạo tiếng Latin, vì vậy thứ tiếng Anh trong bản KJV nghe lại…giống tiếng Latin hơn là tiếng Anh phổ thông thời bấy giờ).

KJV có vị trí lịch sử vô địch mà không bộ sách nào vượt nổi. Đây là bản dịch được dùng rộng rãi nhất trong thế giới Anh ngữ và gây ảnh hưởng sâu đậm tới văn chương Anh – Mỹ qua nhiều thế kỷ.

Bản Geneva ra đời trước bản King Jame 51 năm nhưng ngày nay không nổi tiếng bằng.

Kinh Thánh Geneva là một cột mốc quan trọng trong đời sống tôn giáo của người Anh: trước khi có bản dịch này, tín đồ Ki-tô giáo không hề có một bản kinh nào để tự đọc ở nhà. Giáo hội và vua chúa không cho phép người dân tự đọc Kinh Thánh bằng thứ tiếng “thô tục” (tức là tiếng Anh). Năm 1526, học giả Anh William Tyndale khởi công dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh. Vì hành động táo bạo này, ông phải chạy trốn sang Đức, sau đó bị treo cổ trên giàn hỏa thiêu.

Sau sự kiện Tyndale, nữ hoàng Mary Tudor (được biết đến với cái tên Bloody Mary) lên ngôi và thiêu sống hơn 300 nhà phiên dịch Kinh Thánh, trong nỗ lực dập tắt phong trào cải cách tôn giáo và mang nước Anh trở về với Giáo hội Roma. Hành động tàn bạo này khiến khoảng 800 học giả, phần lớn là nhà thần học và chuyên gia Thánh Kinh, bỏ nước Anh trốn về lục địa Châu Âu.

Một nhóm nhỏ gặp nhau ở Geneva và dưới sự bảo trợ của John Calvin, họ cho ra đời bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh đầu tiên chuyển ngữ từ bản gốc. Ngoài KJV, bản Geneva cũng đóp góp rất nhiều cho sự hình thành ngôn ngữ Anh hiện đại.

Đây là bản kinh yêu thích của William Shakespeare, John Milton, John Bunyan…Nhóm Pilgrims – những người Anh đầu tiên đặt chân lên Bắc Mỹ, cũng dùng bản Geneva. Cá nhân tôi thích bản này hơn bản King James.


Vậy là tôi đã làm xong một việc ao ước bấy lâu – viết một bài hướng dẫn ngắn gọn giúp người trẻ ở Việt Nam tiếp cận Kinh Thánh cách dễ dàng.

Như đã nói ngay từ đầu, chuyên môn của tôi không liên quan đến Kinh Thánh, tôi càng không hiểu gì về thần học, do vậy những kiến thức nêu trên đây dễ có chỗ sai sót. Nếu các Cha, các Mục Sư và tín hữu đọc được và thấy lỗi lầm mong đừng quở trách, vì tôi chỉ có thành ý và đã nỗ lực nhất trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình.


Tài liệu tham khảo:

Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước), bản dịch nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, NXB Tôn Giáo, 2013
Kinh Thánh Tân Ước (bản Truyền thống), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bản in 2014
The 1599 Geneva Bible, Tolle Lege Press
The English Bible – King James Version, W. W. Norton & Company, 2012

 

Presto - 29 November 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link