To share or not to share? Xin bạn đừng chia tiền

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung

Venmo Là gì?

Hôm trước mình có dạy Méo Miệng và chúng mình chọn đề tài đọc báo là Venmo.

Venmo là một ứng dụng hiện phát triển rất nhanh chóng ở New York.

Hãy tưởng tượng tối nay bạn đi ăn với một nhóm bạn. Cuối bữa các bạn sẽ bấm máy tính chia tiền và mỗi người xòe tiền mặt ra góp ngay tại chỗ. Nhưng với Venmo, sự lộn xộn (và đôi khi là ngượng nghịu) khi góp tiền mặt sẽ được giải quyết: chỉ một người đứng lên trả tiền.

Hình ảnh của ứng dụng Venmo

Khi về nhà, người này sẽ gửi “request” (thực chất là một hóa đơn) cho những người còn lại, bao gồm nội dung (“Tiền ăn tối”) kèm số tiền cần trả, chi tiết đến từng xu một (“451k”).

Không dừng lại ở đó, Venmo còn hoạt động như một mạng xã hội kiểu Facebook hoặc Instagram. Nó có newsfeed, nơi bạn có thể nhìn thấy mọi hoạt động thanh toán của bạn bè: “Tom trả tiền ăn sáng cho Job”, “Lucy trả tiền mua vé xem phim cho Dan”…

Cũng giống như Facebook và Instagram, Venmo gây nghiện vì nó cuốn bạn vào vòng xoáy tọc mạch xem bạn bè mình đang đi chơi những đâu, ăn uống với ai. Người dùng Venmo không hề ngại chuyện này: cũng giống như trên Facebook, chúng ta muốn người khác thấy rằng mình đang có một cuộc sống tuyệt vời, đi xem phim và ăn uống với người này người kia.

 

To Share Or Not To Share?

 

Ở Việt Nam, chia tiền ăn uống không còn là chuyện lạ nữa. Nó gần như trở thành quy luật tất cả phải ngầm hiểu với nhau. Nhưng cá nhân tôi không thích chuyện ấy lắm.

Tôi nhớ những sáng năm xưa khi còn bé, tôi hay ngồi chơi ở một hàng nước gần chợ (tôi không được đi mẫu giáo) và thấy người lớn ăn sáng xong thường xô đẩy tranh nhau trả tiền.

 

Lúc thói quen chia tiền mới du nhập vào Việt Nam, tôi nhớ trên mạng người ta chê bai rằng việc tranh nhau trả tiền là biểu hiện của thói sĩ diện hão, rằng người Việt Nam đã nghèo còn không biết tiêu tiền, nay phải học tập cách chi tiêu văn minh như người Tây, ai ăn bao nhiêu trả bấy nhiêu, công bằng sòng phẳng, không ai nợ ai hết. Một anh blogger rất nổi tiếng thời đấy cũng viết bài móc mỉa thói quen cũ và được mọi người tung hô.

Nhưng chia tiền có thực sự là việc tốt?

Chia tiền được nhiều người ưa thích vì nó tạo cảm giác về sự sòng phẳng, không ai bị mắc nợ. Những lúc cuối tháng sắp hết tiền chúng ta vẫn có thể thoải mái đi café cùng bạn bè mà khỏi lo cháy túi, vì chúng ta biết chắc rằng mình chỉ phải trả tiền cho cốc nước của mình mà thôi. Đời sống như vậy kể ra cũng nhẹ nhàng, về cả hai mặt tâm lý và tài chính.

Phố cổ Hà Nội những năm 90

Nhưng nó làm mất đi vẻ đẹp trong mối quan hệ của con người. Cho và nhận là hai điều đẹp vô cùng.

Thời cha chú của chúng ta, dù nghèo (những năm 90 nghèo là cái mẫu số chung của nước Việt Nam) nhưng các cụ mang trong mình phong thái hào sảng của một thời xưa cũ (lúc nói về điều này bằng tiếng Anh, tôi thích dùng chữ “the magnanimity of the old days”).

Tôi không thể tưởng tượng được cảnh bố tôi uống rượu với bạn xong thì rút ví ra chia tiền. Trái lại, ông cụ sẽ ngậm thuốc lá đang cháy dở, tay trái xua xua ra hiệu cho người kia không cần trả, tay phải thì rút ví mình chìa về phía ông chủ quán nhậu, trong lúc ấy thì cặp mắt sẽ lim dim vì khói thuốc bốc vào mắt và vì niềm vui được mời bạn mình một bữa ăn.

 

“Người Tây” Có Chia Tiền?

 

Người Việt Nam, do chả đi ra nước ngoài mấy, thường cho rằng “người Tây” làm gì cũng sòng phẳng, ăn xong chia tiền đến từng xu. Thật ra chia tiền cũng là một chuyện mới mẻ đối với người Âu Mỹ thôi. Dân Mỹ hay Châu Âu tầm 30 tuổi vẫn có thể nhớ lại cảnh lúc bé đi ăn cùng bố mẹ và thấy người lớn tranh nhau trả tiền, y hệt như Việt Nam vậy.

