Startup là gì? Bạn đã hiểu sai về startup (III)

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Mục Lục Series 

Phần I

Phần II

Phần III


 

Giá Trị

Khó mà tìm được thứ gì tăng trưởng đều đặn vài phần trăm một tuần, nhưng nếu bạn tìm ra, bạn nên biết rằng ý tưởng đó cực kỳ quý giá. Làm một phép tính đơn giản chúng ta sẽ hiểu ngay tại sao.

weekly yearly
1% 1.7x
2% 2.8x
5% 12.6x
7% 33.7x
10% 142.0x

 

Một công ty tăng trưởng 1%/ tuần sẽ lớn gấp 1.7 lần sau một năm, trong khi một công ty tăng trưởng 5%/ tuần sẽ lớn gấp 12.6 lần. Một doanh nghiệp làm ra $1000/ tháng (một con số phổ biến ở YC) và tăng trưởng 1%/ tuần thì 4 năm sau sẽ làm ra $7900/ tháng, ít hơn lương của một lập trình viên giỏi ở thung lũng Silicon. Một startup tăng trưởng 5%/ tuần thì 4 năm sau sẽ làm ra $25 triệu / tháng.

Tổ tiên của chúng ta hiếm có cơ hội chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân như vậy, bởi vì cảm tính của chúng ta không giúp ích gì trong những việc thế này. Các startup tăng trưởng nhanh thường làm chính founder của nó phải kinh ngạc.

Mark Zuckerberg – founder của Facebook

Sự khác biệt rất nhỏ trong tỷ lệ tăng trưởng tạo ra kết quả rất khác nhau. Đó là lý do có từ “startup”. Nó lý giải tại sao startup làm những việc mà doanh nghiệp bình thường không làm, ví dụ như gọi vốn và bị mua lại. Đồng thời nó cũng giải thích tại sao startup thường thất bại.

Nhìn vào giá trị tương lai của một startup thành công, bất cứ ai quen thuộc với khái niệm “giá trị kỳ vọng” (expected value) sẽ thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thất bại rất cao.

Nếu một startup thành công có thể kiếm về cho founder $100 triệu, vậy ngay cả khi khả năng thành công chỉ là 1%, giá trị kỳ vọng của nó đã là $1 triệu. Một nhóm founder đủ thông minh và quyết tâm sẽ đẩy con số đó cao hơn 1% rất nhiều. Nếu gặp đúng người – ví dụ như Bill Gates khi còn trẻ – khả năng thành công có thể lên tới 20% hay thậm chí 50%.

Vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi có quá nhiều người muốn thử sức với startup. Trong một thị trường hoàn hảo, con số startup thất bại phải tỷ lệ thuận với số thành công. Và vì số thành công rất lớn, số thất bại cũng rất lớn.

Điều này có nghĩa là phần lớn startup đang làm những việc vô ích chẳng dẫn đến đâu và tự gọi những nỗ lực tuyệt vọng của mình bằng cái tên hoàng tráng là “startup”.

 

Deals

Tại sao các nhà đầu tư lại thích startup đến vậy? Tại sao nọ nóng lòng rót tiền cho mấy app chia sẻ ảnh, thay vì góp vốn vào những doanh nghiệp làm ra tiền vững chắc?

Bill Gates thời trẻ

Bất cứ khoản đầu tư nào cũng phải được đánh giá dựa trên tỷ lệ rủi ro và lợi nhuận. Startup vượt qua bài test này dễ dàng vì mặc dù rủi ro lớn vô cùng, khoản lợi nhuận đem lại khi thành công cũng rất cao. Nhưng đó không phải lý do duy nhất khiến nhà đầu tư thích startup. Một doanh nghiệp bình thường tăng trưởng chậm cũng có thể có tỷ lệ lợi nhuận – rủi ro tốt, tuy rằng thấp hơn. Vậy tại sao nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalist – VC) chỉ thích các công ty tăng trưởng nhanh? Lý do là vì họ kiếm ra tiền khi được nhận lại khoản đầu tư, lý tưởng là sau khi startup được niêm yết trên sàn, hoặc khi startup được mua lại.

Người ta cũng có thể thu lợi từ một khoản đầu tư thông qua cổ tức. Tại sao VC không đầu tư vào các doanh nghiệp bình thường và thu lợi nhuận? Bởi vì trong một công ty tư nhân, người ta dễ dàng đút tiền vào túi riêng (ví dụ khai gian tiền mua nguyên liệu) và làm cho công ty có vẻ như sinh ít lợi nhuận. Bất cứ ai đầu tư vào các công ty tư nhân để thu cổ tức đều phải kiểm soát kỹ sổ sách kế toán.

Lý do VC thích bỏ tiền vào startup không hẳn vì lợi nhuận, mà còn vì những khoản đầu tư như vậy rất dễ quản lý. Khi founder làm giàu cho bản thân, họ đồng thời cũng làm giàu nhà đầu tư.

Tại sao founder thích nhận tiền từ VC? Cũng chỉ vì tăng trưởng. Muốn tăng trưởng, bạn cần một ý tưởng tốt, nhưng khi có ý tưởng tốt, bạn cũng cần tăng trưởng. Nếu ý tưởng của bạn tốt nhưng bạn không tăng trưởng đủ nhanh, các đối thủ sẽ ăn cắp ý tưởng và vượt qua bạn.[…]

Gần như mọi công ty đều cần người khác rót tiền khi bắt đầu. Nhưng startup thường kêu gọi vốn ngay cả khi họ đã sinh lời. [..] Họ có thể phát triển công ty dựa vào lợi nhuận tự sản sinh ra, nhưng nguồn tiền từ VC sẽ giúp startup tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều. Gọi vốn giúp bạn chọn tốc độ tăng trưởng tùy thích.

Alexis Ohanian, founder của Reddit

Mọi startup thành công đều cần tiền để tăng trưởng nhanh, và VC cần họ hơn là họ cần VC. Một startup đã sinh lời hoàn toàn có thể phát triển công ty dựa vào lợi nhuận tự sản sinh, nếu nó muốn. Tăng trưởng chậm có thể nguy hiểm (đối thủ cạnh tranh vượt mặt), nhưng khả năng cao là doanh nghiệp đó sẽ không chết. Trong khi đó, VC cần phải đầu tư vào các startup thành công, bởi nếu không thì họ còn biết làm việc gì khác? Điều đó có nghĩa là bất cứ startup nào đủ hứa hẹn đều sẽ được cấp tiền kèm theo những ưu đãi mà chỉ kẻ điên mới khước từ. [..]

Gần như mọi startup thành công đều có người muốn mua lại. Tại sao? Startup có gì khiến người ta muốn mua chúng?

Về cơ bản, họ có cùng lý do với những người muốn mua cổ phiếu của các startup đã thành công: một công ty tăng trưởng nhanh luôn đắt giá. Ebay đã rất khôn ngoan khi mua lại Paypal, bởi vì Paypal đóng góp 43% cho doanh số và có lẽ cả cho sự tăng trưởng của eBay hiện nay nữa.

Nhưng bên mua (acquirer) còn muốn sở hữu startup vì lý do khác. Một công ty tăng trưởng nhanh không những có giá trị, nó còn rất nguy hiểm. Nếu startup đó tiếp tục mở rộng, nó sẽ lấn sang cả lãnh thổ của acquirer. Các thương vụ mua bán doanh nghiệp dù ít hay nhiều đều có yếu tố sợ hãi. Ngay cả khi bên mua không bị đe dọa trực tiếp bởi startup, họ sẽ sợ đối thủ mua lại startup đó và trở nên mạnh hơn. Startup có giá trị về cả hai mặt đối với acquirer, vì vậy họ thường trả giá cao hơn cả các nhà đầu tư và chi tiền mạnh tay để mua lại.

 

Thấu Hiểu

Nếu muốn hiểu startup, bạn phải hiểu về tăng trưởng. Tăng trưởng điều khiển mọi thứ trên thế giới này. Tăng trưởng là lý do tại sao startup luôn luôn liên quan tới công nghệ – bởi vì ý tưởng cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh rất khó tìm, và cách tốt nhất để phát hiện ra ý tưởng như vậy là lục lại những ý tưởng trước đây bất khả thi nhưng nay có thể thành hiện thực do bối cảnh thay đổi, và công nghệ là lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất.

Tăng trưởng là động lực thúc đẩy các founder lập ra startup: tăng trưởng khiến cho giá trị của một startup thành công lên rất cao […]. Tăng trưởng là lý do tại sao VC muốn đầu tư vào startup: không chỉ vì lợi nhuận cao mà còn vì kiểm soát lợi nhuận đến từ startup dễ hơn là lợi nhuận thu được khi rót tiền cho các doanh nghiệp bình thường. Tăng trưởng giải thích tại sao các startup thành công nhất vẫn nhận tiền của VC mặc dù họ không thực sự cần: tiền giúp họ chọn được tốc độ tăng trưởng. Và tăng trưởng giải thích tại sao startup thành công luôn luôn nhận được đề xuất mua lại. Đối với acquirer, một công ty tăng trưởng nhanh không những có giá trị mà còn rất nguy hiểm.

Reid Hoffman, founder của LinkedIn

Muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, bạn phải hiểu cơ cấu bên trong của lĩnh vực ấy, và hiểu tăng trưởng là yếu tố bắt buộc khi mở một startup. Mở một startup tức là bạn phải giải quyết một loại vấn đề khó hơn so với doanh nghiệp bình thường. Bạn quyết tâm đi tìm một ý tưởng hiếm hoi có khả năng tăng trưởng như vũ bão. Những ý tưởng như vậy quá giá trị nên rất khó tìm. Startup mà bạn khởi xướng chính là sự hiện thực hóa những khám phá của bạn từ trước tới nay. Vì thế mở một startup cũng giống như quyết định trở thành một nhà nghiên cứu khoa học: bạn không giải quyết một vấn đề cụ thể, bạn không biết chắc vấn đề nào có thể giải quyết được, nhưng bạn quyết tâm khám phá ra một thứ chưa ai từng biết. Một founder vì thế giống với một nhà nghiên cứu. Phần đông chẳng phát hiện ra thứ gì đáng kể, nhưng một vài người tìm ra thuyết tương đối.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link