Sự chia tiền cũng không hẳn là một việc bắt buộc. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, người Mỹ, đặc biệt là người trẻ, sẽ chia tiền chính xác tới từng xu một. Dân châu Âu vẫn giữ được nét phóng khoáng của thời đại cũ, thường nhanh nhẩu trả tiền và bảo người còn lại “Cứ để lần sau”.

Splitting the atom bill.

Tôi còn không ưa việc chia tiền vì nhiều khi nó khiến chúng ta trở nên nhỏ mọn. Đầu óc mình sẽ hoạt động như cái máy tính, lúc nào mình cũng sợ bị thiệt, bị mất tiền. Chúng ta dần dần trở nên bủn xỉn. Mời bạn mình một bữa ăn hoặc mời người lạ ở quầy bar một cốc bia để làm quen sẽ bị bộ óc kế toán ấy ngăn chặn. Thế giới sẽ trở nên lạnh lùng và nhỏ bé biết bao. (Fun fact: Những khi tôi lang thang ở nước ngoài, 100% người mời bia để bắt chuyện với tôi là dân châu Âu hoặc Á, chưa từng có người Mỹ nào mời tôi cái gì).

Cuộc sống không phải lúc nào cũng lạnh lùng và sòng phẳng như một bài toán. Cho đi mà không hy vọng một sự báo đáp: cảm giác ấy cực kỳ tuyệt vời. Trong một khoảnh khắc, chúng ta cảm thấy mình vĩ đại và hào phóng biết bao. Lại còn vui nữa.

 

Đừng Chia Tiền, Hãy…

 

Nếu như bạn vẫn muốn sự công bằng, muốn có vay có trả, tôi xin đề xuất những lựa chọn khác thay vì chia tiền. Để trả ơn một người thường mời bạn đi ăn, bạn có thể tặng lại một món quà. Món quà ấy không nhất thiết phải có ý nghĩa vật chất, nhưng nó phải có giá trị tình cảm: một ít hoa quả mang từ quê lên, một cái khăn tự đan, một cái bánh tự làm…

Tốt hơn nữa, hãy tặng món quà phi vật chất: một ngày Chủ Nhật dành để giúp bạn chuyển nhà, một lời an ủi khi bạn gặp chuyện buồn, hoặc một lời giới thiệu giúp bạn mình xin được công việc tốt hơn. Mối quan hệ giữa con người như vậy sẽ bớt phần lạnh lùng và trở nên ý nghĩa biết bao nhiêu.

Và một điểm nữa: sự cho đi về mặt mật chất đôi khi sẽ mang lại món quà phi vật chất lớn hơn rất nhiều.

Thời còn trẻ, Julius Caesar nổi tiếng vì những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng mà ông tự bỏ tiền túi ra để mua vui cho người Roma. Dân thành Roma quý mến và chịu ơn ông; họ đáp lại bằng cách ủng hộ ông lên vị trí Tổng Tài (Consul) và sau đó là Đệ Nhất Tổng Tài, người đứng đầu cả Đế Chế La Mã khổng lồ.

Chân dung Caesar

Sau này Caesar bị giết, người Roma đã trừng phạt những kẻ ám sát một cách rất thê thảm và họ chê những nhà cai trị sau này, rằng không ai có thể vĩ đại và hào phóng như Caesar.

Plutarch, trong cuốn sử nổi tiếng Parallel Lives (sách yêu thích của Napoleon), viết rằng bằng việc tổ chức những bữa tiệc, “Caesar đã mua cái đắt nhất với giá rẻ nhất”.

 

Biết Điểm Dừng

 

Tuy nhiên không phải lúc nào chia tiền cũng là xấu. Có những trường hợp tôi nghĩ tốt hơn cả là chia tiền, ví dụ như đi ăn một nhóm 10 người chẳng hạn. Tổng số tiền sẽ khá lớn, một người khó mà thoải mái trả hết được, vậy tất cả nên chia nhau để ai về nhà nấy mà khỏi băn khoăn.

Tôi xin nhắc lại: việc chia tiền không có gì sai cả. Trong nhiều trường hợp nó rất cần thiết để mọi người đều thấy thoải mái. Nhưng nó giống như cái bánh đà, một khi đã chạm vào rồi, nó dễ đẩy chúng ta đi tới chỗ bủn xỉn và tính toán lạnh lùng trong mọi việc. Đó là điều đã xảy ra với người Mỹ: họ ủng hộ việc chia tiền, và họ phát minh ra Venmo.

Cho đi là một niềm vui, không cho đi thì không bao giờ được nhận.

 

Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất giải trí.

Rủ Chiếp đi ăn vui lòng chia tiền hoặc bao.

Presto - 11 October 
Sắp Khai Giảng

Presto (Offline) - 2024

Lịch Học & Nội Dung
close-link